| Hotline: 0983.970.780

Một nghi lễ thiêng liêng

Thứ Bảy 25/01/2020 , 22:12 (GMT+7)

Một trong những giáo sư tên tuổi thế giới người châu Âu nói: Có hai chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tư tưởng lớn của một vĩ nhân. Đó là “Tết trồng cây” và “Diệt giặc dốt”.

do-rung-216055617
Ảnh minh họa.

Khi mới học lớp một, tôi đã tham gia Tết trồng cây.  Đó thực sự là một ngày hội.

Trong một lần nói chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quang Dy, ông kể là đã gặp một trong những giáo sư tên tuổi thế giới là người châu Âu, một người có những nghiên cứu kỹ lưỡng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vị giáo sư này nói: Có hai chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tư tưởng lớn của một vĩ nhân. Đó là “Tết trồng cây” và “Diệt giặc dốt”. Trồng cây là cách con người bảo vệ thiên nhiên một cách hiệu quả nhất và diệt giặc dốt là mang dân chủ và ánh sáng tri thức cho con người.

Mỗi người dân, từ những học sinh lớp một cho tới một cụ già, đã chọn ngày mồng 5 Tết hàng năm để trồng ít nhất một cái cây trong khu vực mình sinh sống.

Khi học sinh chúng tôi trồng cái cây của mình thì suốt những năm sau đó, chúng tôi chính là những người chăm sóc và bảo vệ cái cây ấy cho đến khi nó trở thành một cái cây khỏe mạnh. Những cái cây được chúng tôi trồng đã trở thành những tri kỷ của chúng tôi.

Nhiều ngày, trên đường đi học về, chúng tôi lại rủ nhau ra xem những cái cây của mình đã lớn được bao nhiêu rồi. Có một sự thật là: Chúng tôi đã vui buồn theo những cái cây mình trồng. Những cái cây như thế đúng là những người bạn thân thiết của chúng tôi.

Ý thức về thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và đóng góp công sức tạo dựng nên sự phong phú của thiên nhiên được hình thành từ Tết trồng cây. Đấy là con đường kỳ diệu nhất của giáo dục. Có lẽ vì thế mà những thế hệ người đã tham gia Tết trồng cây cảm thấy đau đớn khi chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá ngày càng trầm trọng.

Hơn mười năm trước, tôi đã lên tiếng về những cánh rừng đào ở một số tỉnh phía Bắc bị tàn phá hàng năm mỗi khi tết đến. Tôi cũng đã từng thích chơi đào rừng. Nhưng rồi tôi thấy mình đã có lúc gián tiếp liên quan đến sự tàn phá thiên nhiên khi mang một cành đào lớn được chặt từ một cây đào rừng nhiều tuổi.

Phong tục của người Việt Nam là chơi hoa đào trong dịp tết. Nhưng nếu chúng ta chơi hoa bằng cách chặt hết những rừng đào cổ lại là một câu chuyện khác. Cũng như người ta thích chơi đồ trang sức bằng ngà voi, thích uống cao hổ, thích sừng tê giác, thích ăn thịt rừng…

Những ham thích đó của con người đang tàn phá chính môi trường sống của họ. Trong ba mươi năm trở lại đây, số diện tích rừng Việt Nam bị tàn phá còn khủng khiếp hơn cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ cộng lại.

Vậy mà cho đến bây giờ, cái lễ hội trồng cây ấy dường như dần dần lắng xuống khỏi đời sống của chúng ta, chẳng còn nhiều những ấn tượng như trước đây. Nhiều năm nay tôi vẫn tự hỏi khi mùa xuân đến: Tại sao chúng ta lại không nhân thêm lên thật nhiều những hoạt động lớn cho lễ hội đặc biệt này.

Một lễ hội chứa đựng hai điều lớn lao: Giáo dục ý thức, tình yêu con người với thiên nhiên và trực tiếp phục hồi và bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta kêu gọi mọi người học tập đạo đức và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng một trong những hành động chứa đựng tư tưởng lớn của người là yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên thì chúng ta lại không chú trọng mà còn lãng quên dần theo năm tháng.

Khi con người biết yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ thiên nhiên là con người biết yêu chính con người. Cách đây vài năm, Đức pháp vương Gyalwang Drukpa, người đứng đầu dòng Kim Cương Thừa đã kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức một buổi tọa đàm mang tên “Thiên nhiên - Con người: Một thế giới” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Trong lời mở đầu buổi tọa đàm đó, tôi đã nói: “Khi trong lòng người nở một bông hoa thì trên mặt đất nở những cánh đồng hoa, khi trong lòng người một cái cây bị chặt thì trên mặt đất những cánh rừng sẽ tàn lụi”.

Là một nhà tu hành nổi tiếng thế giới, Đức pháp vương Gyalwang Drukpa vẫn ngày ngày đi bộ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn nhặt những đồ phế thải bằng nhựa và trồng những cái cây.

Năm 2002, trên đường trở về từ chuyến đi làm báo về cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào chính quyền khủng bố Taliban ở Afghanistan, tôi dừng lại thành phố Karachi của Pakistan. Đó là một thành phố xây dựng gần như trên một sa mạc chỉ có cát và bê tông và rất hiếm cây. Thị trưởng thành phố đông dân nhất Pakistan nói với tôi rằng: Họ sẵn sàng đổi một mạng người lấy một mạng cây. Câu nói đó chỉ là cách nói về tầm quan trọng tột đỉnh của thiên nhiên.

Cũng như một lần đi trên đường phố nước Mỹ, tôi thấy người ta bọc các thân cây ven một đoạn đường bằng những tấm chăn mềm. Tôi không hiểu và hỏi một nhà văn Mỹ, ông nói họ đang bảo vệ những cái cây vì sắp phải sửa chữa đoạn đường đi qua đó. Họ sợ những cái cây bị chấn thương.

Ở Mỹ, khi một gia đình nào muốn chặt một cái cây thì phải xin phép chính quyền. Cái cây là tài sản của gia đình đó nhưng không vì tài sản của một cá nhân mà anh tùy tiện tàn phá, vì thiên nhiên là tài sản chung của một quốc gia và cũng là của toàn nhân loại.

Ôi, chỉ mấy câu chuyện tôi vừa kể trên đã đủ minh chứng về sự quan trọng và cần thiết của thiên nhiên đối với đời sống con người như thế nào. Vậy mà, chúng có một lễ hội mà tôi thấy đó là một lễ hội thiêng liêng - Lễ hội trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và kêu gọi toàn dân thực thi mà chúng ta đã không chú trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói điều gì to tát mà chỉ cùng mọi người bước đến một nơi nào đó trên mảnh đất của mình và trồng xuống đó một cái cây như một nghi lễ. Con người đã từng trồng một cái cây, gieo một hạt giống trong một nghi lễ như khi sinh ra một con người. Nhưng con người đang rời xa những nghi lễ thiêng liêng của đời sống và cũng là lúc con người đang tiến gần đến những điều vô cảm và tồi tệ.

Và lúc này, trong tôi lại vang lên câu hỏi: Tại sao chúng ta lại không chú trọng Tết trồng cây? Vì sao chúng ta không làm sống dậy phong trào Tết trồng cây như một nghi lễ thiêng liêng vào dịp mùa xuân đến?

Và lúc này, trong tôi lại vang lên những câu thơ của nhà thơ danh tiếng Charles Simic, người gốc Nam Tư:

Tôi đã chìm vào giấc ngủ chiều

Và khi tỉnh dậy

Thấy những cái cây mọc lên quanh tôi

Đấy là những người thân yêu đi xa đã trở về

Thì thầm những vòm lá xanh thẫm

Mỉm cười trong những đóa hoa

Những cái cây trở về và phục sinh

Những gì trong tôi đã chết…

Hà Đông, ngày cuối năm 2019

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm