Vài năm trở lại đây, cây táo xuất hiện và dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả. Cây táo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, mở ra một triển vọng mới trong phát triển kinh tế cho các hộ nông dân ở Ninh Thuận nhất là các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm... Dự kiến, đến năm 2020 diện tích cây táo ở Ninh Thuận đạt 1.200ha, sản lượng đạt 54.000 tấn/năm.
Bình Thuận - Ninh Thuận là vùng có khí hậu khô nóng đặc trưng. Đây cũng là vùng mà môi trường sinh thái thường xuyên bị đe doạ, đất đai khô cằn, các quá trình sa mạc hoá. Đất trồng có lớp đất canh tác mỏng, nghèo vật chất hữu cơ (thường dưới 1%), thành phần sét trong đất thấp, thành phần vụn thô chiếm ưu thế, các dinh dưỡng khoáng trong đất rất dễ bị rửa trôi và thất thoát. Chính vì thế, việc bón phân cân đối và hợp lý cho cây táo trên vùng đất này là vô cùng quan trọng góp phần tăng năng suất và chất lượng cho táo.
Điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng
Táo xanh (hay còn gọi là táo ta, táo gai, có tên khoa học Ziziphus mauritiana) có nguồn gốc châu Phi. Nhiệt độ thích hợp cho cây táo là từ 25 - 32oC, cần nhiều ánh sáng. Táo có thể sống ở nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất là đất thịt pha cát, phù sa ven sông, đủ ẩm, độ pH phù hợp từ 5 - 7. Rễ táo dạng rễ cọc, phát triển mạnh, ăn sâu nên chống gió bão tốt, có thể dùng làm cây chắn gió. Táo xanh cũng là cây chịu hạn rất tốt, thiếu nước cây vẫn tươi xanh và ra nhiều hoa mỗi vụ.
Tuy nhiên khi ra hoa kết quả, táo rất cần nước; thiếu nước quả nhỏ, chát, khô héo và rụng dần. Song nếu có mưa nhiều nước táo dễ úa màu, quả nhợt nhạt, nứt vỏ, hư hỏng dây chuyền gây thất thu nghiêm trọng. Vào mủa khô, nắng hạn cần phải tủ gốc giữ ẩm hoặc tưới nhỏ giọt để cung cấp nước đều cho cây nhất là giai đoạn ra hoa đậu quả, quả đang lớn nhanh. Cần lưu ý hạn chế dùng nước nhiễm phèn mặn để tưới cho táo.
Táo xanh hiện nay có nhiều giống như: táo chua, táo Thiện Phiến ngọt, táo Gia Lộc… gần đây mới du nhập vào một số giống táo Thái Lan. Ngoài ra, còn số giống chọn lọc trong nước như táo số 12, số 32, táo Đào Tiên... và các giống táo địa phương: táo hồng thơm, táo hồng lê, táo bom, táo gió, táo bánh xe và táo thuốc bắc.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây táo
Hiện nay, nông dân đa phần đều áp dụng kỹ thuật leo giàn. Giàn táo được dựng bằng các trụ bê tông, tre, gỗ và kéo dây thép theo tỉ lệ nhất định. Người ta đánh hào dài (tùy theo diện tích đất), rộng khoảng 2m; cây cách cây khoảng 4-5m; hào cách hào khoảng 3 - 4m.
Khi cây phát tán thì đốn hạ các thân phụ chỉ giữ một thân chính. Các cành được cắt tỉa, kéo, cột để cành phát triển theo chiều ngang. Cành thưa dễ chăm sóc, cắt tỉa, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc và thu hoạch quả. Vườn làm thưa đúng tiêu chuẩn cho quả to đều và thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch; giá thành sản phẩm cũng cao hơn.
Sau mỗi vụ thu hoạch thường có 2 phương pháp xử lý: đốn phớt và đốn đau. Đốn phớt là cắt các cành đã cho quả chỉ để lại 1 đoạn 20 - 30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây.
Cách làm này được người dân gọi là cắt cành, ăn theo. Cách làm nay khiến cây nhanh phục hồi, ra hoa, tạo quả kế cận, nhanh thu hoạch. Đốn đau là cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc hoặc giữ gốc cùng vài cành lớn đã ra trong năm trước. Cây sẽ cho nhiều cành mới trẻ hơn, cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch đợt tiếp theo khá lâu.
Quy trình bón phân cho cây táo
Vào giai đoạn trồng mới, bón phân lót cho mỗi hố trồng tùy theo đất tốt hay xấu, có thể điều chỉnh lương bón cho phù hợp, đất tốt cần bón lượng ít, đất xấu bón lượng bón cao trong khuyến cáo. Lượng bón từ 20-30 kg phân chuồng ủ hoai, 2-3 kg phân hữu cơ Đầu trâu Organic Đa dụng, 0,1-0,2 kg Đầu Trâu AT1 hoặc Đầu trâu NPK 20-15-5+TE.
Nếu đất bị nhiễm phèn, mặn cần bón thêm 1-2 kg Đầu Trâu mặn phèn ( NPK .4-14-0 + 14,2 Ca +1 Si), 0,5-1 kg Bio Canxi Đầu Trâu (CaO : 22 %; MgO : 2.2 % + vi sinh vật phân giải lân, cellulose và cố định đạm), Tất cả các loại phân này được trộn đều vào trong hố trồng với lớp đất mặt trước khi trồng từ 20-30 ngày.
Vào giai đoạn kiến thiết cơ bản, đối với cây dưới 1 năm tuổi bón cho mỗi cây từ 100-200g Đầu Trâu AT1 hoặc Đầu trâu NPK 20-15-5+TE. Chia đều 4-5 lần bón trong năm, mỗi lần cách nhau hai tháng sau khi trồng. Đối với cây 2 năm tuổi trở lên bón cho mỗi cây 800-1.000g Đầu Trâu AT1 hoặc Đầu trâu NPK 20-15-5+TE, chia đều 3-4 lần bón, mỗi lần 200-250g khi đất đủ ẩm. Lưu ý bón vùi phân vào vùng tán cây, tưới đủ ẩm.
Vào giai đoạn kinh doanh, sau khi thu họach vụ trước khoảng 5 – 7 ngày tiến hành đốn tái sinh cành kết hợp bón thêm 1-2kg phân hữu cơ Đầu trâu Organic Đa dụng + 300-500g Đầu Trâu AT1 cho mỗi cây. Bón vùi phân vào xung quanh tán cây và lấp đất lại.
Bón giai đoạn trước ra hoa rộ 300-350g Đầu Trâu AT2 cho mỗi cây, kết hợp phun Đầu Trâu Humate -K8 ( là loại phân có nhiều vi lượng, đặc biệt là Bo) để tăng khả năng đậu trái. Bón giai đoạn trái đang lớn (lúc trái bằng ngón tay) 400-600g Đầu Trâu AT1 cho mỗi cây. Bón nuôi trái (trước khi thu hoạch 20-25 ngày): 300-350g Đầu Trâu AT3.
Chăm sóc
Tưới nước: Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
Cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành dưới tán, sau đó quét vôi. Có thể đốn tái sinh để rải vụ thu họach, nhưng cần tránh đốn vào mùa mưa.
Nên trồng xen một số lọai cây rau màu, đậu (đỗ) khi đốn tái sinh cây táo để tăng thu nhập và hạn chế bớt cỏ dại.
Phòng trừ sâu bệnh
Một số đối tượng gây hại trên cây táo cần lưu ý để phòng trừ kịp thời là: Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis), Rệp sáp, Sâu đục trái, Bệnh thối trái (do nhiều lọai nấm gây ra) cần tuân thủ phun xịt theo hướng dẫn trên bao bì và cách ly trước khi thu hoạch theo quy định.
Từ khi ra hoa đến khi thu họach khoảng trên dưới 4 tháng, khi da căng bóng, chuyển màu vàng và có vị ngọt đặc trưng có thể thu hoạch. Có thể điều chỉnh thời gian đốn tỉa cành để thu hoạch vào các thời gian mong muốn, tuy nhiên khoảng lệch vụ này không nhiều.