Canh tác lúa thông minh giúp giảm gần 150 kg giống/ha
Từ hiệu quả chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã gặt hái nhiều thành công tại khu vực ĐBSCL. Riêng trong năm 2023 được sự phối hợp của Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia, Trung tâm giống quốc gia Campuchia, Sở Nông - Lâm và Ngư nghiệp các tỉnh trồng lúa trọng điểm của Campuchia và Tập đoàn Yetak, Công ty CP phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trong vụ mùa mưa năm 2023 tại 4 tỉnh trên đất nước Campuchia gồm: Tà Keo, Preyveng, Battambang và Banteay Meanchay.
Mới đây tại tỉnh Tà Keo, Công CP phân bón Bình Điền phối hợp với Sở Nông – Lâm và Ngư nghiệp Tà Keo (Campuchia) tổ chức hội thảo đánh giá tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã thu hút hơn 200 nông dân trong tỉnh đến tham dự.
Đây là chương trình do Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền triển khai đầu tiên trong vụ lúa mùa mưa tại Campuchia nhằm giúp nông dân canh tanh tác lúa giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Mô hình thí điểm triển khai tại hộ ông Hun Sarum, ở huyện Kaoh Andaet, tỉnh Tà Keo với diện tích 1ha, trồng giống lúa OM 5451 sản xuất trong vụ mùa mưa, năng suất đạt 6 tấn/ha, tăng hơn 900kg/ha, cho lợi nhuận đạt 1.533 USD/ha. Mức lợi nhuận này tăng 543 USD/ha so với ruộng đối chứng.
Theo ông Hun Sarum, đây là lần đầu tiên được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giúp chúng tôi tiếp cận nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác lúa. Từ đó giúp việc canh tác lúa của gia đình ông giảm chi phí như: giảm lượng giống gieo sạ từ 230-250 kg/ha xuống còn 100kg/ha nhờ vào ứng dụng sạ cụm, bên cạnh đó còn giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30% so với trước đây.
Chuyển giao kỹ thuật mới
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Kết quả phân tích mẫu đất cho thấy, đất trồng lúa tại Campuchia cũng bị nhiễm phèn, pH thấp, khá nghèo chất hữu cơ và các nguyên tố dinh dưỡng quan trọng như đạm, lân, kali, canxi, magie. Hơn nữa do mực thủy cấp thấp, canh tác lúa phụ thuộc vào nước trời, đồng thời tập quán sản xuất của bà con vẫn còn sạ rất dày từ 300 - 400 kg giống/ha nên việc quản lý cỏ dại, nước tưới, quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh hại gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, các tỉnh tiếp giáp Việt Nam như Tà Keo, Preyveng, Svay Riêng đang chuyển đổi từ sản xuất lúa mùa sang lúa ngắn ngày 2 vụ/năm, một số nơi thậm chí đang canh tác 3 vụ/năm giống như tại ĐBSCL. Do đó, để canh tác lúa hiệu quả hơn bà con nông dân rất cần các giải pháp canh tác mới, hiệu quả và phù hợp để ứng dụng vào canh tác. Trên cơ sở đó, kinh nghiệm triển khai thực hiện và các giải pháp từ chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL được kỳ vọng sẽ là một giải pháp để giúp bà con trồng lúa tại Campuchia đạt hiệu quả hơn.
Theo ông Tâm, bước đầu, các mô hình cũng đã ứng dụng một số giải pháp mới như: làm bằng mặt ruộng, đánh bùn kỹ và đánh rãnh nước thoát phèn. Giảm giống gieo sạ khô hoặc sạ ướt bằng máy sạ cụm với lượng giống 100kg/ha. Quản lý cỏ dại và các đối tượng sâu bệnh hại tốt. Bón phân chuyên dùng lúa Đầu Trâu Lúa 1 và Đầu Trâu Lúa 2. Kết quả mô hình tại tỉnh Preyveng, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, tăng 1 tấn/ha và lợi nhuận đạt 1.322USD/ha tăng 330 USD/ha so với ruộng đối chứng. Tại Tà Keo, năng suất đạt 6 tấn/ha, tăng 900kg/ha, lợi nhuận đạt 1.533 USD/ha, tăng 543USD/ha so với ruộng đối chứng.
Song song với việc triển khai thực hiện mô hình, chương trình đã tổ chức các buổi thăm đồng để tư vấn kỹ thuật ở đầu vụ và giữa vụ kết hợp thực hiện các video để hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho bà con nông dân. Đồng thời thực hiện hội thảo tổng kết với hơn 200 lượt đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp và 400 lượt nông dân tại các tỉnh.
Các nhà khoa học của Việt Nam như GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, TS. Hồ Văn Chiến cùng với các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật khác đã đồng hành chia sẻ về kỹ thuật canh tác lúa thông minh nhằm giúp trang bị thêm kiến thức để bà con nông dân Campuchia ứng dụng vào canh tác lúa ngày càng tốt hơn, từ đó giúp nông dân gia tăng năng suất.
Ông Nhep Srorn, Giám đốc Sở Nông - Lâm và Ngư nghiệp tỉnh Tà Keo cho biết, Tà Keo là một trong những tỉnh có diện tích đất sản xuất lúa khá lớn ở Campuchia, thường một năm sản xuất 2 vụ, riêng vụ mùa mưa gieo trồng khoảng 180 ngàn ha, còn vụ mùa khô khoảng 80 ngàn ha. Năng suất tring bình trong vụ mùa mưa thường đạt 3,4 -3,5 tấn/ha, còn vụ mùa khô đạt năng suất 5 tấn/ha, riêng các huyện giáp với biên giới Việt Nam nên có điều kiện thuận lợi về đất đai bằng phẳng có thủy lợi nội đồng tốt nên đạt năng suất từ 7-8 tấn/ha.
Đặc biệt trong vụ mùa mưa này nông dân Tà Keo được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp nông dân tiếp cận nhiều về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác lúa, trước nhất giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, đồng ruộng ít cỏ và ít sâu bệnh tấn công, bón phân cũng giảm đi, đồng nghĩa đồng ruộng xanh tốt ít sâu bệnh tức là ít sử dụng phân thuốc nên từ đó giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
“Bên cạnh đó Bộ Nông - Lâm và Ngư nghiệp Campuchia cũng thường xuyên chỉ đạo các tỉnh trồng lúa của chúng tôi nên áp dụng những quy trình tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chương trình canh tác lúa thông của Việt Nam chuyển giao nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập từ việc trồng lúa và giảm đi giá thành trong sản xuất lúa. Trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Tà Keo chỉ đạo các ngành liên quan sẽ tiếp tục vận động nông dân và mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật này nhằm giúp hạt lúa tại đất nước chùa Tháp ngày càng được nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm để cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác”, ông Nhep Srorn, Giám đốc Sở Nông - Lâm và Ngư nghiệp tỉnh Tà Keo chia sẻ.
“Dự kiến trong tháng 10/2023 chương trình canh tác lúa thông minh sẽ tổ chức hội thảo tổng kết vụ mùa mưa và triển khai vụ mùa khô năm 2023 với quy mô lớn hơn, phương pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn. Với kết quả bước đầu đã được chương trình canh tác lúa thông minh cung cấp được các mục tiêu đề ra, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho bà con nông dân trồng lúa tại Campuchia”, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ.