| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 05/06/2021 , 08:33 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:33 - 05/06/2021

Một văn bản vội vàng hay một biện pháp cực đoan?

UBND tỉnh Đồng Nai ngày 4/6 đã ban hành văn bản số 6180 về việc bắt buộc cách ly 21 ngày đối với tất cả những người về/ đến từ TPHCM sau 0h ngày 5/6.

Đây là một văn bản nhằm mục đích chống dịch Covid-19 khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn bất bình.

Tỉnh Đồng Nai giáp ranh với TPHCM, có nhiều quan hệ giao thông và giao thương gắn kết chặt chẽ. Thậm chí, thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai lại liền kề với thành phố Thủ Đức, phụ thuộc và chia sẻ lẫn nhau cả về nhân lực lẫn hàng hóa. Văn bản số 6180 của UBND tỉnh Đồng Nai khác gì một thái độ ngăn sông cấm chợ?

Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng nhiều người hiểu sai lệch ý nghĩa của văn bản trên, không hề có chuyện ngăn sông cấm chợ. Nhưng lại giải thích: “Những người từ vùng dịch TP.HCM lên Đồng Nai được chọn 1 trong 2 quyền. Một là ở Đồng Nai làm việc bình thường, hoặc là ở TP.HCM làm việc online. Đồng Nai phải áp dụng biện pháp này vì số chuyên gia, lao động ở TP.HCM làm việc ở Đồng Nai rất lớn, trên 10.000 người. Nếu để số lượng người này đi đi, về về chắc chắn ở Đồng Nai sẽ có các ổ dịch, nhất là trong tình hình hiện nay. Cho nên Đồng Nai quyết liệt chống dịch như tinh thần của Thủ tướng là tấn công ngay từ ban đầu”.

Trung tâm thành phố Biên Hòa chỉ cách trung tâm TPHCM đúng 30 km. Người dân thành phố Thủ Đức thường xuyên đi lại mua bán tại thành phố Biên Hòa, còn người dân thành phố Biên Hòa thường xuyên đi lại ăn uống tại thành phố Thủ Đức, có thể vì văn bản 6180 của UBND tỉnh Đồng Nai mà tạm thời thay đổi thói quen di chuyển để cùng nhau đẩy lùi virus corona.

Thế nhưng, những người lao động thì sao? Có bao nhiêu người dân từ thành phố Biên Hòa vẫn theo quốc lộ 1A và quốc lộ 1K lên làm việc tại TPHCM? Có bao nhiêu người dân từ huyện Nhơn Trạch mỗi ngày vẫn qua phà Cát Lai để mưu sinh tại TPHCM?

Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM tối 4/6 đã có công văn hỏa tốc gửi Thường trực UBND TPHCM để kiến nghị có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp TPHCM, tránh gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như nhân lực cho hoạt động sản xuất.

Nếu chỉ tính riêng những khu công nghiệp quan trọng nhất tại thành phố Biên Hòa là khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Loteco, khu công nghiệp Agtex Long Bình, khu công nghiệp Tam Phước… thì bao nhiêu công nhân và chuyên gia từ TPHCM mỗi ngày sang Đồng Nai để lao động và sản xuất?

Thử hỏi, những doanh nhân TPHCM có nhà máy hoặc công ty đóng ở các khu công nghiệp Biên Hòa vì e ngại văn bản 6180 của UBND tỉnh Đồng Nai mà tạm thời ngưng vận hành doanh nghiệp thì hệ lụy gì sẽ xảy ra?

Quan điểm nhất quán của Chính phủ là vừa đảm bảo chống dịch vừa ổn định sản xuất. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nhắc nhở các địa phương phải cân nhắc hết sức cẩn thận khi áp dụng các biện pháp cực đoan làm ảnh hưởng đời sống dân sinh.

Có rất nhiều cách để an toàn cho người dân Đồng Nai mà vẫn có thể vận hành liên tục nền kinh tế trong khu vực trọng điểm phía Nam như triệt để tuân thủ 5K hoặc xét nghiệm trên diện rộng, mà không cần thiết phải vội vàng ban hành văn bản 6180.

Lẽ ra, UBND tỉnh Đồng Nai cần trao đổi với UBND TPHCM để có giải pháp phù hợp nhất cho người dân vùng giáp ranh cũng như góp phần giữ vững nhịp độ lao động và sản xuất cho cả hai địa phương.