| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 19/04/2024 , 14:13 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 14:13 - 19/04/2024

Quản lý... vịt trời

Cuối cùng, Bộ Xây dựng đã có động thái trước cơn địa chấn đầu cơ, thổi giá nhà chung cư, 'làm xiếc' trên lưng người nghèo… để trục lợi. Nhưng, như thường lệ: muộn màng!

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư cũ. Ấy là khi chung cư Hà Nội đã được thổi giá từ cuối năm 2023, và lên tới đỉnh điểm vào quý I năm 2024. 

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh giá chung cư Hà Nội tăng nóng từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường.

"Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, Hà Nội cần chấn chỉnh, xử lý, báo cáo với Bộ Xây dựng trước ngày 20/4", văn bản nêu.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tính đến quý I/2024, giá chung cư mới trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp. Đặc biệt, giá bán tại thị trường thứ cấp của chung cư Hà Nội quý I ghi nhận mức tăng giá theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m2.

Việc ban hành một văn bản để điều chỉnh, xử lý một vấn đề (tiêu cực), với trách nhiệm cơ quan giúp việc cho Chính phủ phụ trách lĩnh vực được phân công, Bộ Xây dựng đã vào cuộc quá muộn. Muộn vì sự việc đã xảy ra trong thời gian dài và đã có hậu quả, gây nhiễu loạn thị trường, tác động tiêu cực tới đời sống xã hội; muộn vì chỉ khi “báo chí liên tục phản ánh về tình trạng giá bất động sản tại Hà Nội có dấu hiệu tăng giá bất thường, trong đó có chung cư, nhà ở trong ngõ có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ”..., thì Bộ mới có ý kiến.

Tiếp đó, có thể nói tới vai trò quản lý của địa phương. Để sự việc xảy ra trên địa bàn nhưng Hà Nội vẫn bị động, tâm lý chờ đợi cho tới khi Bộ quản lý lĩnh vực có văn bản yêu cầu mới có động thái. Đó là gì nếu không phải là sự quan liêu, tắc trách, nếu không thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém về năng lực, chuyên môn của các cán bộ, đơn vị giúp việc cho UBND TP. Hà Nội?

Một sự thực đã được xác nhận, một hộ dân xây dựng công trình dù ở trong ngõ hẻm, nếu cơi nới, vi phạm trật tự xây dựng dù chỉ lệch một nửa viên gạch, cán bộ địa chính phường cũng biết. Huống hồ, việc mua bán, chuyển nhượng một căn hộ giá trị nhiều tỷ đồng, người mua bao giờ cũng phải tính đến an toàn cao nhất về mặt pháp lý, nếu chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi, sang tên bìa đỏ, thì cũng phải tìm mọi cách để cầm được trong tay tờ giấy xác nhận có đóng dấu đỏ của cấp cơ sở (phường, xã).

Các hội nhóm trao đổi, mua bán chung cư, các trang web buôn bán, giao dịch bất động sản… hoạt động sôi nổi, công khai tới mức, người (dân) đi mua cũng biết đường tìm đến, thì huống hồ những người quản lý?

Về lý thuyết, các quy phạm pháp luật ra đời là để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Cũng vẫn theo lý thuyết, các quy phạm pháp luật bao giờ cũng phải nhìn nhận, đánh giá, lường trước được những diễn biến, phát sinh, đường đi… của quan hệ xã hội từ đó tối ưu hóa, “đi trước một bước” trước khi ban hành. Đó được gọi là năng lực của cơ quan quản lý, nhà quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều văn bản quản lý được ban hành, căn cứ mà họ đưa ra trong thể thức văn bản soạn thảo, có những lý do mơ hồ như: “theo dư luận phản ánh”, “theo các phương tiện truyền thông phản ánh…”. Nó không có những căn cứ mà tự bản thân cơ quan quản lý, trong quá trình thực thi pháp luật, với vai trò là đơn vị chủ quản, họ hoàn toàn có đủ điều kiện để nắm giữ thông tin, số liệu… một cách đầy tự tin, chính xác.

"Xử lý những người có hành vi thổi giá" là một khái niệm trừu tượng, trên trời. Theo quy luật thị trường, cung gặp cầu ở một điểm - đó là sự thống nhất, thỏa thuận. Khi cả hai bên đều đã đạt được những mục đích riêng, họ “bắt tay ngầm sau lưng”, những con số trong giao dịch mua bán bao giờ cũng thấp hơn con số thực nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế nhà nước cũng là một lý do.

Đó chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp phần ngọn. Thay vì đó, cần minh bạch, công khai thông tin tình hình giá đất, giá chung cư, căn hộ, quy hoạch… tại từng khu vực, vị trí… để những nạn nhân - những người đang ở điểm mù thông tin nắm được. Từ đó, họ mới có thể bình tĩnh phân tích giá trị thực của hàng hóa mà họ sẽ mua. Giải pháp căn cơ, đó là chủ động điều tiết nguồn cung, đảm bảo đúng mục tiêu các dự án nhà ở xã hội giành cho những người nghèo - đối tượng chính của chính sách an sinh xã hội mà cả nước thắt lưng buộc bụng, có thể đường hoàng tiếp cận.

Trong môn bóng đá, mấy năm gần đây áp dụng luật “var”, nghĩa là ứng dụng công nghệ kéo lùi khoảnh khắc đã qua, từ đó đưa ra quyết định đúng trong một tình huống cụ thể. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày không có công nghệ “var”, và càng không thể áp dụng “var” bởi những gì đã xảy ra không thể làm lại. Chúng ta chỉ có thể giải quyết những hậu quả mà nó đã để lại.  

Ngụ ngôn Việt Nam có câu chuyện, một anh chàng láu cá lừa bán đàn vịt trời cho một phú hộ giàu có nhưng không hiểu biết. Phú hộ đó phải trả giá cho lòng tham và sự ngu dốt của mình. Trong lúc chờ đợi những văn bản ban hành có tính chất chữa cháy, khi đám cháy đã xảy ra, người mua cũng cần có sự tỉnh táo, tìm hiểu thông tin để không biến mình thành phú ông, bỏ tiền ra mua một món hàng bong bóng, mà những kẻ trục lợi từ sự khờ khạo, thiếu hiểu biết của nạn nhân, lúc đó đã như những đàn vịt trời ăn no căng diều rồi vội vàng vỗ cánh bay đi…

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm