Văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký ngày 4/6, nêu rõ: Trong những năm qua, hoạt động văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng được sáng tạo góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Bằng trí tuệ, tài năng, tình yêu nghề và uy tín của mình, các văn nghệ sĩ đã không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Đáng tiếc, gần đây một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.
Để kịp phát huy những mặt tích cực, đồng thời chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực nêu trên, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở và cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động diễn ra trên địa bàn, cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Đồng thời, các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 thì công chúng không còn cơ hội thưởng thức các hoạt động biểu diễn trực tiếp, mà phải tìm kiếm sản phẩm giải trí trên internet. Chính sự chú ý của khán giả đến không gian mạng xã hội, đã phát hiện nhiều nghệ sĩ quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc. Liên tục, diễn viên Quyền Linh, diễn viên Nam Thư và cả Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân cũng phải công khai xin lỗi vì những clip quảng cáo thiếu cân nhắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của giới nghệ sĩ, thì những ngôi sao có hành vi sử dụng hình ảnh trên mạng để kiếm tiền rất khó kiểm soát. Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM kiêm bà bầu của Sân khấu TKC chia sẻ, hiện nay dịch bệnh đang đẩy giới nghệ sĩ vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhiều ca sĩ và diễn viên phải bán hàng online như một lối thoát. Nếu không có chính sách hỗ trợ thích hợp, thì sự khủng hoảng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là khó tránh khỏi.
Lẽ thường, muốn bớt cỏ dại thì phải chăm chút hoa thơm. Vai trò của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khá quan trọng. Giai đoạn chống Covid-19 cũng là khoảng thời gian tạm lắng để những người có trách nhiệm suy tư về những giải pháp phát triển nền văn học nghệ thuật đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng. Không thể kêu gọi chung chung mà "có thực mới vực được đạo", phải có những “đơn đặt hàng” cụ thể và cởi mở cho sự sáng tạo của giới nghệ sĩ. Ít nhất, quá trình khuyến khích tác phẩm phô diễn vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, phải được xem như một dự án đầu tư công, thì mới mong đạt được hiệu quả tích cực.