| Hotline: 0983.970.780

Mưa lũ gây hậu quả nặng nề

Thứ Hai 20/10/2008 , 11:14 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn liên tục đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn liên tục đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh. Thiệt hại ghi nhận bước đầu có trên 18.000 ngôi nhà bị ngập, 14 người chết và 10 người mất tích. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại TT-Huế và Quảng Nam.

TT-Huế: 4 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập

Từ ngày 16 - 18/10 mưa lớn liên tục đã làm lũ trên các sông ở TT-Huế lên nhanh, đều ở trên mức báo động III. Mưa cả miền núi, đồng bằng, lẫn ven phá cùng xảy ra gây ngập úng cục bộ tại các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà và một số vũng trũng ở TP Huế. Tại trạm Phú Ốc tốc độ nước dâng lên có thời điểm là 1,52 m/1giờ.

Mưa lũ cắt đứt giao thông nhiều nơi

Đêm 16/10, mưa lớn kèm theo lốc làm 44 ngôi nhà và 3 trường học bị tốc mái tại huyện Phú Vang và Phú Lộc. Rất nhiều tuyến đường bị ngập và sạt lở. Km2+500 (đường tránh đèo La Hy) bị sạt lở, tuyến đường từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) đi A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) bị sạt lở hơn 4.000 m3 đất đá. Khoảng 120 ha lúa tại A Lưới, 200 ha sắn và 100 ha khoai lang tại Phong Điền đều bị nhấn chìm. Rạng sáng ngày 18/10, tuyến đê Đông Lâm - tuyến đê xung yếu tại huyện Quảng Điền bị vỡ hơn 200 m. Tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ đang triển khai thi công cũng bị tràn và làm vỡ 5 m bê tông mặt tràn. Đê bao ngăn mặn tại Hương Phong bị vỡ tổng cộng 300 m khiến toàn huyện Quảng Điền có 7/11 xã bị ngập sâu trong nước với 6.500 hộ có nhà cửa bị ngập sâu từ 1,5 - 2 m. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 153 hộ với 473 nhân khẩu đến nơi an toàn để tránh lũ. Tại TP Huế, nhà ở của hàng ngàn hộ dân tại các phường Kim Long, Phú Cát, Phú Mậu… bị ngập từ 0,5 - 0,7 m.

Toàn tỉnh đã có 4 người chết và một người bị thương, hơn 11.000 hộ dân đã được di dời trong lũ. Thương tâm nhất là trường hợp tử vong của cháu Huỳnh Nguyễn Minh Đức mới hơn 1 tháng tuổi, con anh Huỳnh Phúc ở xã Vinh Hưng lúc 22 giờ ngày 16/10 bị lật đò vì lốc xoáy trên Cồn Giá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thị sát công trình thủy điện Bình Điền

Chiều 17/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt ở TT-Huế. Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra công trình thủy điện Bình Điền. Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực địa công trình, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BQL dự án thủy điện Bình Điền tập trung triển khai các biện pháp phòng chống lũ lụt, chú trọng việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đập tại hồ chứa, tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời xử lý tốt các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Đồng thời, sau lũ phải tập trung thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình, phấn đấu đến cuối năm 2008, công trình sẽ phát điện.

Chiều qua (19/10), mực nước trên các sông đều đã rút. Tuy nhiên theo dự báo trong những ngày tới trời sẽ tiếp tục mưa, cần đề phòng đợt lũ tiếp theo có thể cao hơn.                       

Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát tình hình mưa lũ tại Quảng Nam

Sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã về Quảng Nam để kiểm tra phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương . Bộ trưởng đã thị sát hồ chứa nước Vĩnh Trinh thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên đang thi công ở giai đoạn cống đập phụ. Bộ trưởng đề nghị đơn vị thi công triển khai xây dựng nhanh công trình nhưng phải đặt chất lượng lên hàng đầu vì đây là hồ chứa nước và ngăn dòng cho hạ du.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi thị sát hồ chứa nước Vĩnh Trinh thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam)

Ông Nguyễn Thương - Trưởng BQL dự án cho biết, hồ chứa nước Vĩnh Trinh được khởi công xây dựng đầu năm 2008 và dự kiến đưa vào sử dụng 2010, UBND tỉnh đang trình dự án lên Bộ NN-PTNT xin phê duyệt tổng vốn đầu tư là 74 tỉ đồng để sửa chữa, làm mới lại hai công trình đập chính và đập phụ của hồ, sửa chữa làm mới lại tràn xả lũ, xây dựng đường quản lý dẫn vào hồ dài 6 km…

Cùng ngày sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc nhở, đây mới là trận lũ đầu, phải cảnh giác cao, việc cứu nạn cứu hộ phải xuống tận thôn, bản, vùng nào bị chia cắt trong 10 ngày mà kêu gọi cứu đói thì lãnh đạo địa phương đó phải bị phê bình vì không chuẩn bị tốt công tác dự trữ... Theo Bộ trưởng: Bộ XD đang tiến hành xây dựng đề án phòng tránh lũ tại miền Trung mà tâm điểm là Quảng Nam, tỉnh nên chủ động làm đề án trước, ghép chung với Bộ bởi miền Trung có lẽ cũng phải xây dựng tuyến dân cư tránh lũ như ĐBSCL thì mới yên tâm trong mùa lũ được.

Trước đó, chiều 18/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đến kiểm tra tình hình lũ lụt tại TT-Huế. Bộ trưởng chỉ đạo toàn tỉnh tập trung đảm bảo dự trữ về lương thực ít nhất trong vòng 15 ngày. Bộ trưởng đã trực tiếp thị sát công trình hồ Tả Trạch - công trình thủy lợi lớn thứ 2 của cả nước với nguồn vốn trái phiếu chính phủ do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. 

Quảng Nam: 8 người chết và mất tích

Theo BCH PCLB của tỉnh, đến chiều 18/10 lũ trên các sông tại Quảng Nam đã rút, mực nước trở lại bình thường. Tuy nhiên hậu quả cơn lũ để lại thì vô cùng nặng nề: 5 người chết và 3 mất tích. Báo cáo nhanh của BCH PCLB tỉnh ngày 19/10 cho biết, lũ lụt đã khiến 12.150 nhà dân bị ngập nước.

Hàng vạn ngôi nhà tại Quảng Nam bị lũ nhấn chìm (Ảnh Văn Sự)

Trong mưa lũ, chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán 655 hộ dân với trên 2.500 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm tại các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước và Hiệp Đức. Mưa lũ làm hư hại 1.980 ha lúa và rau màu, 230 ha ruộng bị bồi lấp, 46 ha ao nuôi tôm và 220 con gia súc bị cuốn trôi, 9.500 m3 kênh mương, 122 đập thời vụ, 15 đập dâng kiên cố bị lũ cuốn.

Về giao thông, tất cả các tuyến đường lên miền núi đều bị sạt lở, tuyến đường Hồ Chí Minh, QL 14B, 14D,14E bị sạt taluy âm, trụt taluy dương với gần 10.000 m3, 34 cầu cống các loại và 50 trụ điện bị hư hỏng, ngã đổ...

Tỉnh Quảng Nam đang gấp rút kiểm tra thiệt hại, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả để nhanh chóng thông đường, ổn định đời sống cho người dân. 

Nghệ An: Truy điệu 7 thuyền viên tử nạn

Sáng 18/10, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Nghĩa tổ chức lễ truy điệu cho 7 thuyền viên tử nạn trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua.

Người dân 2 xã Quỳnh Nghĩa và Sơn Hải tập trung tại cửa biển Lạch Quèn làm lễ chiêu hồn cho người xấu số rồi về từng gia đình làm lễ yên vị.

Ông Hồ Văn Thắm (SN 1961) ở thôn 5 là chủ tàu NA 93584 TS ra khơi ngày 10/10, trên thuyền có 6 thuyền viên và ông gồm: Tô Duy Ứng (SN 1961) ở thôn 5, Hồ Luyện (SN 1968) ở thôn 3, Trương Công Quyền (SN 1979) ở thôn 1, Hồ Văn Thông (SN 1974) ở thôn 6, Phan Hữu Hoàn (SN 1981) ở xóm Nghĩa Phú, Thái Văn Thành (SN 1972) ở xóm 1 xã Sơn Hải. Trên đường chạy vào bờ trú áp thấp tàu đã mất tích và sau khi lực lượng biên phòng tìm kiếm thì thấy một mảnh vỡ của tàu, dấu hiệu cho thấy tàu đã bị đắm.

Như vậy, chỉ từ đầu năm đến nay, xã Quỳnh Nghĩa phải chịu hai cái tang tập thể. Tháng 3/2008, một con tàu gặp bão lâm nạn mang theo 8 thuyền viên khoẻ mạnh. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì thêm 7 người khác chết vì áp thấp.

Thanh Hóa: Chưa có tin tức về 7 ngư dân mất tích

Đến chiều 19/10, chị Nguyễn Thị Huệ, trú thôn Vạn Lợi, xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn chưa nhận được thông tin của chồng là anh Trần Chí Hưng cùng 6 ngư dân trên tàu câu mực của gia đình anh Hưng sau gần một tuần mất tích trên biển.

Lần cuối cùng tàu này còn liên lạc với tàu bạn là ngày 13/10, thời điểm các tàu câu vào tránh áp thấp nhiệt đới tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Tàu câu mực của anh Hưng mang số hiệu TH 3095, công suất 52CV, xuất phát từ cảng Hới (thị xã Sầm Sơn) từ ngày 19/9, thường hoạt động ở khu vực khoảng 20 độ vĩ bắc, 107 độ kinh đông.

Trên tàu ra khơi chuyến này gồm: Trần Chí Hưng, Trần Chí Ninh (con trai đầu của anh Hưng), Nguyễn Văn Chính, đều trú tại xã Quảng Tiến; anh Tô Văn Huy, Trần Văn Vinh, Nguyễn Văn Đạo, đều trú tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc và anh Lê Đình Lâm, trú tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Đà Nẵng: Khắc phục nhanh sự cố tràn dầu

Về tình hình khắc phục sự cố xảy ra tại Kho và Cảng xăng dầu của Xí nghiệp xăng dầu hàng không (đóng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), tính đến ngày 18/10, việc hút xăng dầu tràn ra ngoài đê bao và bồn chứa xăng A92 cơ bản đã thực hiện hoàn tất. Hiện nay, việc thu gom xăng dầu trên biển đang được các lực lượng chức năng triển khai thu gom bằng giấy thấm, riêng khu vực ven bờ đang được Cty Môi trường đô thị Đà Nẵng dọn dẹp.

Các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sụ cố

Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho biết: “Do kiểm soát được tình hình cháy nổ, và việc hút dầu tràn đảm bảo cơ bản nên chúng tôi đã cho thông xe QL1A và trên đèo Hải Vân trở lại”. Bên cạnh đó, những tàu neo đậu gần bờ khu vực bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc được phép ra khơi. Theo ông Trương Văn Tấn, Chi cục trưởng Chi cục BVMT miền Trung - Tây Nguyên, “một số người dân đã phản ảnh về sự xuất hiện tình trạng cá chết trong các lồng nuôi trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố này”.

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...