| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng trên cánh đồng liên kết

Thứ Bảy 29/07/2023 , 08:13 (GMT+7)

Trên 1.600 ha lúa đã được Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đầu tư liên kết sản xuất với nông dân mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Trên cánh đồng lúa bát ngát vàng rực dưới nắng hè báo hiệu một vụ mùa bội thu cho bà con nông dân, ông Dương Đình Liễn, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay: “Đây là vụ lúa đầu tiên chúng tôi ký hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Cánh đồng đã được đưa vào quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ do doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm”.

Tư duy mới trên đồng ruộng

Khi nói đến cái bắt tay thật chặt với nông dân cùng lội trên những cánh đồng thì tiến sỹ Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình (Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) cho rằng, doanh nghiệp phải mạnh dạn “gặp khó” ban đầu trên đồng ruộng thì mới mong đến thành công.

Việc liên kết sản xuất hay nói cách khác đó là sự đầu tư ban đầu trên đồng ruộng cho người nông dân một tư duy sản xuất mới và sau đó là chở lúa trên đồng về kho chứa của mình.

“Nếu làm tốt quy trình gồm giống, phân bón, sản xuất thâm canh, bao tiêu sản phẩm thì cái bắt tay với nông dân sẽ là động lực gắn người nông dân với đồng ruộng, với doanh nghiệp và để nông dân có thu nhập cao hơn, doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong sản xuất kinh doanh”, ông Kỳ nói thêm.

Một cánh đồng liên kết tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Một cánh đồng liên kết tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi về xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), là địa phương mới hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất lúa gạo. Cùng đi tham quan cánh đồng ngoài, ông Dương Đình Liễn, Chủ tịch UBND xã cho hay, cánh đồng rộng hơn trăm ha được canh tác hai vụ trong năm. Những năm qua, bà con cũng thâm canh theo tập quán cũ nên năng suất cũng chỉ đạt vào khoảng 50 tạ/ha. Vào vụ đông xuân năm nay, xã liên kết sản xuất với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình với diện tích ban đầu 46 ha.

“Toàn bộ giống lúa QS 88, phân bón và quy trình sản xuất đều do phía doanh nghiệp chịu tránh nhiệm hỗ trợ ban đầu và hướng dẫn cho bà con nông dân. Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ đầu tư từ đầu vụ và sau đó thu mua sản phẩm với giá cao”, ông Liễn nói thêm.

Nhờ có quy trình sản xuất mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng phân bón hợp lý nên cây lúa trên đồng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên bà con nông dân rất phấn khởi. Gia đình ông Lê Viết Lới tham gia vào liên kết sản xuất với diện tích 6 sào lúa. (500 m2/sào). Ông Lới cho hay, lúa phát triển tốt không phát hiện sâu bệnh nên giảm được ngày công chăm sóc. Cuối vụ, năng suất lúa đạt gần 65 tạ/ha, cao hơn nhiều so với lối canh tác trước đây.

“Đầu vụ, nhà nông cũng giảm được khó khăn khi không phải ứng tiền nhiều để mua giống, phân bón. Khi thu hoạch được công ty thu mua lúa giá cao tại ruộng nên phần lãi tăng cao. Tính ra mỗi sào cũng được 1,5 triệu đồng. Vụ sau, nhà tôi đăng ký tăng diện tích tham gia với liên kết này”, ông Lới hồ hởi cho hay.

Trên cánh đồng ngoài kênh của xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), lúa tốt bời bời đang trong giai đoạn chín cúi. Ông Nguyễn Thế Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho hay: “Năm nay chúng tôi ký kết với công ty trên diện tích hơn 40 ha. Vùng đồng này vốn không được màu mỡ, hay bị ngập nước theo triều nên năng suất không cao, chỉ vào khoảng 50 tạ/ha. Tuy nhiên, vụ này thì thay đổi hẳn rồi. Năng suất phải trên 62 tạ/ha”.

Đi thăm đồng, chị Phan Thị Nguyệt (xã Bắc Trạch), vui mừng ra mặt vì lúa được mùa. “Lúa được mùa chưa từng thấy từ trước đến nay. Gia đình tôi có trên mẫu lúa (0,5 ha), gieo gống QS 88 do Công ty cấp và cả phân bón nữa nên ra đồng là thấy lúa tốt từng ngày. Chắc vụ sau, cả vùng đồng rộng này này, bà con đăng ký làm lúa liên kết hết đó”.

Được biết, bên cạnh dự án chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gạo của HTX Xuân Hưng, vụ đông xuân năm nay, Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cũng đã liên kết với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với gần 250ha.

Các giống lúa được thực hiện là QS88, VN20… tập trung ở các xã Đại Trạch, Hải Phú, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Tây Trạch, Trung Trạch. “Việc đầu tư vào phát triển nông nghiệp của các doanh nghiệp sẽ là bà đỡ cho nông dân trên cánh đồng. Nó không chỉ làm thay đổi tư duy canh tác mà còn gắn kết bà con với đồng ruộng và lợi nhuận trên đồng sau mỗi mùa vụ đã được tăng lên”, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch chia sẻ.    

Cách đầu tư cho nông dân có lãi lớn 

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, doanh nghiệp đã bắt tay vào xây dựng mô hình liên kết sản xuất với nông dân từ nhiều năm nay. Từ những mô hình nhỏ ban đầu để rút kinh nghiệm và trên cơ sở đó Công ty có kế hoạch xây dựng, mở rộng mô hình qua các năm, trên từng địa phương. “Chúng tôi không chọn vùng ruộng màu mỡ, dễ canh tác mà chọn vùng đất cằn, có năng suất thấp để triển khai. Những cánh đồng này khi liên kết với nông dân có hiệu qủa cao thì sự tác động tích cực đến người nông dân trong thay đổi tư duy sản xuất càng lớn”, ông Kỳ nói.

Đến nay, Công ty giống cây trồng Quảng Bình đã có tổng diện tích thực hiện liên kết với các địa phương hơn 1.660 ha. Trong đó, tại huyện  Bố Trạch là 450 ha, hai huyện  Quảng Ninh, Quảng Trạch (mỗi huyện 300 ha), các huyện Lệ Thủy 250 ha, Ba Đồn 200 ha và hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa hơn 160 ha.  Để tạo điều kiện và động lực cho nông dân trong vùng liên kết, Công ty bỏ vốn cung ứng giống, phân bón cho nông dân mà không tính lãi. Trong mỗi cam kết, doanh nghiệp thực hiện cho nông dân nợ giống, phân bón tới cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán. Con số này với dư nợ hàng năm từ 15 - 17 tỷ đồng.

Vùng đồng trũng thường xuyên bị ngập úng ở xã Bắc Trạch khi tham gia liên kết cũng cho năng suất lúa vượt trội. Ảnh: Tâm Phùng.

Vùng đồng trũng thường xuyên bị ngập úng ở xã Bắc Trạch khi tham gia liên kết cũng cho năng suất lúa vượt trội. Ảnh: Tâm Phùng.

Chúng tôi đã nhiều lần về với bà con nông dân trên những cánh đồng lúa bội thu. Nhiều bà con khi được hỏi cũng cho rằng, những chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp đưa ra trong liên kết sản xuất lúa luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Ông Phan Duy Phương, Trưởng thôn Phúc Đồng (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) chia sẻ, vào vụ gieo trồng thường cùng vào năm học mới. Vì thế nhiều gia đình rất bấn tiền do lo cho con đi học áo quần, sách vở… Nếu gia đình có từ 2-3 con đang tuổi đi học thì càng bấn hơn. Trong khi đó, vào vụ mùa thì khoản tiền chi phí cho giống, phân bón… là không hề nhỏ.

“Việc Công ty cho bà con ứng trước giống, phân bón không tính lãi là động lực cho chúng tôi gắn bó với doanh nghiệp, với đồng ruộng. Đến cuối vụ thì doanh nghiệp lại hỗ trợ mua lúa tươi tại ruộng, hỗ trợ giá vận chuyển nên nông dân chúng tôi sẽ cầm chắc được mức lãi bình quân khoảng 30 triệu đồng/ha”, ông Phương nói.

Nhờ liên kết sản xuất, người nông dân được hỗ trợ để có được lợi nhuận lớn trên những cánh đồng. Ảnh: TP.

Nhờ liên kết sản xuất, người nông dân được hỗ trợ để có được lợi nhuận lớn trên những cánh đồng. Ảnh: TP.

Trước khi vào vụ gặt, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình chuẩn bị lượng tiền mặt lớn để thu mua lúa tại ruộng cho nông dân liên kết. Ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết: “Công ty thực hiện thu mua trên 5.000 tấn lúa thương phẩm mỗi vụ, trong đó có trên 80% là thu mua lúa tươi tại ruộng. Giá thu mua tại thời điểm luôn cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Với chính sách đó, với cách thu mua “tiền tươi thóc thật”, nên đã tạo tâm lý phấn khởi cho bà con nông dân”.

Từ hạt thóc trên đồng, được vận chuyển về kho công ty và qua các khâu phơi sấy, xay xát, chế biến đóng bao và cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3.500 tấn gạo các loại. “Do chúng tôi sử dụng đến 70% các loại giống lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ nên gạo có đặc tính thơm, dẻo rất được khách hàng quan tâm. Ngoài việc phục vụ tốt cho thị trường trong nước, chúng tôi cũng có hướng đến xuất khẩu với mặt hàng gạo chất lượng cao”, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.