Ấy là tâm linh, là tín tâm mà Phật hướng chúng sinh đến, tránh thói mê lầm duy tâm là mầm của các tai họa.
Ứng xử với tâm linh
Nhưng mấy năm nay dầu rỗi hơn, nhưng tôi thà nằm nhà xem Táo quân VTV phát lại, chứ chùa không biết tự bao giờ và không biết tại làm sao mà đã thành ra là nơi loạn lạc tâm linh vào bậc nhất?
Nghe nói năm nay các chùa làm lễ dâng sao giải hạn theo lối công nghiệp hóa, lối lập trình: Mỗi đêm một lễ giải một sao, ai Kế Đô, Vân Hán, La Hầu… thì nhà chùa báo để đi gộp vào khóa lễ của sao ấy. Bài khấn là khấn chung, khấn xong thì xướng tên và địa chỉ của mỗi thí chủ, hàng nghìn hàng vạn thí chủ.
Lại thấy nói, trần sao âm vậy, tức là thế giới tâm linh cũng đã quan liêu hóa mà thành ra phổ độ qua quýt cho xong? Ôi nếu vậy thì liệu thần thánh có đáng để nhận một vái lạy thành kính? Một khi thần phật đã tạo ra vận hạn, như giăng bẫy để nhận hối lộ mà cho qua, tức là giải hạn cho thì có khác gì mấy tay cảnh sát giao thông bí mật đặt camera, nấp ở chỗ khuất rồi bất thình lình nhô ra nhận tiền phạt lỗi tốc độ mà không biên lai biên bản?
Nhân thể cũng cần ước lấy con số tốn kém của thí chủ và lờ lãi của các nhà chùa trong dịch vụ dâng sao giải hạn vừa rồi. Ước có khoảng 2.000.000 hộ đặt lễ, bình quân 500.000 đồng/hộ (là trung bình cộng của vài chục triệu/hộ với vài trăm nghìn/hộ). Như thế, dịch vụ có doanh số 1.000 tỉ đồng với hàng nghìn tấn vàng mã hình nhân thế mạng.
Giật mình, nghĩ: Do mất niềm tin vào cái biết, người ta liền tin vào cái vô minh; khi cái lẽ huyền vi của tâm linh đã trơ thổ địa, đã giống hệt cái biết; thì con người, như kẻ đói ngấu, thấy nói cái gì ăn được liền nhét ngay vào mồm - thấy nói đâu thiêng là đến lễ. Tâm linh loạn là bắt đầu từ đấy.
Dẹp loạn cướp đường, cướp sông, cướp biển thì dễ. Xưa cụ Tô Hiến Thành mang quân ra miền duyên hải miền Trung, sau 2 tháng tảo phạt, bắt mấy kẻ cầm đầu, là yên ngay được chúng. Đến cả dẹp loạn ngoại xâm, với cụ Tô cũng chẳng khó khăn gì.
Cụ đem hai vạn quân bình Chiêm, áp sát biên thùy, lập thế trận rồi đưa thư cho vua Chiêm, giảng đạo lý lân bang hòa hiếu, trách vua nghe đám loạn thần, gây hấn để mắc vào kế quăng xương cho chó cắn nhau của nước lớn tọa hưởng kỳ thành. Vua Chiêm đem cống phẩm ra Thăng Long tạ lỗi, yên.
Chứ còn loạn tâm linh là cái loạn gốc, nó nảy ra muôn hình vạn trạng sự xấu. Xấu ít nhất là hình ảnh tối tăm lạc hậu của người Việt trước con mắt nhân loại. Xấu bậc trung cao là khiến nhiều kẻ tin rằng, cứ làm bậy gieo ác, rồi đi chùa dâng sao giải hạn là trắng án, xong.
Nhưng cái xấu ở dân gian số đông thì lúc nào và ở đâu chả có. Những người có chức sắc, có danh giá mà ứng xử cẩu thả nông nổi mới gây khiến bất yên không thể xem thường. Thời xưa, trước sau tết có lễ phong ấn và khai ấn. Việc cất ấn, mở ấn mà phải dùng đến lễ thì đủ biết là nền hành chính xưa nghiêm cẩn với con dấu, với việc công đến như thế nào.
Thế rồi không biết từ đâu và từ bao giờ lễ khai ấn lại trở thành nơi giành cướp ấn, chen vai thích cánh, trèo cả lên đầu lên cổ nhau để cướp như trẻ con cướp cháo thí; ai may mắn có được tờ giấy vàng đóng dấu đỏ viết mấy chữ nho mà chả ai biết nó mang cái ý nghĩa gì, thì kẻ đó hớn ha hớn hở bởi đinh ninh rằng năm nay mình sẽ phát tài, sẽ thăng quan tiến chức.
Những ai đọc sách đều biết rằng, lễ hội và trò diễn đều phản ánh đời sống xã hội mà đã biết được như vậy thì cái việc giành cướp ấn không thể không lấy làm lo lắng.
Ứng xử với thời gian
Lại có ông tướng kia đúc quả chuông còn lớn hơn nữa, quả chuông lớn khắc tên tuổi, chức vụ, hàm vị rất hoành tráng tự tin. Ông tướng ấy vừa bị coi là bảo kê cho các tay trùm cờ bạc của 14 triệu con bạc và bị bắt tạm giam.
Mới là tạm giam, chứ mai kia thành án thì sao nhỉ? Những cư dân các làng quanh chùa liệu có để tên tuổi chức tước ông làm hoen ố chốn linh thiêng thanh bạch của làng mình không, hay là họ phải bỏ thêm tiền mà thuê thợ đục bỏ?
Nhưng đục bỏ cũng chửa xong được. Đục thì khéo đến đâu cũng để lại dấu vết, để lại cái câu văn bia không chủ ngữ, câu vô nghĩa. Vậy là gây thắc mắc cho những ai đến vãn cảnh chùa, phải hỏi rồi lại phải giả nhời, câu hỏi câu giả nhời cứ thế đời này truyền cho đời sau, từ bia đồng liền trở thành bia miệng, bia miệng thì làm sao đục bỏ nổi?
Mấy năm nay rộ lên trào lưu trồng cây cổ thụ tại các danh thắng, đền chùa khiến Bụt cũng phải cười nụ. Ý nghĩa lớn lao của việc trồng cây là trồng chăm cây con, của việc trồng người là nuôi con thơ dại; chứ khi cây đã lớn, người đã khôn thì cây tự sống, người tự làm lấy cái ăn; việc trồng liệu còn có nghĩa lý gì?
Đã không biết cặn kẽ như thế, lại khi trồng xong còn gắn tên tuổi, chức tước mình vào gốc cây với niềm tin rằng mình sẽ sống đời đời với thần thánh đặt trong ngai thờ kia thì thật là một sự ngây thơ lớn.
Một cụ thủ từ, ở đền thờ vị thánh nọ, phàn nàn rằng, các ông phải biết thân biết phận mới được. So chức tước thì các ông chỉ thua Đức Thánh làng tôi có vài bốn bậc, nhưng so công đức thì hiện thử thời đã thua kém lắm, chưa nói sau khi cái quan định luận, mà chả cần lúc chết; chỉ khi nghỉ hưu rồi nhỡ đâu lại tòi ra tội lỗi thì biết cư xử sao với cái cây ông trồng?
Đền Thánh làng tôi trồng cây muỗm, cây nhãn lấy bóng mát, lại lấy hoa cho ong bay; cây nhãn cây muỗm này đã hàng trăm tuổi, chả biết ai đã trồng; chứ báu hóa gì cái cây lộc vừng mà dám mang trồng trước cửa nhà Thánh?
Để có thể ở lâu trong tâm linh
Ngẫm nghĩ câu chuyện của cụ thủ từ, hóa ra trong lòng mình, cụ đã xoá tên mấy vị trồng cây treo biển tên tuổi chức danh kia, xóa ngay khi họ còn tại vị và vào lúc cây còn đang xanh tốt; nhưng cây vẫn để nguyên và hàng ngày cụ vẫn tưới bón. Mới thấy, lòng dân là bao dung độ lượng nhưng cũng thật nghiêm khắc.
Lòng dân đã vậy, huống nữa là tâm linh một dân tộc!
Để đi vào lịch sử, cụ Tô Hiến Thành đã thong thả bước trong khoảng hơn 70 năm; nhưng lại cần mười lần lâu hơn thế để ở lại trong tâm thức dân tộc. Về cụ Tô, Nông nghiệp Việt Nam mấy năm trước đã có bài của Vũ Hữu Sự, kể rành rẽ về tính vô tư trong việc tiến cử người tài chứ không thiên vị kẻ hầu hạ mình.
Công đức thế, mà cụ đâu có đền thờ riêng. Là vì làng Hạ Mỗ của cụ có nhiều người hóa Thánh trong lòng dân, cụ chỉ được phối thờ ở Văn hiến đường - Đền Văn hiến. Nay có ông hơi to to, cậy tiền làm nhà thờ tổ tiên bố mẹ mình nguy nga như đền đài, chỉ khiến lòng người chê cười. Xin nhớ, lòng dân là bao dung độ lượng nhưng nghiêm khác vô cùng. Ấy cũng là đức của tâm linh vậy.
Khi vào triều hầu vua đã phải nghiêm cẩn mũ áo, lúc viếng Phật phải thành kính thanh bạch; huống chi khi đến với dân - với tâm linh. Lại xin nhớ cho, vua chỉ có thể phong đến Thượng đẳng phúc thần là kịch khung được phép; nhưng dân thì có quyền phong đến Thánh; thần các đẳng có tới hàng vạn, còn Thánh thì đếm chưa hết trên đầu ngón tay.
Cho nên, gặp dân mà chỉ nghiêm cẩn mũ áo thôi là chưa đủ; dân còn phải xem xét cái cung cách lễ phép của anh có chân thành, có thật việc và có lịch sự từ tốn không; chứ lại cẩu thả, sàm báng như việc dâng chuông hay trồng cây lưu niệm kia thì thà rằng đừng gặp.