| Hotline: 0983.970.780

Mừng lo ví, giặm

Thứ Ba 02/12/2014 , 09:03 (GMT+7)

Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay.

Sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng đằng sau sự vinh danh này vẫn là cả một câu chuyện dài về việc bảo tồn.

Phản ánh bản sắc văn hóa

Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay.

Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón; giặm ru, giặm kể, giặm khuyên...

PGS. TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, người tham gia nhận xét về bộ hồ sơ ví, giặm Nghệ Tĩnh ở Hội đồng Di sản Quốc gia chia sẻ rằng về mặt nghệ thuật học, dân ca ví, giặm đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam một hình thức dân ca khác với tất cả các hình thức âm nhạc dân gian có từ Thanh Hóa ra hết miền Bắc.

Ví, giặm là nhạc ngữ riêng của vùng Trung Trung Bộ. Nhạc ngữ ấy làm cho âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng, đặc biệt đây là tiền đề của rất nhiều sáng tác nghệ thuật mới dựa trên âm hưởng dân ca ví, giặm. Nói cách khác, đây là chất liệu giúp các nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm mang đầy tính hiện thực.

Theo TS Đặng Hoành Loan trong quá trình lịch sử ví, giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động.

Điều này không thấy nhiều ở các nghệ thuật truyền thống khác. Mặc dù không gian ví, giặm đã mất lâu rồi, không còn phường củi, không còn phường vải… nhưng nhân dân Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi từ nghệ thuật thực hành lao động sang nghệ thuật giải trí cộng đồng.

Theo TS Đặng Hoành Loan, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh nằm ở "sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh" và “phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của họ".

Xét về khía cạnh bảo tồn, TS Đặng Hoành Loan cho rằng không có gì đáng lo ngại.

“Có thể nói, chưa có loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống nào khiến tôi lạc quan vào tương lai như ví, giặm. Chúng ta không nên lo lắng vì bản thân dân ca ví, giặm trước khi được người dân chuyển đổi thành nghệ thuật giải trí cộng đồng thì nó đã là của cộng đồng, sau khi chuyển đổi nó vẫn là của cộng đồng.

Từ nghệ thuật giải trí cộng đồng, dần dần người ta xây dựng nên những sân khấu ví, giặm và hình thành một tầng nghệ thuật khác tầng nghệ thuật dân gian. Hai tầng nghệ thuật này song song tồn tại, góp phần đắp đầy đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân, chứ nó không mâu thuẫn hay làm tổn hại lẫn nhau”, nhà nghiên cứu này cho biết thêm.

Chính vì vậy cũng theo TS Loan nên tổ chức để đưa ví, giặm vào trong tất cả các sinh hoạt cộng đồng. Việc bảo tồn tốt nhất là nên trao vào tay người dân bởi nội dung của các làn điệu ví, giặm gắn rất chặt với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho nghệ nhân truyền dạy di sản bằng cách trả thù lao xứng đáng.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012.

Theo khảo sát của Viện Âm nhạc Việt Nam, các nghệ nhân ví, giặm gạo cội không còn nhiều, nhưng người thực hành di sản thì còn rất nhiều.

Hiện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 260 làng với hàng nghìn người có thể thực hành di sản. Nhiều nhóm dân ca ví, giặm được công chúng biết mặt, nhớ tên như nhóm Hồng Sơn, Ngọc Sơn ở Nghệ An, nhóm O Nhẫn, nhóm Thạch Khê ở Hà Tĩnh…

Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về ví, giặm cũng đã được tiến hành theo góc độ khoa học cả về nhạc bản lẫn lời ca. Đây là những tư liệu cho công chúng có thể tìm hiểu về di sản ví, giặm ở nhiều góc độ.

Vẫn còn nỗi lo

Nhưng cũng có không ít nỗi lo của người trong nghề về sự biến tướng và sân khấu hóa vì nhiều mục đích khác nhau như những loại hình khác.

Theo GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cái khó nhất chính là mỗi loại di sản cần có cách bảo tồn riêng. Và muốn vậy, thì phải có sự đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng bằng những công trình khoa học nghiêm túc.

Theo quy luật, phải bảo tồn và phát huy rồi mới đến thừa kế và phát triển. Nhưng theo GS. Tô Ngọc Thanh, chúng ta hay làm tắt: Bảo tồn rồi phát triển nên nhiều khi bị biến tướng.

“Được vinh danh thì mừng rồi. Nhưng, chúng ta đừng vội nghĩ tới việc bảo tồn ví, giặm Nghệ Tĩnh thông qua sự can thiệp trực tiếp một cách thô bạo. Dân ca là loại hình luôn gắn chặt với không gian văn hóa bản địa đặc thù.

Nếu lại xuất hiện cái tư duy rằng ví, giặm Nghệ Tĩnh cần được tổ chức chuyên nghiệp, rồi sân khấu hóa để mang đi biểu diễn khắp nơi thì khổ cho ví, giặm vô cùng", GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.