| Hotline: 0983.970.780

Mùng Một tôi đi chợ Gò

Thứ Ba 01/02/2022 , 13:53 (GMT+7)

Bình Định Năm nay dịch giã quá, không biết mùng Một Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chợ Gò ở huyện Tuy Phước (Bình Định) có nhóm không. Bởi không biết nên tôi phải đi để biết…

Chạy xe đến ngã tư thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định), tôi không thấy lượng xe máy và người ùn ứ như mọi năm. Cũng không thấy cảnh sát giao thông giữ trật tự. Lòng tôi nghĩ chắc do dịch Covid-19 nên năm nay chợ Gò không nhóm.

Hỏi thăm người dân địa phương, tôi được biết đúng là năm nay do dịch giã nên chính quyền huyện Tuy Phước không tổ chức lễ hội chợ Gò như mọi năm, thế nhưng người dân vẫn theo truyền thống mang đồ vật đến bán, người mua vẫn theo lệ đổ về đi chợ.

Những quả sung, biểu tượng cho sự sung mãn, được bày bán tại phên chờ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Những quả sung, biểu tượng cho sự sung mãn, được bày bán tại phên chờ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Chỉ khác hơn là chợ Gò năm nay không có những gian hàng ăn uống phục vụ người đi chợ, không có gian chòi tranh để các nghệ sĩ dân gian hô bài chòi, xổ lô tô mua vui cho khách đi chợ. Người bán trải những chiếc bao dưới nền đường với khoảng cách khá xa bày những túi nilon đựng muối, gạo và lá trầu, quả cau, quả sung, rau muống, đu đủ, khổ qua… để bán. Kẻ mua người bán đều mang khẩu trang kín mít.

Theo những bậc cao niên ở thôn Trung Tín 1 (thị trấn Tuy Phước), những năm trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, mùng Một Tết năm nào chính quyền địa phương cũng tổ chức lễ hội chợ Gò rất hoành tráng. Từ ngày 30 tháng Chạp, những người muốn bán hàng tại chợ Gò vào mùng Một Tết đã tập trung tại nơi tổ chức để “xí” phần đất làm chỗ bán hàng. Qua giao thừa, khi chợ được nhóm là đã có người đi dạo chợ mua hàng lấy lộc.

Món hàng được bán nhiều nhất tại phiên chợ Gò là trầu, cau. Ảnh: V.Đ.T.

Món hàng được bán nhiều nhất tại phiên chợ Gò là trầu, cau. Ảnh: V.Đ.T.

Càng về sáng chợ càng đông đúc. Người đi chợ không chỉ là dân trong huyện, mà cả người dân ở thành phố Quy Nhơn, ở thị xã An Nhơn cũng đổ về đi chợ. Thậm chí những khách làm ăn phương xa về quê ăn Tết dù ở đâu cũng tranh thủ đi chợ Gò để lấy lộc đầu năm. Chợ Gò bán không thiếu món nhu yếu phẩm nào phục vụ cho ngày Tết. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là những túi muối, túi gạo, những xấp lá trầu, quả cau, trái sung, đu đủ, khổ qua…

Những cô gái trẻ đi lễ đầu năm cũng ghé chợ Gò mua trầu, cau về cúng lấy lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Những cô gái trẻ đi lễ đầu năm cũng ghé chợ Gò mua trầu, cau về cúng lấy lộc. Ảnh: V.Đ.T.

“Theo quan niệm của người xưa, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp và giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn, nên ngày đầu năm mới người đi chợ ai cũng mua túi muối lấy hên. Còn mua trầu và cau là để cầu mong cho tình nghĩa vợ chồng gắn kết keo sơn như trầu với cau.

Người đi chợ mua rau muống là để 'muốn gì được nấy'. Mua đu đủ để cầu mong năm mới làm ăn đủ đầy, mua sung là để cầu được sự sung  mãn, mua khổ qua là để cầu mong cho những cơ cực, khổ sở của năm cũ qua đi để có 1 năm mới hưng thịnh…”, bà Lê Thị Đình Anh (75 tuổi), người có nhà ở gần nơi tổ chức phiên chợ Gò, giải thích.

Những lá trầu khách hàng mua về cúng được quệt tí vôi. Ảnh: V.Đ.T.

Những lá trầu khách hàng mua về cúng được quệt tí vôi. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Nguyễn Thị Hợp (55 tuổi) ở tận xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) nhưng mới 6 giờ sáng mùng Một Tết Nhâm Dần đã có mặt tại chợ Gò để bày hàng ra bán.

Nhân lúc chị Hợp rảnh tay bán hàng, tôi sà xuống hỏi chuyện và được chị chia sẻ: “Người đi chợ Gò mua nhiều nhất là trầu, cau, gạo, muối để về cúng lấy lộc đầu năm. 1 đĩa cúng người ta thường mua 5, 7 hoặc 9, 11, 13 lá trầu có quệt tí vôi kèm với quả cau, một ít rễ ăn trầu. Cũng có người mua 12 lá trầu để lấy lộc cho 12 tháng trong năm. 7 lá trầu tôi bán giá 20 ngàn đồng, 9 lá bán 25 ngàn đồng, 12 lá bán 30 ngàn đồng. Đến khoảng 10 giờ trưa mùng Một Tết là chợ bắt đầu vãn khách, mỗi phiên chợ Gò tôi kiếm được 2-3 trăm ngàn đồng”.

Chợ Gò thu hút cả khách ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) lên đi chợ mua lộc đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Chợ Gò thu hút cả khách ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) lên đi chợ mua lộc đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Văn Bình (47 tuổi), người ở tận phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) cũng lặn lội lên tận thị trấn Tuy Phước đi chợ Gò mua trầu, cau về cúng lấy lộc.

“Theo phong tục ông bà để lại, lá trầu tôi chỉ mua lẻ để về cúng ông Táo và cúng ông bà. Năm nào tôi cũng cũng đi chợ Gò để trầu, cau về cúng lấy lộc đầu năm. Năm nay chính quyền huyện Tuy Phước không tổ chức lễ hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Nhưng chợ Gò là phiên chợ truyền thống nên bà con vẫn bày hàng ra bán, người mua theo lệ vẫn đi chợ nhưng không chen chúc như những năm trước đây. Tôi đứng đây đã khá lâu rồi nhưng chờ người ta mua xong tôi mới đến mua để tránh tập trung đông người”, anh Bình chia sẻ.

Năm nào vào mùng Một Tết anh Nguyễn Văn Bình ở tận phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) cũng lên huyện Tuy Phước đi chợ Gò để mua trầu, cau về cúng. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nào vào mùng Một Tết anh Nguyễn Văn Bình ở tận phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) cũng lên huyện Tuy Phước đi chợ Gò để mua trầu, cau về cúng. Ảnh: V.Đ.T.

“Chợ Gò có từ thời Tây Sơn, suốt mấy trăm năm nay, chợ Gò chỉ vắng khách trong khoảng 10 năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước, vì người dân sợ máy bay oanh kích nên không dám họp chợ. Còn lại, chợ Gò năm nào cũng đông vui. Chợ Gò không chỉ có mua bán và xổ lô tô, trong thời gian họp chợ Gò còn có các trò chơi dân gian như múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co…”, những bậc cao niên ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho hay.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.