| Hotline: 0983.970.780

12 tỷ đồng 'gánh' sứ mệnh bảo trì 2.500 công trình thủy lợi ở Sơn La

Thứ Năm 20/02/2025 , 09:00 (GMT+7)

Vận hành 2.516 công trình thủy lợi, nhưng ngân sách bảo trì chỉ rơi vào khoảng hơn 12 tỷ, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, với nỗi lo về sự xuống cấp.

Trong cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về công tác điều tiết thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La bộc bạch nhiều khó khăn do nguồn kinh phí quá thấp và tình trạng xuống cấp của các công trình.

Thiếu kinh phí bảo trì

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hạn hán, mưa lũ xuất hiện luân phiên gây khó khăn trong công tác điều tiết nước. Năm ngoái, Sơn La gặp trận mưa lũ lịch sử trong 40 năm, vượt sức chứa của hồ thủy lợi. Những năm trước, hạn hán lại bủa vây, bà con nông dân nhiều nơi không có nước để canh tác. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của các hệ thống thủy lợi, công tác điều tiết nước hàng năm.

Hiện tại toàn tỉnh có 111 hồ chứa, với 1.300 đập dâng nhưng trong đó số đập bê tông chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết là đập đất. Các đập đều đã tồn tại hàng chục năm, bị thấm rò rỉ nhiều chỗ, không có cống xả đáy, tràn xả lũ tự do, nguồn vốn kinh phí bảo trì ít, sửa chữa không được kiên cố, vẫn mang tính chắp vá. Những đập này nếu như không được đầu tư nâng cấp, khi mưa kéo dài ngày, lũ lớn rất dễ mất an toàn.

“Nhiều công trình đã được xây dựng từ 60 - 70 năm trước, giờ muốn triển khai đập bê tông, thì kinh phí lớn. Khi thiên tai xuất hiện, nguy cơ vỡ đập hoàn toàn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân”, ông Trường chia sẻ.

Mỗi năm, kinh phí bảo trì khoảng hơn 12 tỷ đồng theo giá dịch vụ thủy lợi, thường phải chia cho 12 huyện với hơn 2.500 công trình khác nhau. Bình quân mỗi công trình chỉ nhận được một khoản rất nhỏ, không đủ để nâng cấp hay sửa chữa quy mô lớn.

Nhiều tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Đức Bình.

Nhiều tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Đức Bình.

Trong khi đó, theo Thông tư 05, định mức chi phí bảo trì định kỳ hàng năm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, ở miền núi phía Bắc, đối với các công trình thủy lợi dưới 15 năm, mức chi phí bảo trì cho các công trình trọng lực như đập bê tông hay hồ chứa nước dao động từ 0,55% đến 2% giá trị tài sản cố định. Các công trình động lực như trạm bơm và máy móc thủy lợi có mức bảo trì từ 0,7% đến 2,1% giá trị tài sản cố định.

Đối với các công trình trên 15 năm, mức bảo trì cho công trình trọng lực sẽ tăng lên 26%, các công trình động lực có mức bảo trì là 15%. Tất cả các mức chi phí bảo trì này được tính trên tổng giá trị tài sản sau khi đã được định giá lại.

Hiện tại, tổng giá trị tài sản các công trình thủy lợi của tỉnh rơi vào khoảng 3.600 tỷ đồng, nhưng kinh phí bảo trì chỉ khoảng hơn 12 tỷ, mới đạt gần 0,33% tổng giá trị, trong khi nếu phân cấp rõ, rất nhiều công trình cần được hưởng chi phí bảo trì cao, bởi vậy không đúng với yêu cầu thực tế.

Sau trận lũ lịch sử năm ngoái, Sơn La có 350 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, mức thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế, trong khi nguồn vốn xã hội hóa gần như không có, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghị định 115 năm 2008 cách đây 17 năm, Nhà nước đã hỗ trợ chi trả dịch vụ thủy lợi, miễn cho các hộ gia đình làm nông, đối với mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng người dân thờ ơ việc tiết kiệm nước và bảo vệ công trình thủy lợi.

“Vì không phải trả tiền dịch vụ thủy lợi, bà con có tâm lý lãng phí, sử dụng nước không hợp lý. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi vẫn cần được tu sửa, bảo dưỡng thường xuyên, nhưng lại phải đến kỳ hạn mới có kinh phí, mà không thấm vào đâu”, ông Trường chia sẻ.

Bài toán điều tiết nước

Công ty thủy lợi điều tiết nước cho hơn 31.000ha đất nông nghiệp. Nhờ đợt mưa vừa qua, các hồ chứa đã tích đủ nước, nhưng việc sử dụng hợp lý vẫn được đặt lên hàng đầu, ông Trường nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp đang được triển khai là tưới luân phiên và tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Các khu vực như hồ Lái Bay (xã Phỏng Lái), xã Chiềng Ban (Mai Sơn), xã Phiêng Khoài (Yên Châu) đã bắt đầu áp dụng mô hình này.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cung cấp nước hiệu quả cho các cây công nghiệp như chè, cà phê, mận, đồng thời giảm thất thoát nước. Thường hệ thống đường ống phải được chôn dưới đất, tránh ánh nắng làm hư hại.

Để hỗ trợ bà con trong việc sử dụng nước hiệu quả, công ty đã xây dựng quy trình và làm mẫu một số mô hình tưới thử nghiệm nhằm hướng dẫn người dân cách vận hành. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống tưới nhỏ giọt vẫn cần sự đầu tư đáng kể, chi phí khoảng 75 triệu đồng/ha và yêu cầu bảo trì thường xuyên. Con số không hề nhỏ với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được đầu tư nhằm tiết kiệm nước trong vụ đông năm nay tại Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được đầu tư nhằm tiết kiệm nước trong vụ đông năm nay tại Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Nhưng dù hệ thống gì, duy trì nguồn nước đảm bảo, vẫn cần nêu cao tinh thần tự giác của bà con. Trước đây, tại khu vực xã Phỏng Lái, người dân từng đóng một khoản phí nhỏ để tạo quỹ chung, sau đó phối hợp với công ty để quản lý hệ thống thủy lợi. Khi cần sửa chữa, số tiền này sẽ được sử dụng để khắc phục sự cố.

Cũng theo ông Trường, chấp hành Nghị định 62/2018 về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, tỉnh Sơn La chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng công trình trọng lực, mức giá được hỗ trợ 506.800 đồng/ha/vụ, nguồn tự đóng góp không còn nữa. Khi hệ thống đường ống gặp sự cố, nhất là những đoạn nhỏ, rất khó để đề xuất kinh phí sửa chữa. Nhưng sự thật, chỉ cần một điểm bị tắc hoặc hỏng, hàng chục hộ dân có thể rơi vào cảnh thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Đối với người nông dân, nước vô cùng quý, nhưng không mấy ai hiểu tầm quan trọng thực sự của việc duy trì các hệ thống thủy lợi, nhiều khi vẫn chỉ tập trung cái lợi trước mắt. “Theo tôi, cần có phương pháp quản lý phù hợp, việc đóng phí giúp bà con chú trọng hơn sử dụng nguồn nước tiết kiệm và bảo quản các công trình”, ông Nguyễn Xuân Trường kết lại.

Xem thêm
Thái Bình bổ nhiệm nhân sự 5 Sở sau sáp nhập

Thái Bình bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo 5 Sở sau sáp nhập tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, chiều 19/2.

Tỉnh bang Canada sẵn sàng chia sẻ các nghiên cứu nông nghiệp với Việt Nam

Bộ trưởng Warren Kaeding sẵn sàng trao đổi với Việt Nam các ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Bình luận mới nhất