| Hotline: 0983.970.780

Để mảnh đất ‘Chín Rồng’ giàu lên nhờ con tôm

Muốn phát triển bền vững, cần ‘vá’ nhiều ‘lỗ hổng’

Chủ Nhật 08/08/2021 , 10:07 (GMT+7)

Những lỗ hổng trong phát triển ngành tôm tại ĐBSCL là hạ tầng vùng nuôi yếu kém; thiếu nguồn cung con giống chất lượng; giá vật tư đầu vào bấp bênh…

“Đói” nguồn điện 3 pha để nuôi tôm công nghệ cao

Bạc Liêu là một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển nuôi tôm công nghệ cao của nước ta. Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả rất lớn. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bạc Liêu, nuôi tôm trong bể tròn 500m2/ao chi phí trung bình khoảng 1,3 tỷ đồng/ha, doanh thu bình quân đạt gần 2,4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng/ha.

Nuôi tôm công nghệ cao ngốn rất nhiều điện năng, tuy nhiên hạ tầng điện tại các vùng nuôi chưa đảm bảo. Ảnh: Võ Việt.

Nuôi tôm công nghệ cao ngốn rất nhiều điện năng, tuy nhiên hạ tầng điện tại các vùng nuôi chưa đảm bảo. Ảnh: Võ Việt.

Còn đối với ao nuôi đất trải bạt, lợi nhuận trung bình từ nuôi tôm có thể đạt khoảng 890 triệu đồng/ha (tỷ lệ lãi 68%, hòa vốn 20%, lỗ 12%).

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, một trong những khó khăn lớn trong phát triển sản xuất tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay, đó là hệ thống điện 3 pha mới chỉ phủ sóng được 40% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Trong khi đó, các dự án nuôi tôm công nghệ cao “ngốn” rất nhiều điện năng.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi tôm của Bạc Liêu thường xuyên phải hứng chịu tác động của thời tiết cực đoan (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…) do chưa có hai âu thuyền trên kênh Cà Mau – Bạc Liêu dẫn nước ngọt từ vùng Bắc về vùng Nam Quốc lộ 1A để pha loãng phục vụ nuôi tôm. Tình trạng sạt lở bờ biển trong khi kênh mương thủy lợi phía Nam của tỉnh bị bồi lắng nhanh, việc lấy nước nuôi tôm của bà con hết sức khó khăn.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương ĐBSCL cũng phản ánh, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến hết sức phức tạp; nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản cao, nhất là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2020, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do môi trường thay đổi trên cả nước là hơn 3.300ha. Trong đó Sóc Trăng hơn 2.200ha; Bạc Liêu 370ha, Kiên Giang 111,7ha, Long An 84,52ha.

Chỉ hai bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng đã gây thiệt hại cho hơn 1.800 ha tôm tại Sóc Trăng trong năm 2020.

Cũng trong năm 2020, Cục Thú y đã phối hợp với các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng triển khai giám sát tại 5 cơ sở sản xuất tôm thương phẩm, kết quả thu tổng cộng 394 mẫu gồm 197 mẫu tôm và 197 mẫu môi trường để xét nghiệm tác nhân gây bệnh AHPND, IHNND, EHP và WSD.

Giám sát chặt nguồn lây bệnh cho tôm

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kết quả giám sát phát hiện 137 trong tổng số 394 mẫu dương tính với vi khuẩn gây bệnh, chiếm tỷ lệ 34,77%. Trong đó mẫu tôm dương tính là 63/197 mẫu (31,98%), mẫu môi trường dương tính là 74/197 mẫu (37,56%).

Kết quả giám sát các bệnh khác phát hiện 54/197 mẫu tôm (27,41%) dương tính với bệnh EHP; 5/197 mẫu tôm (2,54%) dương tính với bệnh WSD; 4/197 mẫu (2,03%) dương tính với IHNND.

Quy mô nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Việt.

Quy mô nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Việt.

Như vậy, trên tôm nuôi thương phẩm có một số bệnh lưu hành với tỷ lệ khá cao, trong đó cao nhất là bệnh AHPND, sau đó đến bệnh EHP, WSD và IHNND.

Do vậy, các cơ sở nuôi tôm cần lưu ý khuyến cao chuyên môn của cơ quan thú y, đặc biệt phải sử dụng con giống sạch bệnh, kết hợp với xử lý ao nuôi và nguồn nước cấp trước khi thả tôm; đồng thời tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau chia sẻ, hiện nay, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống nội tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thả nuôi của bà con và các doanh nghiệp. Một nửa còn lại phải nhập từ bên ngoài nên rất khó kiểm soát chất lượng và kiểm soát giá cả. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng vật tư đầu vào trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 10 – 20%, thậm chí có một số mặt hàng tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, người sản xuất gặp không ít khó khăn.

Mặc dù hệ thống đê bao đã được Bộ NN-PTNT và tỉnh quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Không những thế, quy mô sản xuất tôm hiện nay rất nhỏ lẻ và manh mún, bằng chứng là với 280.000ha nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có tới 160.000 hộ tham gia.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay tiến độ cấp mã số xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao. Điển hình như tại Bến Tre, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh cấp được 696 ao nuôi nhưng chủ yếu là ao nuôi cá tra, còn ao nuôi tôm nước lợ cấp được rất ít (chiếm chưa được 10%) trên tổng số ao nuôi mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp phấn đấu đến cuối năm 2022 có 100% hộ nuôi tôm nước lợ được cấp mã số ao nuôi.

Nguyên nhân là do Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 quy định, cơ quan cấp mã số ao nuôi đối với đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng,... là Chi cục Thủy sản các tỉnh. Trong khi đó, bên chế nhân lực của các Chi cục là rất ít, không thể nào xuống hàng trăm nghìn ao nuôi để kiểm tra, xác minh được.

Mặt khác, hồ sơ pháp lý nhiều diện tích đất nuôi tôm không đảm bảo. Đặc biệt, nhiều vùng đã được UBND tỉnh quy hoạch nuôi tôm, nhưng người dân chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đất trồng cây hàng năm, đất ven sông... sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, do đó khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Bởi vậy, các địa phương kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 26 theo hướng phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh được phép thẩm định, cấp mã số xác nhận đăng ký cơ sở nuôi.

Đồng thời, kiến nghị tạo điều kiện để những ao nuôi trong phạm vi quy hoạch nuôi trồng thủy sản (dù chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất) vẫn được được cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nếu được như vậy, chắc chắn tiến độ cấp mã số ao nuôi và cơ sở nuôi sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng kiến nghị Cục Thú y phối hợp với Tổng Cục Thủy sản tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh để đưa ra những khuyến cáo kịp thời với độ chính xác cao. Qua đó, hướng dẫn người dân chủ động xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.