| Hotline: 0983.970.780

Muôn tấm lòng gửi về vùng lũ

Thứ Bảy 24/10/2020 , 08:36 (GMT+7)

Khi cơn lũ dữ chưa rút, hàng ngàn chuyến thuyền, ca nô của người dân chở đồ ăn, thực phẩm, nước uống… băng qua mưa gió về với bà con vùng lũ Quảng Bình.

Muôn người như một

Một ngày đêm quần nhau với lũ ở vùng Tân Ninh, Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) để cứu đưa bà con bị mắc kẹt trên mái nhà đến nơi an toàn thì ca nô của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng còn can xăng cuối cùng.

Cứu dân trong lũ dữ. Ảnh: B. Châu.

Cứu dân trong lũ dữ. Ảnh: B. Châu.

Tranh thủ buổi trưa, chúng tôi quyết định cắt lũ xuyên qua vùng Hàm Hòa và tiếp cận quốc lộ 1A (đoạn đầu cầu Quán Hàu) để lấy thêm xăng.

Lúc này, trời vẫn mưa lớn. Trên đường, hàng trăm người đứng dưới mưa, mắt ngóng về phía dòng lũ nơi có những rặng tre, làng mạc, nhà cửa đang bị lũ nhấn chìm từng giờ.

Thấy ca nô chúng tôi cập bến, mọi người như đổ dồn về đó hỏi han tình hình lũ lớn thế nào, bà con có ai bị gì không?

Có nhiều giọng nói từ miền Bắc, miền Nam khác nhau. Hỏi nhanh mới biết đó là những người hay tin Quảng Bình bị lũ lớn thì bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, bay từ Thủ đô Hà Nội vào để làm công tác tiếp tế.

Sau lưng mọi người là những hàng xe nối dài chở lương khô, mỳ tôm, thịt hộp, bánh… Khi thấy ca nô chúng tôi cập bến, lập tức hàng chục người vác hàng hóa chạy đến tới tấp gửi xuống ca nô để kịp đưa về cho bà con vùng lũ.

Nhà báo Tâm Phùng (phải), phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cùng bộ đội biên phòng Quảng Bình vượt lũ lớn cứu hộ người dân trong vùng lũ Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Nhà báo Tâm Phùng (phải), phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cùng bộ đội biên phòng Quảng Bình vượt lũ lớn cứu hộ người dân trong vùng lũ Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Hàng chục chiếc ca nô, xuồng cao tốc cứ ào đến nhận hàng rồi lại đi ngay. Cuối đoạn đường, chiếc xe cẩu liên tục hạ thủy ca nô, xuồng mà ô tô tải vừa chở đến để đi về vùng rốn lũ.

Khi nhận đủ xăng, chất đầy hàng, ca nô chúng tôi quay mũi để rời bến. Chợt trong đám đông, một cô gái ướt đẫm nước mưa chạy đến sát lan can sắt kêu lớn: "Chậm chút mấy anh ơi. Quà em gửi riêng cho mấy anh đó”.

Rồi cô gái nhoài người ném về phía chúng tôi một túi đồ nhỏ, một túi đồ lớn. Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì ca nô vọt đi để lại sau lưng màn mưa dày đặc.

Ngư dân cứu hộ bà con vùng lũ đang mắc kẹt trên mái nhà. Ảnh: N. Dương

Ngư dân cứu hộ bà con vùng lũ đang mắc kẹt trên mái nhà. Ảnh: N. Dương

Ngư dân cứu... nông dân

Người dân vùng lũ lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc thuyền ngắn, bụng bầu ra như ổ bánh mỳ và hai đầu thuyền vút cao lên cứa đè sóng dữ đến cứu bà con đưa đến nơi an toàn.

Ngư dân vùng biển đưa thuyền bơ nan vào cứu hộ bà con vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh. Ảnh: CTV.

Ngư dân vùng biển đưa thuyền bơ nan vào cứu hộ bà con vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh. Ảnh: CTV.

Đó chính là các ngư dân xã biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và đội thuyền của họ đã vượt gần 5 km để đến vùng lũ.

Anh Ngô Văn Dương (thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh) kể lại: “Lúc đó, tôi nhận được điện thoại kêu cứu của người quen từ xã Duy Ninh nên nảy ra ý định huy động thuyền và lực lượng ngư dân vào vùng lũ để cứu. Tôi nói  các anh Ngô Văn Tuyền,  Mai Văn Điệp, Mai Văn Toàn, Ngô Minh Hải… ai cũng hưởng ứng. Tôi đăng việc này lên trang cá nhân để mọi người biết”. 

Nghe tin, các anh Trương Quang Khuê, Nguyễn Văn Huấn, Trương Văn Trí… có xe ô tô tải tự nguyện chở thuyền vượt chặng đường hơn 10 km, chở thuyền vào vùng lũ. Ngay trong đêm lũ réo, gần 30 thuyền của ngư dân Hải Ninh được tập kết tại bến đầu cầu Quán Hàu, mỗi thuyền có 5 ngư dân cùng 2 người dân địa phương để thông thạo địa hình.

“Khi vào vùng lũ, tôi cũng trao đổi với anh em cứu họ là tiếp cận đưa bà con đến ở nhà cao tầng tại chỗ. Hạn chế đưa đi xa để tránh rủi ro vì đêm tối, lũ xiết và vướng nhiều cây cối, hàng rào thép có mũi nhọn, dây điện…”.

Đưa hàng cứu trợ đến vùng sâu đang bị lũ cô lập. Ảnh: B. Châu.

Đưa hàng cứu trợ đến vùng sâu đang bị lũ cô lập. Ảnh: B. Châu.

Đoàn thuyền của ngư dân Hải Ninh vào tâm lũ các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh  đang cùng với các lực lượng khác cứu dân.

Đến thôn Hiển Lộc (xã Duy Ninh), phát hiện tiếng kêu cứu ngôi nhà đổ mái bằng đang bị nước lũ lên gần lút cửa vào. Thuyền anh Dương cập đến.

Anh Dương cùng một ngư dân cởi áo phao lặn xuống phá cửa và bơi vào nhà. Trong ánh đèn pin thấy 4 người đang ôm nhau trong cơn tuyệt vọng. Trong đó người chồng bị cụt một tay nên không thể làm gì được.

Anh Dương động viên mọi người và gọi thêm anh em trên thuyền mới đưa lần lượt hai vợ chồng và hai người con lên thuyền. “Nếu không đến kịp thời, chắc gia đình này khó qua được cơn lũ”, anh Dương nói.

Thuyền ngư dân có mặt kịp thời đưa hàng cứu trợ đến vùng ngập nặng. Ảnh: B. Châu.

Thuyền ngư dân có mặt kịp thời đưa hàng cứu trợ đến vùng ngập nặng. Ảnh: B. Châu.

Đội thuyền ngư dân Hải Ninh cũng xuyên đêm trắng cứu người. “Dù ai cũng mệt, đói, nhưng đây là việc nghĩa nên anh em tự động viên nhau cố gắng được phần nào hay phần đó”, anh Dương bộc bạch.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch huyện Quảng Ninh cho biết, trong mấy ngày mưa lũ ngập lụt vừa qua có hơn 60 phương tiện cứu hộ khác nhau của các lực lượng, trong đó có nhiều thuyền của ngư dân Hải Ninh, thuyền của các tổ chức từ thiện đã đến vùng lũ.

“Trước việc làm nghĩa tình đó, cá nhân tôi và người dân huyện Quảng Ninh rất cảm động, khâm phục những hành động kịp thời của bà con ngư dân, của các anh em thiện nguyện. Nhờ đó, gần 4.000 người dân gặp nguy hiểm đã được cứu hộ hỗ trợ di dời đến nơi an toàn”, ông Phạm Trung Đông chia sẻ.

Ở huyện Lệ Thủy, hàng chục thuyền bơ nan của bà con ngư dân xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc cũng đã băng qua đồi cát trong đêm để trắng đêm cứu người dân vùng trũng đang bị lũ xiết.

“Không để bà con mình bị đói”

Tại nhiều nơi, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm và người dân cũng đã chung tay hướng về người dân vùng lũ. Từng suất cơm, nắm xôi, chai nước được gói ghém gửi đến người dân vùng lũ Quảng Ninh, Lệ Thủy trong ấm áp nghĩa đồng bào.

Hộp cơm cho bà con vùng lũ được nấu từ Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý. Ảnh: B. Châu.

Hộp cơm cho bà con vùng lũ được nấu từ Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý. Ảnh: B. Châu.

Ông Trần Minh Tâm (chủ quán  cháo cá Tâm 710 xã Sen Thủy, Lệ Thủy), đã khẩn trương kêu mọi người cùng góp sức làm cơm hộp chuyển đến vùng lũ.

Ông Tâm nói: "Suốt mấy ngày qua, nhóm chúng tôi làm trên 5 ngàn suất cơm để đưa đến cho bà con. Mỗi suất cơm được đưa đi là thêm hy vọng cho bà con mình ấm lòng trong lũ”, ông Tâm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hương (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), nhanh tay chuyển hơn trăm suất cơm hộp xuống xuồng, quay lại bảo: “Nhà tôi cũng bị lũ ngập, nhưng thiệt hại không lớn. Nghĩ bà con vùng trũng giờ này nước còn ngập sâu thì khó có được bát cơm. Tôi kêu gọi chị em trong xóm đi chợ, nấu ăn. Trong sáng ngày 20/10, các chị em đã nấu được 700 suất cơm sẻ chia cùng người dân vùng lũ".

Cơm hộp, mỳ tôm, nước uống được lực lượng cứu hộ đưa đến tận tay bà con đang bị ngập lũ. Ảnh: B. Châu.

Cơm hộp, mỳ tôm, nước uống được lực lượng cứu hộ đưa đến tận tay bà con đang bị ngập lũ. Ảnh: B. Châu.

Cả nước hướng về miền Trung, người Quảng Bình hướng về vùng rốn lũ. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới) đã động viên tập thể giáo viên, phụ huynh chung lòng quyên góp hơn ngàn bộ áo quần và nấu trên ngàn suất cơm dẻo, khẩn trương chuyển đến cho bà con vùng lũ.

Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp hội quyên góp và nấu cơm cho bà con đang thiếu đói. Trong 2 ngày lũ lớn, hơn 6.000 suất cơm của chị em đã được trao tận tay cho bà con đang còn đói rét.

Chị Lê Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh nói trong cảm xúc: “Mỗi hộp cơm được chuyển đến là mong mỏi không để bà con mình bị đói trong lũ dữ”.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.