| Hotline: 0983.970.780

Mường Bú phấn đấu đạt chuẩn nâng cao

Thứ Hai 18/11/2024 , 07:25 (GMT+7)

SƠN LA Người dân xã Mường Bú, luôn ý thức về việc phải tích cực thay đổi tư duy sản xuất, gia tăng thu nhập, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Nằm cách trung tâm huyện 18 km về phía Tây Nam, xã Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) có diện tích 9.292 ha, bao gồm 23 bản và 2 tiểu khu, với dân số 12.286 người, trong đó 77% là người Thái. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhờ chương trình nông thôn mới đã tạo động lực cho họ vươn lên cải thiện đời sống.

Xã xác định nông nghiệp là thế mạnh, đặt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định, bền vững. Năm 2024, Mường Bú dự kiến đạt tổng sản lượng lương thực 7.073 tấn, với các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, sắn, cùng cây ăn quả.

Sản phẩm OCOP đang đem lại giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp tại xã Mường Bú. Ảnh: Đức Bình.

Sản phẩm OCOP đang đem lại giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp tại xã Mường Bú. Ảnh: Đức Bình.

Để nâng cao giá trị nông sản, xã tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng địa phương. Đáng chú ý, sản phẩm táo đại của anh Nguyễn Định Hướng ở bản Ta Mo đã đạt OCOP 3 sao, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với mức giá 50.000 đồng/kg, 1 ha táo đại có thể giúp người dân thu về từ 600-700 triệu đồng/năm. Các loại cây ăn quả khác như xoài, nhãn, bưởi và chuối cũng mang lại sản lượng cao, diện tích chuối 681 ha, năng suất 20 tấn/ha; diện tích xoài đạt 395 ha, năng suất 12 tấn/ha; diện tích nhãn 277  ha, năng suất 15 tấn/ha;.. Đủ sản lượng và chất lượng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập cho nông dân.

Diện tích lúa vụ chiêm xuân đạt 150 ha, với các giống chất lượng cao như nếp 86 và BC15, cùng ngô đạt 1.240 ha, năng suất trung bình 4,2 tấn/ha, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong huyện. Ngoài ra, diện tích sắn đạt 300 ha với sản lượng ước tính 3.600 tấn. Đáp ứng nhu cầu chế biến rau quả, xã còn đẩy mạnh các vùng sản xuất rau quả tập trung, cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco tại Sơn La.

Chăn nuôi và thủy sản cũng phát triển ổn định. Đàn gia súc, gia cầm của xã đạt 10.100 con lợn và 84.000 con gia cầm, đảm bảo cung ứng thực phẩm cho địa phương và vùng lân cận. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản 34 ha cung cấp sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm.

Nhờ sự đổi mới trong nông nghiệp, số hộ nghèo của xã hiện chỉ còn khoảng 4%, giảm dần so với các năm trước. Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch xã Mường Bú, chia sẻ: “Những mô hình hay đã được nhân rộng trong xã, giúp người dân cải thiện thu nhập. Các lớp đào tạo kỹ thuật nông nghiệp được tổ chức đều đặn, hướng đến mô hình nông nghiệp sạch trên toàn địa bàn, tạo đà phát triển bền vững cho Mường Bú”.

Những con đường liên bản vẫn còn thô sơ, chưa đảm bảo an toàn. Ảnh: Đức Bình

Những con đường liên bản vẫn còn thô sơ, chưa đảm bảo an toàn. Ảnh: Đức Bình

Dù vậy, xã vẫn đối mặt với thách thức trong việc phát triển chương trình nông thôn mới nâng cao. Vấn đề lớn nhất là nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn chế, chưa đủ để hoàn thiện hạ tầng cần thiết. Địa hình vùng núi với các bản xa xôi, đường xá dài cũng gây khó khăn trong việc vận chuyển và xây dựng. Một số tuyến đường dù đã được cứng hóa nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển, nhất là các tuyến nội đồng và liên bản.

Sự phụ thuộc vào mùa vụ và thị trường cũng là một thách thức. Nhiều nông dân vẫn gặp khó khăn với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa,” đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bền vững hơn.

Mường Bú đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, với kỳ vọng mang lại diện mạo tươi sáng hơn cho vùng quê này. Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền và người dân cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, nhân rộng các mô hình hiệu quả và khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.