Bởi lẽ từ trước Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã nhận đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) trong xây dựng NTM. Vì thế khi thấy điện thoại nổi tên trong danh bạ Anh Danh, Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình, tôi còn ngần ngại. Sau đọc dòng tin nhắn của anh báo đoàn của đơn vị có kế hoạch lên trao quà cho đồng bào, tôi thực sự xúc động. Rồi sau đó, chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại.
Anh Danh bảo, vấn đề khó khăn của đồng bào không mới và kỳ thực cả cấp ủy, chính quyền và người dân đều đã có nhiều nỗ lực cố gắng. Việc bây giờ, chúng ta cùng chia sẻ với đồng bào và tiếp tục có những định hướng, có những xắn tay vào hỗ trợ và làm trực tiếp với đồng bào để giúp đồng bào có cách làm tốt hơn trong phát triển kinh tế.
Có lẽ thế, chuyến đi lần này, tôi nghĩ đoàn không chỉ có mỗi đơn vị ở Sở và cũng không chỉ dừng lại mỗi trao tặng quà rồi về...
Trở lại xóm Cá
Đúng 6 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Hòa Bình. Con đường từ quốc lộ 6 lên 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc như thường lệ vẫn là sự đầy đọa bởi chi chít những hố như vũng trâu đằm, đất và đá lổn nhổn, chỉ khác là cờ đỏ cắm rợp hai bên đường. Hỏi ra mới biết hôm nay địa phương đang tổ chức ngày đại đoàn kết.
Trên xe anh Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Hòa Bình thông tin rằng đợt này đoàn mang lên 15 chiếc giường cho các hộ nhà xây, 15 chiếc đệm cho các hộ nhà sàn, 30 cái chăn, 26 bộ tivi và chảo bắt sóng để tặng cho những gia đình nghèo sau khi đọc bài viết trên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trường hợp không có giường, không có đệm, không có tivi. Đoàn trực chỉ xóm Cá nơi tôi đã ở đó một ngày đêm để thực tế viết về muôn màu cảnh nghèo của 14 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo.
Cảnh vật hai bên đường đẹp đến nỗi nhiều người phải xuýt xoa, tiếc nuối vì một Sa Pa của xứ Mường gồm 3 xã Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông với độ cao từ 700 - 900m, nhiệt độ luôn mát mẻ, rừng nguyên sinh bao bọc nhưng đã bị bỏ hoài, bỏ phí. Cuối cùng thì khu nhà nghèo của xóm Cá cũng hiện ra với những mái bờ lô xi măng thấp lúp xúp, xám mờ trong nắng sớm.
Ông Nguyễn Văn Ày xúc động không nói lên lời khi được đoàn trao chiếc nồi cơm điện và cái chăn ấm cho mùa đông đến không còn rét mướt nữa. Trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây cho ông mọi thứ cứ thông thống, không ti vi, không tủ lạnh, không nồi cơm điện, tài sản có giá nhất là cái xe máy vừa mua 3 triệu đồng.
Hàng xóm của ông có chị Bùi Thị Hiều cũng nhà nghèo, chồng lại bị câm đang đi phụ hồ ở Hà Nội. Trong ngôi nhà đại đoàn kết hỗ trợ chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài mấy bao thóc. Cả gia đình có mỗi suất ruộng 400m2 của chồng, không đầu tư được phân bón, vật tư nên vụ nhiều nhất chỉ thu nổi 5 bao thóc khiến cho mỗi năm họ thiếu ăn mấy tháng.
Chị Hiều không biết chữ, không biết nói tiếng Kinh nên phải nhờ Bí thư xóm là anh Đinh Công Thọ phiên dịch hộ. Chị niềm nở đón chiếc chăn từ tay anh Nguyễn Văn Danh trao nhưng khi nghe nói được tặng giường thì kiên quyết chối từ mà đòi đổi sang đệm. Đoàn chúng tôi phải thay nhau giải thích mãi cái giường là gì, vai trò của nó ra sao nhưng chị vẫn không chịu. Đến khi tận mắt nhìn thấy cái giường gỗ bóng loáng nước sơn được dỡ từ ô tô tải xuống thì chị lại gần sờ vào rồi đồng ý nhận liền.
“Chị Hiều đã 48 tuổi nhưng chưa hình dung ra cái giường nó như thế nào vì từ trước đến nay chỉ ngủ trên nền nhà hay mấy tấm ván kê thôi”. Bí thư xóm Cá giải thích. Anh Quách Cao Sơn, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Tân Lạc cho biết, bà con nhận được giường cứng, đệm êm, chăn ấm giúp nâng cao sức khỏe, hạnh phúc, còn ti vi giúp nâng cao dân trí. Món quà này của Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình thực sự có ý nghĩa.
Trăn trở tìm lối thoát nghèo
Trao quà xong, đoàn chúng tôi trở về hội trường UBND xã để làm việc. Quyết Chiến về đích nông thôn mới (NTM) năm 2021.
Cũng bởi cái nghèo mà trạm y tế không có máy siêu âm, trường học không có nhà đa năng trong khi đó từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau sương mù mịt, các hoạt động ngoài trời của học sinh không thể thực hiện được.
Diện tích đất sản xuất của xã Quyết Chiến hạn chế, đã thế gần 32ha ở xóm Biệng trước dân thỏa thuận cho công ty Vạn Thành thuê 10 năm, sau đó chẳng hiểu sao trong quyết định của tỉnh lại thành thuê 50 năm nên giờ dù đã đòi lại nhưng vẫn thuộc diện đang có tranh chấp.
Trước câu hỏi Quyết Chiến trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo, tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết trồng cây gì, nuôi con gì không quan trọng bằng cách trồng, cách nuôi ra làm sao. Vùng cao Tân Lạc có các giống bản địa quý như lợn đen, gà đen, su su….chỉ cần tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, không làm ăn manh mún nữa. Từ tổ hợp tác có thể tiến lên thành lập các HTX cây, con chuyên ngành.
Các sản phẩm bản địa cần được xây dựng, quảng bá thương hiệu không để như hiện nay chỉ người Hòa Bình mới biết đến su su Tân Lạc, chứ người Hà Nội chỉ biết đến su su Tam Đảo của Vĩnh Phúc. Hiện khoảng 70-80 % su su Tân Lạc về Hà Nội được bán dưới mác su su Tam Đảo. Đó là một thực trạng đáng phải suy nghĩ.
Cuối buổi làm việc, anh Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Hòa Bình kết luận: Không ai hết chính xã Quyết Chiến phải là người xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển kinh tế xã hội, để các ngành, các cấp bám sát vào đó mới hỗ trợ được. Khi có kế hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh rồi thì địa phương phải phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng người thực hiện. Đặc thù của vùng cao, sắp vào mùa đông khắc nghiệt nên xã cần nhắc nhở người dân làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc, gia cầm để nếu không có khi lại trở thành hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Những khó khăn về đường sẽ sớm được cải tạo, sửa chữa, hạ tầng như điện yếu, như thiếu nhà đa năng, nhà văn hóa, trang thiết bị cho trạm y tế sẽ được cân nhắc, xem xét để thực hiện trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, ngay hôm nay đơn vị sẽ khởi công hệ thống chiếu sáng cho tuyến đường hơn 1 km tại trung tâm xã Quyết Chiến, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ hoàn thành. Về vướng mắc của gần 32 ha đất canh tác đang ở trong diện tranh chấp, đơn vị sẽ kiến nghị lên tỉnh để xem xét, tháo gỡ.
Điều quan trọng là làm sao để hiện thực hóa nghị quyết của Hòa Bình về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030 thì mới tạo ra được sinh kế vững bền cho dân.
Các xã vùng cao huyện Tân Lạc được rừng tự nhiên che phủ, khí hậu luôn mát mẻ về mùa hè, có động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh, có đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến…rất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch.