| Hotline: 0983.970.780

‘Mướt mồ hôi’ bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn

Thứ Tư 06/11/2024 , 10:28 (GMT+7)

Qua kết quả nghiên cứu thực địa, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) được các nhà khoa học đánh giá cao về tính đa dạng sinh học.

Khu rừng đa dạng sinh học

Theo ông Khiếu Đức Thịnh, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (còn được gọi Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển hạng thành Vườn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đến năm 2030, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được quy hoạch thành Vườn quốc gia. Hiện, Sở NN-PTNT Bình Định đang phối hợp với các cơ quan tiến hành rà soát, triển khai các nội dung liên quan”, ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Cũng theo ông Thành, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích hơn 22.000ha nằm trên cao nguyên An Lão (Bình Định), giáp ranh với Khu bảo tồn Kon Cha Răng (Gia Lai) và vùng rừng núi cao của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Khu bảo tồn nằm trong 2 vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam, là vùng sinh thái rừng mưa núi cao Nam Trường Sơn và vùng sinh thái rừng khô đất thấp nam Việt Nam. Đây đều là những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới, được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá, bởi tính đặc hữu, giá trị bảo tồn nhiều loài động thực vật quan trọng.

Các điều tra ban đầu về đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có 53 loài động vật quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Các điều tra ban đầu về đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có 53 loài động vật quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Kết quả báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (năm 2020) cho thấy, độ che phủ thảm thực vật rừng còn rất lớn, hơn 19.800ha, chiếm 88,3% tổng diện tích tự nhiên khu bảo tồn, chủ yếu là rừng tự nhiên (19.784ha). Trong Khu bảo tồ thiên nhiên An Toàn, diện tích rừng giàu (rừng chưa qua khai thác còn tương đối nguyên sinh) có hơn 11.700ha, chiếm 52,2%; rừng trung bình hơn 980ha, chiếm 4,4%; rừng nghèo và rừng non hơn 7.000ha, chiếm 31,5%.

Các điều tra ban đầu về đa dạng sinh học trong khu vực đã thống kê được trên 300 loài động vật với 83 loài thú, 141 loài chim, 47 loài bò sát và 29 loài lưỡng cư. Khu hệ thực vật được đánh giá ban đầu với 547 loài thực vật bậc cao của 304 chi.

Ở cấp độ quốc gia, từ cấp sắp nguy cấp đến cấp cực kỳ nguy cấp, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có 53 loài động vật quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam, trong đó có 9 loài cực kỳ nguy cấp, như: Chà vá chân xám, cầy bay... Nhiều loài thực vật quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp, như cốt toái bổ (cây tổ rồng, tổ phượng), thất diệp sâm, lan kim tuyến, kim điệp hoàng thảo (thạch hộc dùi trống)...

Ở cấp độ quốc tế, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có 32 loài động vật quý hiếm được xếp từ bậc sắp nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp, trong đó có 3 loài cực kỳ nguy cấp là chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), rùa hộp trán vàng (Cuora Galbinifrons) và rùa Trung bộ (Mauremys Annamensis).

Nỗ lực bảo vệ

Để bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã “mướt mồ hôi” với công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xây dựng, tổ chức thực hiện trên 25 đợt phối hợp thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng giáp ranh để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng xâm hại rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các tiểu khu: 45, 51, 53a, 53b, 56, 71, 72, 73, 63, 79, 91 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với UBND xã An Toàn và Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Ban quản lý rừng phòng hộ An Lão tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng thuộc các tiểu khu: 63, 64, 79, 91 (khu vực giáp ranh với xã Bok Tới, Đắk Mang (huyện Hoài Ân); các tiểu khu 36, 37, 52, 72, 73, 90A thuộc địa bàn xã An Toàn giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh và các vùng rừng giáp ranh với các khu sản xuất của các hộ dân xã An Toàn.

Các trạm quản lý bảo vệ rừng An Toàn I, II, III trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn ngoài công tác bảo vệ rừng thường xuyên hàng ngày, còn chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng có thời gian từ 2 ngày trở lên.

Ngành chức năng Bình Định thả động vật quý hiếm vào Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng Bình Định thả động vật quý hiếm vào Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

“Trước những ngày nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm, đơn vị phân công, phối hợp với kiểm lâm địa bàn, công an xã An Toàn tổ chức trực 24/24 với lực lượng ít nhất 3 người/ngày tại chốt thôn 2 thuộc xã An Toàn. Phối hợp cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân duy trì 2 điểm chốt chặn tại BokTới, Đắk Mang (huyện Hoài Ân). Nhờ đó, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn trong thời gian qua giảm”, ông Khiếu Đức Thịnh cho hay.

Cũng theo ông Thịnh, diện tích quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn khá lớn, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, giáp ranh với 2 tỉnh là Gia Lai, Quảng Ngãi và 2 huyện trong tỉnh là Hoài Ân và Vĩnh Thạnh. Địa hình hiểm trở, chia cắt trong khi đó biên chế thiếu so với quy định.

“Trong khi đó, ranh giới các vùng nương rẫy ngoài thực địa chưa được cấp sổ và đóng mốc rõ ràng, khiến tình trạng lấn rừng mở rộng diện tích nương rẫy còn xảy ra, dẫn đến gia tăng áp lực trong công tác bảo vệ rừng”, ông Khiếu Đức Thịnh chia sẻ.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.