| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương thanh lý rừng trồng

Thứ Năm 31/10/2024 , 09:47 (GMT+7)

Công văn số 8153/BNN-LN của Bộ gửi ngày 30/10 đề nghị UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, thống kê, tiến hành các thủ tục xử lý, khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Khoảng 200.000ha rừng trên cả nước bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Sơn Tình.

Khoảng 200.000ha rừng trên cả nước bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Sơn Tình.

Ba nội dung chính được Bộ NN-PTNT nhấn mạnh trong việc thanh lý rừng trồng bao gồm: (1) Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng; (2) Các trường hợp được thanh lý; (3) Việc lựa chọn hình thức thanh lý. Ngoài ra, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khi thực hiện cần lưu ý phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 140/2024/NĐ-CP vừa ban hành đến các tổ chức, chủ rừng trên địa bàn.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 140/NĐ-CP về thanh lý rừng trồng. Trong đó, chỉ rõ 2 trường hợp để đưa rừng vào diện thanh lý. Đó là, rừng bị dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại.

Trường hợp còn lại là do thiên tai theo quy định của pháp luật, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần...

Thẩm quyền thanh lý rừng trồng thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương hoặc HĐND cấp tỉnh, tùy thuộc phạm vi quản lý của rừng. Khi thanh lý rừng trồng, tổ chức sở hữu thực hiện khai thác tận dụng theo quy định. Trường hợp bán lâm sản từ hoạt động này thực hiện theo quy định về đấu giá tài sản.

Nếu rừng trồng trong giai đoạn đầu tư, cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn, thiết kế và dự toán trồng rừng theo quy định về đầu tư công và đầu tư công trình lâm sinh. Nếu rừng trồng sau giai đoạn đầu tư, cần điều chỉnh giá trị hình thành tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản.

Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện thanh lý rừng trồng với cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng ngay sau khi hoàn thành việc thanh lý rừng. Chi phí thanh lý rừng trồng được lập dự toán trong phương án thanh lý rừng trồng. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thanh lý rừng trồng thực hiện theo quy định về ngân sách nhà nước.

Trường hợp không có nguồn thu từ bán lâm sản hoặc nguồn thu từ bán lâm sản nhỏ hơn chi phí thực hiện thanh lý rừng trồng, thì HĐND cấp tỉnh, hoặc Bộ, cơ quan Trung ương xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách địa phương, hoặc nguồn ngân sách được giao hằng năm.

Nghị định 140 có hiệu lực từ ngày 25/10/2024. Trong quá trình địa phương thực hiện, Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ, hướng dẫn xử lý mọi vướng mắc phát sinh.

Việc nhanh chóng thanh lý rừng trồng là điều cấp bách lúc này, sau khi khoảng 200.000ha rừng bị thiệt hại bởi bão số 3. Vào đầu tháng 9/2024, Cục Lâm nghiệp cũng đề nghị địa phương, các chủ rừng nhanh chóng tái sản xuất, phục hồi rừng bằng các giống bản địa.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.