| Hotline: 0983.970.780

Cấp mã số vùng trồng rừng phục vụ xuất khẩu

Thứ Ba 05/11/2024 , 09:57 (GMT+7)

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị thúc đẩy thí điểm cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT) rừng nguyên liệu tại tỉnh Yên Bái.

Yên Bái là một trong những địa phương được chọn thí điểm cấp mã số vùng trồng (MSVT) rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái là một trong những địa phương được chọn thí điểm cấp mã số vùng trồng (MSVT) rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái là một trong 6 tỉnh phía Bắc được Bộ NN-PTNT chọn thí điểm triển khai cấp MSVT rừng, đến nay trên địa bàn đã có trên 300 ha rừng đầu tiên tại huyện Yên Bình được cấp mã số.

MSVT rừng là một loại mã định danh được cấp cho từng vùng rừng trồng nhằm quản lý nguồn gốc, đặc điểm và quy trình trồng, chăm sóc rừng. Nền tảng cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là hệ thống iTwood, một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực.

Cấp MSVT rừng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, đây là bước đi có tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ.

Ngày 9/7/2024 Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định số 2260 về việc triển khai thí điểm cấp MSVT rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.

Qua hơn 4 tháng thực hiện, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng ở 5 tỉnh thí điểm và những MSVT rừng đầu tiên đã được cấp. Tổng diện tích rừng đăng ký cấp MSVT trên 16.000 ha, trong đó 3.350 ha từng trồng được xác minh và cấp mã số vùng trồng.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Yên Bái diện tích đất có rừng hơn 400.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 483.684 ha (gồm: rừng đặc dụng 31.226ha; rừng phòng hộ 136.000 ha và rừng sản xuất 316.458 ha).

Một số hộ dân ở huyện Yên Bình được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cấp MSVT rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số hộ dân ở huyện Yên Bình được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cấp MSVT rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, để triển khai cấp MSVT rừng nguyên liệu, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương, chủ rừng để lựa chọn các xã trên địa bàn huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc triển khai cấp mã mới chỉ được thực hiện tại 4 xã của huyện Yên Bình: Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn ứng dụng hệ thống iTwood cho cán bộ Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và các xã thí điểm. Hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood.

Cấp MSVT rừng giúp làm tốt công tác quản lý rừng và người trồng rừng có nhiều lợi ích. Ảnh: Thanh Tiến.

Cấp MSVT rừng giúp làm tốt công tác quản lý rừng và người trồng rừng có nhiều lợi ích. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, tổng diện tích rừng đăng ký cấp MSVT rừng đạt trên 600 ha. Trong đó, diện tích được xác minh và cấp mã số là 304 ha với 321 mã được cấp trên địa bàn 3 xã Đại Đồng, Phú Thịnh và Tân Hương (huyện Yên Bình). MSVT rừng được cấp cho các loài cây trồng chủ yếu như: quế, keo, bạch đàn, bồ đề,… đây cũng là các loài cây trồng chính trên địa bàn tỉnh.

Ông Mễ Văn Giáo ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình có hơn 1,3 ha rừng trồng keo nguyên liệu được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cấp mã số vùng trồng trong đợt này.

Theo ông Giáo, ông đã được lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã tuyên truyền về việc cấp MSVT giúp xác nhận quyền sở hữu và quản lý rừng trồng. Từ đây, gia đình ông có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ, vay vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, mã số giúp quản lý và theo dõi quy trình sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm rừng; sản phẩm gỗ dễ tiếp cận thị trường và tăng giá trị.

Với MSVT rừng nguyên liệu không chỉ giúp quản lý tốt các vùng trồng rừng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng.

Giáo sư, tiến sỹ Võ Đại Hải, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (Hiệp định VPA/FLEGT).

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói riêng có thể mở rộng, ổn định thị trường xuất khẩu; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và cuối cùng là mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng.

Việc cấp MSVT rừng nguyên liệu không chỉ giúp các địa phương quản lý tốt hơn các vùng trồng rừng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, việc cấp MSVT rừng nguyên liệu là cơ sở để triển khai dự án FCBMO có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình chuẩn bị sẵn sàng kinh doanh carbon từ rừng trồng tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”. Dự án được tài trợ bởi Chương trình Rừng và Trang trại (FFF), giai đoạn II thuộc chương trình quan hệ đối tác đồng quản lý của Tổ chức Lương thực – Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Đặc biệt, dự án nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số đo đếm, giám sát khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon rừng trồng trên mã số vùng trồng được cấp có ý nghĩa rất thực tiễn. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.