| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh trên lòng hồ hùng vĩ: [Bài 2] Cá, tôm 'nuôi' ước mơ học chữ

Thứ Ba 27/08/2024 , 11:30 (GMT+7)

Mặt trời chưa thức dậy trên đỉnh núi, những con thuyền đã mang cá tôm lũ lượt kéo về, tiếng sóng xô bờ, tiếng người xì xèo mặc cả rộn rã làng chài Bến Thủy.

Chợ cá Bến Thủy, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thường đông đúc vào hai buổi trong ngày. Ảnh: Đào Thanh.

Chợ cá Bến Thủy, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thường đông đúc vào hai buổi trong ngày. Ảnh: Đào Thanh.

1.

Chợ cá Bến Thủy, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đông đúc vào hai buổi trong ngày. Buổi sáng từ 5 đến 6 giờ và buổi chiều từ 16 đến 17 giờ.

Sáng hôm ấy, tôi dậy thật sớm, khi mây mù chưa kịp bay ra khỏi đỉnh núi. Thị trấn phố huyện buổi sáng vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả và thi thoảng có tiếng bìm bịp gọi bạn. Mất 10 phút chạy xe từ trung tâm thị trấn, chợ cá Bến Thủy đã hiện ra sôi động lạ thường, đối lập hoàn toàn với dáng vẻ yên ả của thị trấn vẫn đang chìm trong giấc ngủ.

Anh Nguyễn Văn Luân vuốt từng tờ tiền cho sạch nước, một vài tờ còn dính cá tôm, rồi cho gọn vào túi. Số tiền khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Tôi hỏi: "Hôm nay có được nhiều cá tôm không?", "Không có nhiều, chỉ vài chục cân cá tép dầu, mấy cân cá tạp, vài cân tôm", anh Luân đáp.

Người đàn ông ấy vội vã đưa từng mẻ cá giao cho thương lái. Cá tép dầu 25.000 đồng/kg, tôm 50.000/kg, cá tạp 30.000/kg… Giao cá, nhận tiền xong, anh giúp thương lái xếp đá lạnh vào từng mẻ cá rồi vận chuyển lên xe chở hàng.

Anh Nguyễn Văn Luân (ngoài cùng bìa trái) sống bằng nghề chài lưới nhiều năm nay trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Nguyễn Văn Luân (ngoài cùng bìa trái) sống bằng nghề chài lưới nhiều năm nay trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chiếc thuyền của anh Luân bé nhỏ, rộng khoảng 1m, dài 6m, đã đen kịt bởi sự bào mòn của thời gian và sông nước. Mắt anh ánh lên niềm vui tươi, tay vội vã múc những gáo nước còn đọng lại trên khoang thuyền đổ xuống lòng hồ. Sau đó, anh dùng tay té từng vốc nước hắt lên mạn thuyển để rửa sạch đất và vảy tôm cá còn dính lại, rồi từ từ cho thuyền ra xa khu Bến Thủy, lẫn dần vào dòng sông.

Cả cuộc đời anh ngụp lặn với sông nước. Con thuyền làm bạn đưa anh vượt qua bao ngóc ngách và cả những con sóng dữ của lòng sông. Dòng sông tắm mát cho con thuyền và tắm mát cho cả cuộc đời anh với bao mùa cá, tôm.

Tôi thấy một đứa trẻ nhảy từ trên bè xuống sông tắm mát, một vài đứa tự chèo thuyền đi qua các nhà bè nổi. Anh Luân bảo, những đứa trẻ ở vùng sông nước dường như khỏe hơn những đứa trẻ ở môi trường khác một cách lạ thường. Chúng ốm nhẹ thì bố mẹ chúng để tự sinh, tự tồn với thiên nhiên, khi ốm quá mới đưa đi bệnh viện.

Tuy nhiên, như những đứa trẻ khác, chúng cần được lớn lên trong thời đại văn minh, phải biết chữ, phải có nhiều khát vọng hơn chính cuộc đời của bố mẹ.

Hồ thủy điện Tuyên Quang có nguồn lợi cá tôm khá đang dạng và phong phú. Ảnh: Đào Thanh.

Hồ thủy điện Tuyên Quang có nguồn lợi cá tôm khá đang dạng và phong phú. Ảnh: Đào Thanh.

Với ý nghĩ ấy, anh Luân quyết tâm cho 2 đứa con mình học chữ. Anh muốn chúng được chạy nhảy và nuôi dưỡng những ước mơ giống như bao đứa trẻ khác sống trên mặt đất. Vì chúng, anh vất vả ngày đêm quăng mình nơi lòng hồ mênh mông để mưu sinh.

Ngoài đánh bắt cá tôm, anh Luân cũng nuôi 5 lồng cá rô phi và cá lăng. Anh bảo, số cá lồng ấy để dành bán và tiết kiệm mua sách vở cùng các đồ dùng cần thiết cho 2 đứa con của mình. Đứa lớn học lớp 7 và đứa nhỏ học lớp 2. Chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn, anh phải tích lũy và tiết kiệm tiền để lo cho tương lai của chúng.

Ở khu xóm chài Chóm của gia đình anh Luân, có khoảng 5 hộ sinh sống. Tuy vất vả khó khăn, nhưng ai cũng cố gắng cho con cái được đi học, được có chữ mong tương lai sẽ tươi đẹp hơn đời ông bà, đời bố mẹ của chúng.

2.

Khi những người đánh chài lưới như anh Luân và những tiểu thương lần lượt rời chợ cá Bến Thủy, cũng là lúc mặt trời vừa kịp ló rạng sau đỉnh núi Pắc Tạ, Bến Thủy trở lại tĩnh lặng như thường. Chỉ còn lại làng chài Bến Thủy bé nhỏ nơi giao nhau hợp nhất giữa 2 lòng sông hùng vĩ gồm sông Năng và sông Gâm với khoảng 30 hộ dân sống bám vào nghề chài lưới, nuôi cá lồng.

Chị Triệu Thị Minh Tân, ở khu Bến Thủy, thị trấn Na Hang chèo thuyền trên dòng sông Năng. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Triệu Thị Minh Tân, ở khu Bến Thủy, thị trấn Na Hang chèo thuyền trên dòng sông Năng. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Triệu Thị Minh Tân, ở khu Bến Thủy, thị trấn Na Hang chèo thuyền đưa tôi qua một khúc lớn của dòng sông Năng. Tay chèo nhịp nhàng khua, những con sóng dữ tợn tưởng ôm chặt lấy mạn thuyền đều bị chị chinh phục nhuần nhuyễn. Ngày nào chị cũng vượt qua bao nhiêu khúc sông, những khúc sông hai bên bờ chỉ thấy dãy núi cao ngất, điệp trùng bởi màu xanh bất tận chạy miên man xa hết tầm mắt như thế.

Chị Tân là người dân tộc Dao, còn chồng chị là người Tày. 2 vợ chồng chị đều là người quê gốc ở Na Hang. Quê cũ của anh chị đã nằm lại dưới lòng hồ. Gia đình chị di dân từ huyện Na Hang về xã Hoàng Khai của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang từ năm 2009. Vì nhớ nhung quê cũ với bao nhiêu kỷ niệm, chị trở về, chọn gắn bó với nghề chài lưới.

Chị sống bằng nghề đánh bắt tôm. Mùa nhiều tôm từ rằm tháng 7 đến hết tháng Giêng âm lịch. Mỗi ngày chị đánh được từ 2 đến 5kg. Chị bảo, những hôm gió to, không dám đi nhấc rọ tôm. Vì gió to sẽ đẩy thuyền đi xa, tạo lực cản đứt dây buộc thì mất cả chì lẫn chài. Anh Hoàng Văn Thức, chồng chị, những giờ không đi quăng chài, thu lưới thì tranh thủ đi thua mua tôm cá ở dọc các bến sông. Chị nhẩm tính, mỗi ngày anh phải thu mua được hơn 20kg mới có lãi. Bởi riêng tiền chi phí xăng, dầu lênh đênh vào các eo ngách để thu mua cũng mất 300.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

Một người đánh cá trên sông Gâm. Ảnh: Đào Thanh.

Một người đánh cá trên sông Gâm. Ảnh: Đào Thanh.

Khó khăn vất vả nhưng chưa khi nào anh chị muốn bỏ làng chài, bỏ nghề chài lưới. Bởi nó là miếng cơm, manh áo, là nghĩa tình xóm làng. Đặc biệt làng chài, dòng sông ấy giúp chị nuôi dưỡng ước mơ cho đứa con trai của mình học được thật nhiều chữ. Anh chị mong nó hơn bố mẹ, vượt lên sự nhọc nhằn mà có tương lai xán lạn. Ước mơ ấy của anh chị đang dần thành hiện thực khi cháu đã học năm thứ 2 tại một trường Đại học ở Hà Nội.

Tối hôm ấy, như đã hẹn trước, theo thuyền của chị Tân, anh Thức, chúng tôi lênh đênh trên sông Gâm. Lòng sông lặng lẽ như tờ bỗng xao động ồn ào lấp lánh cùng ánh trăng thượng tuần khi anh buông chài, thả lưới. Cá, tôm cũng về theo từng nhịp tay kéo chài của người đàn ông ấy.

Anh Thức nở nụ cười, một nụ cười khắc khổ, chia sẻ: “Mùa này cá tôm không nhiều, cực lắm. Nhưng anh quyết không đánh bắt cá sơ sinh, hay dùng kích điện. Làm thế ác với môi trường nuôi sống gia đình mình bao năm qua. Những con cá tôm bé nhỏ chúng giống như những đứa trẻ, còn non nớt chưa biết vị đời thì phải để chúng được sống, được trưởng thành".

Dòng sông Gâm vằng vặc lặng lẽ nắm trọn con thuyền nhỏ bé của anh vào trong lòng, sóng vẫn gầm gào vỗ.

Tại thị trấn Na Hang, hiện nay có 3 khu vực có xóm những người làm nghề chài lưới và nuôi cá lồng sinh sống tập trung. Một xóm ở khục vực Bến Thủy, một xóm ở khu vực chân thác Mơ và xóm chài Chóm. Ngoài đánh bắt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, thì những người dân sống ở khu vực này còn nuôi cá lồng phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem thêm
Hướng dẫn phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão.

Hơn 2.100 tàu cá ‘3 không’ của Hà Tĩnh sẽ được đăng ký

Sau khi rà soát tại các địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh sách các tàu cá không đủ hồ sơ, cần hoàn thiện để được đăng ký theo quy định.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.