Tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân
Sau khi gây bất ngờ với tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào hôm qua, Triều Tiên hôm nay tiếp tục tuyên bố tên lửa mới phát triển này của họ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn, Reuters cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, vụ phóng thử thành công đã hoàn thiện năng lực vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng, bao gồm bom nguyên tử, bom nhiệt hạch và tên lửa liên lục địa. Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ không thương lượng với Mỹ về việc từ bỏ các loại vũ khí này cho đến khi Washington từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA cho biết.
Sáng 3/7, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. KCNA sau đó cho biết, đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, tên lửa này đã bay được chặng đường 933km, đạt độ cao 2.802km và bắn trúng mục tiêu ở vùng biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng tuyên bố, tên lửa này có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào, ở bất cứ đâu trên thế giới.
Mỹ xác nhận, Nga phản bác
Vụ phóng thử tên lửa ngày 3/7 của Triều Tiên hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Trong khi giới chức Nga cho rằng đó chỉ là một tên lửa tầm trung, thì giới chức Mỹ tin nhiều khả năng đó là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thực sự.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn dữ liệu quân sự cho biết, tên lửa Triều Tiên đã bay được chặng đường khoảng 535km và đạt độ cao 510km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời hai quan chức giấu tên cho biết, Mỹ tin Triều Tiên đã phóng ICBM hai tầng, tên lửa này có thể bắn tới Alaska. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần phân tích thêm dữ liệu để có thể khẳng định chắc chắn.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng, tên lửa Triều Tiên có thể chỉ là tên lửa tầm trung, nhưng quân đội nước này vẫn xem xét khả năng đó là ICBM.
Một số nhà phân tích nói rằng, dữ liệu về đường bay cho thấy tên lửa mới của Triều Tiên có thể có tầm bắn hơn 8.000km, nghĩa là một phần lục địa Mỹ sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
John Schilling, một chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại Mỹ, cho rằng vụ phóng diễn ra sớm hơn và thành công hơn dự đoán của giới chuyên gia.
Họp khẩn cấp
Giới chức Mỹ đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Phiên họp kín này dự kiến diễn ra hôm nay 5/7.
Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, Mỹ sẽ "không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân". "Vụ phóng thử ICBM cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực và toàn thế giới. Thế giới cần hành động để ngăn chặn mối đe dọa này", ông Tillerson nói.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng ngày cảnh báo Triều Tiên “không vượt giới hạn đỏ”, lập tức ngừng các hành động “khiêu khích”. “Tôi hy vọng, Triều Tiên sẽ không vượt giới hạn không thể quay đầu lại”, Tổng thống Moon nói trong cuộc hội đàm với cựu Thủ tướng Anh David Cameron.
Trong một diễn biến liên quan khác, quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 4/7 đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung nhằm đưa ra thông điệp cảnh báo với Bình Nhưỡng. Tham gia cuộc diễn tập này có tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 và tên lửa chiến thuật ATACMS.