Báo cáo của UNODC được công bố hôm 12/12 cho biết sản lượng thuốc phiện của Myanmar trong năm nay ước tính tăng 36% lên 1.080 tấn, với tổng cộng 47.100ha đất được dùng để trồng cây thuốc phiện.
"Sự đứt gãy về kinh tế, an ninh và quản trị sau khi quân đội tiếp quản chính quyền vào tháng 2/2021 tiếp tục thúc đẩy nông dân ở vùng sâu vùng xa tìm đến thuốc phiện để kiếm sống. Xung đột leo thang tại bang Shan ở phía bắc và các khu vực biên giới khác được cho là sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc phiện", đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á Jeremy Douglas cho biết.
Ông Douglas cũng cảnh báo rằng việc mở rộng trồng thuốc phiện có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy, tội phạm rửa tiền và lừa đảo trực tuyến có tổ chức.
Thuốc phiện, thành phần chính tạo nên loại ma túy cứng heroin, đã được trồng ở Myanmar trong nhiều thập kỷ.
Theo UNODC, các khu vực trồng thuốc phiện lớn nhất tại Myanmar nằm ở phía bắc bang Shan, có biên giới giáp với Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Bang Chin và Kachin đứng ngay sau cũng ghi nhận sản lượng tăng 16% lên 22,9 kg/ha nhờ việc cải thiện phương pháp canh tác, theo báo cáo.
Thu nhập của người trồng thuốc phiện tại Myanmar tăng tổng cộng khoảng 75% trong năm nay, do giá trung bình đối với mặt hàng này đã lên tới khoảng 355 USD/kg và diện tích canh tác đã tăng 18%/năm, từ 40.100 lên 47.000ha, khiến năng suất đạt mức cao nhất kể từ năm 2001.
Myanmar vươn lên đứng đầu về sản lượng trồng thuốc phiện sau khi Afghanistan giảm 95% sản lượng thuốc phiện xuống còn khoảng 330 tấn do chính quyền Taliban ra lệnh cấm trồng loại cây này hồi tháng 4/2022. Afghanistan từng là nhà sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới, chiếm hơn 80% nguồn cung toàn cầu và là nguồn cung heroin chính ở cả châu Âu và châu Á.