"Hiện tại, chúng tôi đã đạt được hợp đồng với một số quốc gia sản xuất gạo lớn, cụ thể là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar", Mokhamad Suyamto, giám đốc chuỗi cung ứng và dịch vụ công thuộc Bulog, hôm 3/11 tuyên bố. Ông cũng cho biết thêm rằng Indonesia cũng sẽ thăm dò nhập khẩu từ Ấn Độ, Campuchia và các quốc gia khác nếu đáp ứng được yêu cầu.
Ông Suyamto cho biết rằng đợt nhập khẩu bổ sung này được thực hiện nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của chính phủ đến năm 2024. Theo ông, Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
Ông Suyamto cũng lưu ý rằng mặc dù chính phủ đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, song việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước.
Theo ông Suyamto, kho gạo của Bulog hiện còn 1,45 triệu tấn gạo. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.
Gạo là mặt hàng thiết yếu đối với hầu hết người dân Indonesia và biến động giá gạo hiện nay đang là vấn đề rất nhạy cảm trên chính trường nước này, đặc biệt là trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2024.
Khác các quốc gia trồng lúa lớn khác như Ấn Độ và Việt Nam, Indonesia tiêu thụ phần lớn sản lượng của chính mình. Indonesia sản xuất được 31,5 triệu tấn gạo trong năm 2022, theo Cơ quan Thống kê Indonesia. Cơ quan Lương thực Quốc gia ước tính hạn hán tại nhiều khu vực ở Indonesia có thể làm giảm sản lượng gạo nước này từ 5 - 7% trong năm nay. Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ tư thế giới với 275 triệu người tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm.