| Hotline: 0983.970.780

Na Mao phát triển bền vững

Thứ Hai 04/08/2014 , 08:25 (GMT+7)

Được công nhận xã An toàn khu (ATK) cuối năm 2012, Na Mao còn là xã miền núi, đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Với 63% đồng bào là dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 40%, cận nghèo xấp xỉ 20%. Việc chỉ đạt 5/19 tiêu chí xây dựng NTM, Na Mao thuộc nhóm thấp nhất của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, với những bước đi căn cơ, chậm và chắc, xã Na Mao phấn đấu về đích đúng theo lộ trình.

Hiến cả đồi chè

Ông Bế Văn San, Chủ tịch UBND xã Na Mao, đã đưa chúng tôi đến gặp ông Âu Văn Hành, Trưởng xóm Đầm Vuông, để tìm hiểu về phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn (GTNT).

Từ năm 2013 về trước, hệ thống giao thông của xã chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội quanh năm, chính vì vậy mà xã đã coi giải pháp phát triển giao thông là khâu đột phá để bắt đầu Chương trình xây dựng NTM.

Xóm Đầm Vuông hiện có 47 hộ, trong đó 37 hộ là người dân tộc Sán Chí, chỉ trông vào lúa, chè, đất chật người đông, điều kiện làm ăn khó khăn nên hộ nghèo và cận nghèo có gần 30 hộ, các hộ gọi là khá cũng chỉ đủ ăn chứ chưa có tích lũy.

Tuy thế, bà con rất tích cực tham gia các phong trào của Nhà nước và địa phương. Ngay khi xã vừa có chủ trương mở đường liên xóm, trưởng xóm chỉ mất một ngày đi vận động là bà con đã thông suốt và nhất trí. Để làm được 1 km đường qua xóm, 28 hộ gia đình đã hiến trên 4 nghìn m2 đất, có gia đình hiến đồi chè, có gia đình hiến đất trồng lúa.

Ông Âu Văn Hành, Trưởng xóm Đầm Vuông, cho biết: Cán bộ phải luôn làm gương thì mới vận động được nhân dân. Mặc dù cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn trông vào mấy sào ruộng, chật vật lắm mới đủ gạo ăn nhưng vì nhận thức “việc làng đất vàng cũng hiến, hiến đất mất một được hai” nên vợ con tôi rất vui vẻ hiến 634 m2 đất trồng lúa 2 vụ.

Năm 2013, anh Âu Thanh Hải cùng một nhóm hộ có ý định chung góp 10 triệu đồng để làm cầu tràn qua suối, thuận tiện cho việc đi lại. Khi nghe trình bày kế hoạch, ông Hành hết sức ủng hộ và ngay lập tức đến các nhà trong xóm để vận động quyên góp.

Không chỉ sẵn sàng ủng hộ, cả xóm còn cùng làm giúp 2 buổi để hoàn thành công trình. Hiện cầu tràn đã đưa vào sử dụng, có đường cho ô tô đi, các nhóm hộ này mạnh dạn vay vốn đầu tư vừa làm chè vừa chăn nuôi, kinh tế đã khá lên nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Ninh khẳng định: Mặc dù tính đến cuối tháng 7/2014, xã mới đạt 5 tiêu chí về thực hiện xây dựng NTM, thuộc nhóm thấp nhất của tỉnh nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với những giải pháp căn cơ, đặc biệt là với sự vào cuộc tích cực của nhân dân trong xã, Na Mao sẽ tiến những bước chắc chắn, hoàn thành 11 tiêu chí vào năm 2015 và cán đích vào năm 2020, bằng các xã khác trong tỉnh.

Từ sự lan tỏa của phong trào chung sức dựng xây quê hương, những người con Na Mao đi làm ăn xa cũng sẵn sàng đóng góp, ủng hộ hàng trăm triệu đồng để mở đường và xây dựng các công trình.

Quy định 9 + 8 + 7

Điều khác biệt trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Na Mao là đã cụ thể hóa công việc của cấp xã, xóm và từng hộ gia đình bằng “Quy định về phân công thực hiện các công việc trong quá trình xây dựng NTM” theo công thức: 9+8+7.

Ông Hoàng Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Na Mao, cho biết, ở Na Mao, mỗi hộ dân đều có thể nói vanh vách 7 công việc của hộ gia đình như: Có kế hoạch phát triển kinh tế hộ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Không có người mắc tệ nạn xã hội, không cưới tảo hôn, không sinh con thứ 3.

Tổ chức tiệc cưới việc tang và các hình thức liên hoan khác lành mạnh tiết kiệm; tham gia hiến đất, hiến tài sản và vận động mọi người xung quanh để xây dựng các công trình công cộng; tham gia góp vốn, đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng các công trình thuộc trách nhiệm của xóm huy động; xây dựng nhà ở hợp vệ sinh phù hợp với quy hoạch...

Khi xã triển khai quy định, bà con nhanh chóng nắm bắt được cụ thể và rõ ràng 9 công việc xã phải thực hiện; 8 công việc của xóm và 7 công việc cụ thể mà gia đình phải thực hiện.

Quy định 9+8+7 không chỉ giúp hộ dân xác định rõ trách nhiệm của mình mà còn minh bạch hóa hoạt động của Chi bộ, trưởng xóm, Ban Mặt trận cấp xóm và cấp xã để nhân dân kiểm tra, giám sát. Xã Na Mao coi đây là một nội dung bắt buộc trong bài thu hoạch các khóa huấn luyện dân quân tự vệ, được đưa vào nội dung thi Bí thư Chi bộ giỏi, dân vận khéo của địa phương.

Thành công bước đầu của xã Na Mao là đã bố trí sắp xếp lại 14/14 khu dân cư, trong đó đã có 97 hộ đã chuyển sinh hoạt từ xóm này sang xóm khác để tiện lợi cho việc sinh hoạt, quản lý hành chính và huy động sự đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng NTM.

Thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2016, UBND xã cam kết việc hỗ trợ mở mới, mở rộng, nâng cấp gần 17 km đường liên xóm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm