Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đồng Thái. |
Sáng 7/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội nghị đánh giá tổng thể công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trọng tâm là chính sách về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.
17 địa phương chưa ban hành giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi
Trước đó, để triển khai Luật Thủy lợi, ngày 30/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng, dịch vụ công ích thủy lợi.
Theo nhận định chung, triển khai Luật Thủy lợi với nhiều điểm mới trong đó có việc chuyển đổi từ "thủy lợi phí" sang "giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thái. |
Tuy nhiên trên thực tế việc triển khai còn chậm. Bộ NN-PTNT và UBND cấp tỉnh của 46 địa phương trên cả nước ban hành giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018 - 2020 cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi trực thuộc, còn 17 địa phương chưa ban hành giá công ích.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Hạ du hiện đang thay đổi, mục tiêu của các công trình thủy lợi cũng thay đổi. Do đó, việc rà soát lại mục tiêu của các công trình thủy lợi rất quan trọng. Việc chuyển từ phí thành giá đối với Bộ NN-PTNT rất quan trọng, vừa là trước mắt vừa lâu dài, là tương lai phát triển bền vững của ngành thủy lợi.
“Hiện nay Nhà nước mới cấp hỗ trợ cho các công ty quản lý công trình thủy lợi mỗi năm khoảng 6.700 tỷ đồng. Số tiền này chưa đủ hỗ trợ cho chi phí thực tế mà các công ty đang phải bỏ ra thực hiện. Nguồn cấp này đang chiếm 81,5% tổng chi phí của các công ty. Như vậy, nguồn thu của các công ty chủ yếu là Nhà nước cấp bù thủy lợi phí”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, chúng ta phải làm sao để các công ty thủy nông hoạt động mà không cần nguồn cấp bù này. Để làm được việc đó, chắc chắn các nguồn thu sẽ tăng lên như tiêu thoát nước đô thị, cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp…
Do đó, việc chuyển phí sang giá bắt buộc phải triển khai vào năm 2021, đơn vị nào không chuyển được từ phí sang giá sẽ không có được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dự kiến tháng 6/2020, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ Tài chính tổng hợp và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình các công ty khai thác công trình thủy lợi cần và thiếu bao nhiều tiền, Nhà nước có khả năng cấp bao nhiêu. Bộ cũng tính đến khả năng sẽ thành lập các công ty để quản lý các công trình để lấy lợi nhuận từ công trình lớn hỗ trợ cho các công trình nhỏ. |
Khó khăn trong xây dựng phương án giá
Theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân của việc chậm xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác do đây là năm đầu tiên thực hiện các cơ quan quản lý địa phương.
Do đó, các đơn vị còn gặp khó khăn trong xây dựng phương án giá. Việc cập nhật, nghiên cứu, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị còn hạn chế. Thậm chí UBND các tỉnh chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị xây dựng phương án giá.
Ông Vũ Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, cho biết, để chuẩn bị cho xây dựng phương án giá từ năm 2021 trở đi, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi đang xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Đến ngày 4/12/2019, Tổng cục Thủy lợi đã nhận được dự thảo hồ sơ phương án giá của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và 37 tổ chức khai thác công trình thủy lợi của 22 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng phương án giá công ích cho nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt cho 2 công trình âu thuyền Báo Văn và Mỹ Quan Trang.
Hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu gồm đại diện 63 tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Ảnh: Đồng Thái. |
Kết quả của phương án đã được Bộ Tài chính thẩm định và lấy ý kiến dự thảo thông tư. Chia sẻ về kết quả trên, ông Đặng Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Sông Mã cho biết, Công ty được UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện, các Sở ủng hộ và có sự phối hợp tốt.
Theo ông Tuấn, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Công ty báo cáo cáo với UBND tỉnh để tỉnh giao các Sở hướng dẫn cho Công ty thực hiện. Căn cứ vào các hướng dẫn để thực hiện các bước. Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn đến đâu các đơn vị cùng gỡ đến đó.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn thiếu sự đồng nhất giữa các văn bản, các hướng dẫn chưa cụ thể, đặc biệt đối với các chi phí không phải là chi phí chính như quản lý, bảo trì gần như là chưa có hướng dẫn. Sự phối kết hợp giữa hai Bộ, 2 Sở gần như chưa có tiếng nói chung nên khi các doanh nghiệp trình lên Bộ NN-PTNT đã duyệt xong, trình sang Bộ Tài chính vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Mức giá công ích từ năm 2021 sẽ tăng 1,5 - 3 lần
Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi Vũ Hồng Khanh cho biết, theo kết quả tính toán sơ bộ của các địa phương đã có phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, mức giá công ích năm 2021 sẽ cao gấp 1,5 - 3 lần so với giá tối đa hiện nay, tùy khu vực và biện pháp tưới tiêu. Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) hỗ trợ, rà soát các hồ sơ này.
Mức giá công ích năm 2021 tăng so với giá tối đa hiện nay vì một số nguyên nhân như giá lương, các khoản lương tăng theo lộ trình của Nhà nước, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng hàng năm (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện tăng rất nhiều). Bên cạnh đó, công trình thủy lợi đầu tư từ hàng chục năm trước cần kinh phí để bảo trì hàng năm, chi phí bảo trì trước đây bố trí không đủ, lợi nhuận cho các đơn vị chưa được tính đến.
Để tháo gỡ cho năm 2019, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính căn cứ vào mức giá đã thực hiện của năm 2017 và chỉ số CPI các năm để ban hành khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo từng vùng. Qua đó, thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Tránh trường hợp chưa có giá cụ thể, đơn vị khai thác không có căn cứ thu tiền làm thất thoát kinh phí của Nhà nước.
Ông Vũ Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Bộ NN-PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thái. |
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về kỹ thuật lập phương án giá phù hợp với đặc thù ngành thủy lợi đã nêu ở phần khó khăn, vướng mắc; cải tiến quy trình thẩm định ban hành, quy định giá tối đa, khung giá, giá cụ thể cho đơn giản, dễ thực hiện.
Các hồ chứa thủy lợi sẽ không cần hỗ trợ từ ngân sách Việc chuyển đổi cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi” là nội dung có tính chất quan trọng, đột phá của ngành thủy lợi. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang “dịch vụ”; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi. Từ đó tiến tới, một số công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi sẽ không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ông Trần Quang Hùng, Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, công ty vừa quản lý hồ đập, vừa quản lý kênh mương phục vụ sản xuất trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố trong khi nguồn lực tài chính để đầu tư cho quản lý, khai thác còn hạn hẹp. Để nâng cao năng lực cũng như đứng trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi hệ thống công trình thủy lợi cần được đầu tư, vận hành đồng bộ. Hiện, công ty đang đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện toàn bộ hệ thống; trong đó, chú trọng nâng cao an toàn hồ đập. Công ty đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quản lý khai thác công trình thủy lợi, làm sao tiết kiệm được giá thành, hướng đến tự chủ cần thu và xây dựng phương án hợp lý để giảm ngân sách cấp bù, đầu tư vào chi phí quản lý, bảo trì, khấu hao vào tài sản cố định. |