Bà con nông dân Nam Định chủ động phun trừ bệnh đạo ôn lá |
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và lây lan từ đầu tháng 3. Tỷ lệ bệnh phổ biến 1 - 5%, cao 10 - 15%, cục bộ 30 - 40%. Toàn tỉnh có 2.215ha lúa nhiễm bệnh và đã trừ 9.580ha. Trong điều kiện trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều thì bệnh phát triển mạnh.
Tại huyện Hải Hậu, hiện nay dàn lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ và khép hàng, có độ đồng đều cao, xã viên các xã, thị trấn đã chăm sóc và bón hết lượng phân theo đúng quy trình hướng dẫn… Tuy nhiên, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh trên các xã như Hải Đường, Hải Trung, Hải Đông…
Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu cho biết, toàn huyện có khoảng 400ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Sau khi có chỉ đạo của Sở NN-PTNT, UBND huyện, đơn vị đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ bệnh đạo ôn và các dịch bệnh khác.
Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo xã Hải Đông (huyện Hải Hậu) bộc bạch, do thời tiết âm u, ít nắng nên ngay từ đầu tháng 3 trên địa bàn xã đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá, chủ yếu ở 2 xóm Nam Giang và Xuân Hà. Diện tiện tích nhiễm bệnh lên đến hàng mẫu.
Tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh…, cũng ghi nhận sự xuất hiện của bệnh đạo ôn. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng Vũ Văn Điệp xác nhận, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá. Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.000ha lúa bị nhiễm bệnh, tập trung ở các xã miền hạ (như xã Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Phong…).
“Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo tới các địa phương tập trung phun trừ các dịch bệnh gây hại trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn lá. Mấy hôm nay, thời tiết nắng ráo, tạo điều kiện đẩy lùi dịch bệnh và không có phát sinh thêm”, ông Điệp thổ lộ.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, trước tình hình trên, đơn vị đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, TP; Ban nông nghiệp các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục chăm sóc lúa và rút nước lộ ruộng cho lúa theo Công văn số 211/SNN-TTBVTV ngày 21/3/2019 của Sở NN-PTNT (không rút nước lộ ruộng cho những diện tích lúa còn xấu và những diện tích chua phèn, mặn).
Tăng cường điều tra, phát hiện, thu thập mẫu lúa, mẫu rầy giám định virus lùn sọc đen, hướng dẫn nông dân nhổ vùi cây lúa nhiễm bệnh tránh phát tán, lây lan nguồn bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ một số bệnh như khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ…, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá.
Đối với bệnh đạo ôn lá, người dân cần phun trừ bệnh cho giống nhiễm khi bệnh chớm xuất hiện và những diện tích đã phun nhưng bệnh chưa dừng (vẫn còn vết bệnh cấp tính). Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Kasai-S 92SC, Filia 525SE, Bamy 75WP...); hoạt chất khác (Nativo 750WG, Bumrosai 650WP...). Không nên sử dụng các loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane.
“Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa, cần tranh thủ lách thời tiết để phun trừ lại. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại”, ông Chính hướng dẫn thêm.