Dự kiến, đến ngày 5/9, toàn tỉnh Nam Định có 10.400ha (14% diện tích) lúa mùa sớm trỗ bông; đến ngày 15/9 có 55.472ha trỗ bông (76% diện tích); đến ngày 20/9 có 65.240ha trỗ bông. Khoảng 10% diện tích là các giống lúa mùa muộn (tám, nếp đặc sản) trỗ bông sau ngày 20/9.
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã nở rộ từ ngày 25/8, mật độ sâu phổ biến 70-100 con/m2, cao 300-400 con/m2, cục bộ 700-1.000 con/m2.
Do lúa xanh tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi nên tỉ lệ sâu nở rất cao và phân bố trên diện tích rộng lúa đại trà. Đây là lứa sâu chính trong vụ, mật độ sâu và mức độ gây hại cao hơn so với vụ mùa 2019.
Rầy lứa 5 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ từ ngày 25 - 31/8, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ có nơi trên 3.000 con/m2. Lứa rầy này có mật độ cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, gây hại ở lúa đại trà.
Mật độ sâu đục thân 2 chấm có nguồn cao từ 0,5-1 con/m2, cao 2-3 con/m2, cá biệt 5-7 con/m2 chủ yếu tuổi 5, nhộng. Dự báo, sâu đục thân lứa 5 sẽ dồn mật độ và tập trung gây hại trên trà lúa mùa trung trỗ bông sau ngày 15/9, nhất là diện tích lúa đặc sản.
Bệnh lùn sọc đen đã phát sinh rải rác, nơi cao 0,3-0,5% (huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng); mức độ phát sinh và gây hại cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Thời gian tới, bệnh sẽ thể hiện rõ trên đồng ruộng, nhất là khi lúa trỗ bông.
“Ngoài ra, bệnh khô vằn đã xuất hiện trên tất cả các trà lúa với tỷ lệ bệnh nơi cao 5-10%, cá biệt 20-30% và sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ do thời gian tới còn có mưa nhiều ngày...”, ông Tiến cho biết thêm.
Theo ông Tiến, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN-PTNT, các địa phương trong tỉnh đã tập trung cao thực hiện các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại lúa mùa.
Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh đã xây dựng 2 quy trình kỹ thuật, hướng dẫn điều tra phát hiện, phòng trừ dịch hại; đồng thời thường xuyên phân công cán bộ kiểm tra đồng ruộng, giám sát chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương thu thập 270 mẫu rầy, 171 mẫu cây lúa (mạ, lúa chét) có biểu hiện triệu chứng bệnh lùn sọc đen để xét nghiệm, phát hiện virus gây bệnh…
“Các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân phun trừ dịch hại bảo đảm kết quả cao trong phòng, chống bệnh lùn sọc đen, rầy lứa 4, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, bệnh khô vằn hại lúa; đặc biệt đã tổ chức, phát động đợt cao điểm phun trừ dịch hại từ ngày 26/8 - 1/9”, ông Tiến bộc bạch.
Lãnh đạo UBND huyện Vụ Bản chia sẻ, vụ mùa 2020, toàn huyện gieo cấy 8.334ha lúa. Hiện, các trà lúa phát triển đồng đều, đẹp. Đến thời điểm này, đã có 850ha lúa trỗ bông (đạt 10%). Dự kiến đến ngày 15/9, toàn huyện sẽ đạt 90% diện tích lúa trỗ bông (khoảng 7.500ha); đến ngày 20/9 là 100% diện tích trỗ bông.
Tại Vụ Bản, mật độ rầy phổ biến từ 100-200 con/m2, cao 500-700 con/m2, cục bộ trên 1.000 con/m2. Sâu cuốn lá nhỏ phổ biến 20-30 con/m2, cao 70-80 con/m2, phổ biến ở tuổi 2,3,4. Đến nay, những diện tích bị nhiễm rầy, sâu cuốn lá trên địa bàn huyện đã phun trừ hết.
Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định khuyến cáo, thời gian tới UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo các địa phương đảm bảo đủ nước cho lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi, bón đủ phân kali đảm bảo quy trình hướng dẫn. Tuyệt đối không bón phân Ure đón đòng để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bênh bạc lá.
Tổ chức tổng điều tra đồng ruộng trên các trà lúa mùa. Phun thuốc trừ sâu dục thân 2 chấm lứa 5 khi lúa bắt đầu trỗ, phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3-5% số bông. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ bệnh lùn sọc đen…
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá cao sự chủ động trong dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân phun trừ các loại sâu bệnh của ngành nông nghiệp và các địa phương nên hiệu quả phòng trừ tốt.
“Dự kiến, lúa mùa sẽ trỗ bông tập trung từ ngày 10/9 nên ngành chức năng, các địa phương và bà con nông dân cần kiểm soát chặt chẽ bệnh khô vằn, rầy, sâu đục thân 2 chấm và bệnh đạo ôn; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về hướng dẫn điều hành sản xuất của ngành nông nghiệp để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả…”, ông Hoan khuyến cáo.