Tỉnh Quảng Nam chỉ còn duy nhất huyện Nam Giang là chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Mặc dù những năm qua, chính quyền địa phương đã luôn nỗ lực để vượt lên những khó khăn nhưng điều kiện thực tế đã gây ra nhiều rào cản. Hiện nay, huyện này đang dốc toàn lực để hoàn thành mục tiêu có xã đầu tiên đạt chuẩn NTM vào năm 2024.
Nam Giang là huyện vùng núi cao với 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Trên địa bàn chưa có mô hình nào mang lại hiệu quả dẫn đến thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Nam Giang, so với các huyện miền núi khác ở tỉnh Quảng Nam thì hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ dân sinh cũng như sản xuất của người dân chưa được đồng bộ. Nguyên nhân là mạng lưới đường sá ở đây phân tán nhỏ lẻ chứ không trải dài theo một trục đường chính như các huyện khác. Điều này dẫn đến hoạt động đầu tư dàn trải, không tập trung. Cùng với đó, thiên tai, bão lũ hàng năm cũng khiến cho hạ tầng của huyện thường xuyên hư hỏng.
Ông Arất Ben, Phó phòng NN-PTNT huyện Nam Giang cho biết, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2072 về bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh với những chỉ tiêu được nâng cao thì các địa phương càng khó đạt hơn so với giai đoạn trước. Xã đạt được nhiều tiêu chí nhất toàn huyện là xã Tà Bhing với 17/19 tiêu chí. Đây cũng là địa phương mà huyện Nam Giang đặt mục tiêu sẽ đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2024.
“Nhìn chung, có 2 tiêu chí rất khó đạt là tiêu chí về thu nhập và nghèo đa chiều. Bởi phải có những mô hình phát triển sản xuất hiệu quả mới nâng cao thu nhập người dân, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo. Huyện đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. Hằng năm, Nam Giang đều có chủ trương tăng cường hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo bằng cả hiện vật cũng như xây dựng các mô hình liên kết sản xuất từ nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau”, ông Ben nói.
Tại xã Tà Bhing, năm 2022 vừa qua đã bắt đầu hình thành được mô hình nuôi heo bản địa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động khá hiệu quả với “đầu tàu” là HTX nông lâm nghiệp A Liêng. Mô hình được hỗ trợ 100% nguồn vốn từ các chương trình với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó hầu hết các hộ tham gia là hộ nghèo, cận nghèo. Với giả cả sản phẩm cao, đầu ra ổn định đã giúp cho người dân trên địa bàn gia tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đây cũng đang được xem là mô hình điểm để huyện Nam Giang tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Anh Bríu Chéo, Tổ trưởng tổ sản xuất HTX nông lâm nghiệp A Liêng cho biết, ngoài chăn nuôi trong mô hình, hiện nay, HTX còn liên kết với nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ kỹ thuật, mua heo giống với giá rẻ, bao tiêu đầu ra từ heo giống đến heo thịt theo giá thị trường. Nhờ vậy, bà con yên tâm, mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
“Ngoài xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cũng phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm 2 xã đạt chuẩn nữa là Đắc Tôi và La Êê. Tuy nhiên, do điều kiện miền núi còn khó khăn, để người dân hưởng ứng, chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM, huyện Nam Giang đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm, kiến nghị với Trung ương xem xét cho các xã thuộc khu vực III, khu vực II khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì vẫn tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh”, ông Arất Ben, Phó phòng NN-PTNT huyện Nam Giang nói.