| Hotline: 0983.970.780

Đồng Hỷ miền quê đa sắc [Bài 2]: Khát vọng Bản Tèn

Thứ Tư 18/10/2023 , 12:23 (GMT+7)

Bản Tèn là miếng ghép khó khăn nhất trong bức tranh xây dựng NTM ở huyện Đồng Hỷ, thế nhưng bản người Mông này cũng có nhiều tiềm năng để bừng sáng.

Một góc ruộng bậc thang ở Bản Tèn.

Một góc ruộng bậc thang ở Bản Tèn.

1.

Bản Tèn là bản người Mông hiếm hoi ở huyện Đồng Hỷ và cả tỉnh Thái Nguyên. Bản nằm trên núi cao hơn 1.200m của xã Văn Lăng, xã cuối cùng phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024 của huyện Đồng Hỷ. Bản Tèn còn nghèo. Cái nghèo ở đây hiện hữu trên mỗi nếp nhà, từ con đường, năng suất cây trồng và nghèo cả chữ. Cả bản có 148 hộ dân thì có đến 147 hộ nghèo và cận nghèo.

Phó thôn Bản Tèn Ngô Văn Tô băng qua mấy ruộng lúa, để đón chúng tôi lên thăm nhà anh. Nói là đi qua bờ ruộng nhưng thực chất là leo núi. Bởi ruộng ở Bản Tèn là ruộng bậc thang, bờ ruộng cũng là con đường duy nhất lên xóm của nhà Tô, xe máy không đi được. Mọi thứ từ sắn, ngô, rau quả… đều lên lưng người Mông mà về nhà.

Tô bảo với chúng tôi rằng, do nhiều năm nay thiếu đường nên cái nghèo còn ở lại với bà con người Mông. Nhà Tô không phải là hộ nghèo nhất bản. Mỗi vụ lúa thu về khoảng 5 tạ thóc và 2 tấn ngô. Bằng đấy thóc, ngô đến vụ người ăn không hết và còn dư thừa nuôi gia súc. Nhưng nếu muốn bán lấy tiền thì người sẽ không có cái để ăn. Vợ chồng Tô cũng đi chặt cây, làm thuê để kiếm tiền nuôi ba đứa con trai. Chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn, nên tiền đi làm thuê vợ chồng Tô lấy về chưa kịp đến nhà thì đã hết dọc đường vì trang trải nợ.

Cán bộ huyện Đồng Hỷ cùng người dân thôn Bản Tèn thăm đồng lúa vụ mùa. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ huyện Đồng Hỷ cùng người dân thôn Bản Tèn thăm đồng lúa vụ mùa. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi hỏi đùa: Tam nam bất phú Tô có đẻ thêm không? Anh cười đáp: “Cả mình nữa là bốn mà.” Giờ việc của vợ chồng anh là lo cho ba thằng con ăn học. Một thằng đang học dưới trường nội trú được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở nên không phải lo. Nhưng nhiều hôm thằng con lớn ấy về rồi đi mà chẳng thể kịp chạy vạy mua cho nó bánh xà phòng mang theo nên đẻ bằng thế đã thấy vất vả lắm rồi!

 Dù nghèo và khó khăn nhưng Tô vẫn quyết cho những đứa con của mình học được thật nhiều chữ. Để chúng không giống như Tô, như mẹ chúng (vợ Tô không biết chữ) ít chữ làm gì cũng khó, cái nghèo cũng từ đó mà ra.

Giúp Bản Tèn vượt nghèo, nhiều dự án đã được Nhà nước hỗ trợ bà con người Mông. Cán bộ leo mấy con dốc lên Bản Tèn nhiều lần cũng thành quen. Khi chuyện leo dốc lên Bản Tèn không khiến cán bộ thấy mỏi chân nữa thì dự án cũng dần vào được trong cái đầu của người dân bản.

Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường có hơn 20 năm gắn bó với nơi này. Từ ngày con đường nối liền từ trung tâm xã Hòa Bình đến trung tâm xã Văn Lăng là con đường đất lầy lội khó đi đến nay trở thành con đường nhựa, đường bê tông vào các thôn xóm, 4 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế tốt, điện đến được các xóm phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho bà con nhân dân. Gắn bó lâu ngày, nên các thôn, làng ở nơi đây thiếu gì và cần gì anh đều biết. 

Anh Ngô Văn Tô chăm sóc đàn bò của gia đình mình. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Ngô Văn Tô chăm sóc đàn bò của gia đình mình. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Hoàng Xuân Trường bảo rằng, khó nhất ở Văn Lăng là hộ nghèo còn cao. Người dân chủ yếu sinh sống bằng trồng lúa nương và ngô, nhưng đất canh tác ít, lại thiếu nguồn nước trầm trọng. Xã Văn Làng có hơn 6.000 nhân khẩu thì số lượng đồng bào người Mông chiếm 1/3 dân số.

Hỗ trợ bà con thoát nghèo, Nhà nước đã đưa nhiều chương trình dự án về Văn Lăng, trong đó đặc biệt là về Bản Tèn. Dự án của Nhà nước đã đến với xóm làng, vậy làm cách nào để dự án ở lại? Mối lo ấy cứ mãi luẩn quẩn trong đầu của Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường và chính quyền xã. Bởi khi người dân chưa nghe thì mang giống lúa đến làng sẽ nhận về cái lắc đầu vì giống lúa lạ không hợp với đất của người Mông. Mang con bò lai thì sẽ khó chăm sóc, mà mang con bò ta thì giống bé quá…

Bài liên quan

Muốn dân nghe thì phải hiểu người dân, phải ở lại với dân để dân biết mình thực lòng muốn cùng họ vun đắp cuộc sống. Bởi thế mà có lần Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng, Hoàng Xuân Trường đúng mùng một Tết, anh đến nhà dân vừa chúc Tết vừa mừng tuổi và vận động dân hiến đất làm đường, vận động người dân làm kinh tế. Dân nghe rồi thì cán bộ cũng vui mừng nâng chén rượu say cùng dân mừng xuân mới.

Từ những lần về với dân bản của Bí thư Trường và cán bộ xã Văn Lăng như thế, những giống đào, giống mận đã được mọc trên vườn đồi vươn mình nảy mầm cùng nắng xuân. Những con bò ta, hay bò lai và nhiều giống lợn, gia cầm… đã ở lại chuồng nhiều ngày, lớn lên đẻ ra những con giống mới thay vì bị người dân vội vàng làm thịt sớm. Đặc biệt thành công lớn nhất chính là việc đưa được những giống lúa mới có khả năng chống chịu hạn tốt mà vẫn đảm bảo năng suất. Nhờ đó mà những bờ ruộng thiếu nước xác xơ của những năm tháng trước nay được thay bằng giống lúa chống hạn tốt, năng suất cao hơn.

Tháng 10 là mùa đẹp nhất ở Bản Tèn. Những thửa ruộng bậc thang đang vào độ chín vàng óng ả, phảng phất hương lúa chín thơm nồng hòa vào mùi của đồng đất quê hương. Chị Long Thu Hằng, cán bộ địa chính nông, lâm nghiệp xã bảo với chúng tôi rằng, năm nay lúa được mùa, năng suất ước đạt khoảng 2 tạ/sào. Với con số này ở vùng đồng bằng, hay cánh đồng ở trung du nguồn nước dồi dào thì không quá cao. Nhưng với Bản Ten nơi chỉ canh tác bằng nước của trời và mạch ngầm ít ỏi trong hẻm núi thì là thành công lớn. Với năng suất này đến vụ giáp hạt nồi cơm của các gia đình không sợ thiếu gạo.

Xã Văn Lăng đang nỗ lực về đích nông thôn mới trong năm 2024. Ảnh: Đào Thanh.

Xã Văn Lăng đang nỗ lực về đích nông thôn mới trong năm 2024. Ảnh: Đào Thanh.

2.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần V-ginseng phải mất ba năm mới đưa được cây sâm Bố Chính bén rễ ở Bản Tèn. Bà con đồng ý trồng sâm theo chị, cũng bởi vì bà con thương chị quá, thấy cái bụng chị cũng thật thà như cái bụng của người Mông.

Trong một lần đi khảo sát đất trồng sâm, chị Hằng thấy rằng, chất đất núi đá ở Bản Tèn có mùn hữu cơ tự nhiên rất tốt và biên độ ngày đêm của thời tiết nơi đây cũng phù hợp với cây sâm bởi ngày nắng nóng bình thường nhưng đêm lạnh sâu, phù hợp để tạo ra củ sâm dược tính tốt. Nhưng điều khiến chị quyết tâm đưa cây sâm lên đây vì bà con nghèo quá, muốn đưa giống cây này để đồng hành giúp bà con thoát nghèo.

Ý tốt là thế nhưng triển khai đâu dễ. Bà con đâu biết chị có ý tốt. Mỗi lần chị đến nhà vận động, nhà thì thấy chị từ xa đã vội vàng đóng cửa, nhà không đóng cửa cũng chẳng thèm bắt lời với chị. Họ ngó lơ chị, cứ nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông. Bà con sợ nghe chị trồng sâm, sẽ chẳng có ngô làm mèn mén để ăn.

Không để cây sâm Bố Chính lỡ hẹn với Bản Tèn, cứ mười một giờ trưa một mình chị phóng xe lên Bản Tèn, có hôm chị ăn trưa trên xe. Chị muốn đi giờ này vì bà con mới không mải ở trên nương. Đối tượng đầu tiên chị tiếp cận là những thanh niên tiên tiến của thôn.

Cánh đồng trồng sâm Bố Chính ở Bản Tèn hứa hẹn giúp người Mông nơi đây thoát nghèo. 

Cánh đồng trồng sâm Bố Chính ở Bản Tèn hứa hẹn giúp người Mông nơi đây thoát nghèo. 

Mất một năm mải miết đi về như thế, đến năm thứ 2 sự chân thành của chị đã đi vào được cái đầu của bà con. Đã có 4 hộ đồng ý trồng sâm cho chị. Và 3ha sâm Bố Chính mọc lên bung nở đỏ rực cả một vùng núi đồi trùng điệp.

Đôi vợ chồng trẻ Lý Văn Bình và Vương Thị Tung là người đầu tiên ở Bản Tèn mủi lòng trước nhiệt huyết của chị Hằng. Nhưng để nghe chị hoàn toàn, vợ chồng Bình cần giải quyết được vấn đề cái ăn. Bởi quỹ đất canh tác ít, thiếu nguồn nước mà phải bỏ ra cả thung lũng rộng lớn để trồng sâm cho chị, sợ đến mùa không có ngô ăn. Chị cam kết nếu trồng sâm không đạt hiệu quả sẽ đền bù 16 triệu bằng cả lũng trồng ngô. Sau vài tháng trồng, thung lũng sâm Bố Chính của vợ chồng Bình đã xanh tốt, lứa đầu tiên bán hoa đã đủ số tiền 16 triệu mà một năm vất vả trồng ngô mới thu về đủ. Giờ thì vợ chồng Bình đã yên tâm cùng chị gắn bó với cây sâm Bố Chính.

Chị Hằng chia sẻ, khi những cánh đồng sâm Bố Chính rộng tới 3ha quyện chặt vào núi đồi ở Bản Tèn cũng là lúc chị và bà con dân bản thương nhau như người thân. Giờ chị đã là người con của Bản Tèn. Vì thế, vụ tới việc mở rộng diện tích lên 6ha chắc chắn cũng sẽ dễ như cái cách người đàn ông ở Bản Tèn biết nhảy điệu khèn Mông, người đàn bà ở Bản Tèn biết nhóm lò nổi lửa nấu nồi mèn mén.

3.

Hôm chúng tôi lên Bản Tèn, tiếng máy ủi, xe lu đường đang làm rầm rộ khắp các ngọn núi. Phó Trưởng thôn Bản Ten Ngô Văn Tô bảo rằng đường ấy đang được Nhà nước làm đi vòng quanh bản. Đường dài tới 3km. Mất gần năm trời những chiếc máy xúc, ô tô to bằng cả ngôi nhà rầm rộ từ dưới thành phố mang về để san lấp, vận chuyển. Để làm con đường ấy, mỗi nhà hiến một ít đất, có nhà mất cả một sào. Nhà các chú, các bác, các an

h của Tô đều hiến đất. Cũng có nhà còn mải tiếc nương keo, sân nhà… chưa thực sự đồng lòng.

Con đường vành đai bao quanh Bản Tèn đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đào Thanh.

Con đường vành đai bao quanh Bản Tèn đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đào Thanh.

Với những hộ chưa nghe, cán bộ xã đến nhà vận động mấy ngày mà cái đầu vẫn chưa thông. Cán bộ về rồi mà nhà Vương Văn Vứ, nhà Ngô Văn Páo vẫn ngần ngại chưa nghe, thì Trưởng thôn, Phó thôn lại đến tỷ tê: Đã mấy đời người già bạc tóc nối tiếp nhau về với ông bà tổ tiên mà cái nghèo vẫn còn ở lại với người Mông. Nếu không có con đường ấy, đời con đời cháu mình trở thành người già vẫn phải sống với cái nghèo. Mấy cây keo, cây ngô ấy còn thì gia đình nhà được hưởng một vài mùa. Nhưng con đường được mở thì con cháu người Mông ở Bản Tèn hưởng mấy đời không hết.

Những chén nước chè, chén rượu từ từ được rót ra, thì cái bụng của nhà Vứ, nhà Páo cũng đồng thuận cùng cái bụng của Trưởng thôn, Phó thôn. Phó thôn Ngô Văn Tô chia sẻ đầy hi vọng, con đường mới rộng thênh thang thay con đường bờ ruộng, dốc đá sẽ mang theo hi vọng giúp đẩy lùi cái đói nghèo vào sâu trong hẻm núi, mở ra mơ ước về những vườn cây ăn quả được dễ dàng tiêu thụ, đàn lợn, đàn bò xuống phố huyện dễ dàng hơn, như thế là hạnh phúc.

Tỷ lệ học sinh người Mông đến điểm trường Mầm non ngày một cao hơn. Ảnh: Đào Thanh.

Tỷ lệ học sinh người Mông đến điểm trường Mầm non ngày một cao hơn. Ảnh: Đào Thanh.

Bản Tèn nằm trên núi cao như vắt ngang lưng trời, đẹp tựa như cao nguyên xanh mát. Huyện Đồng Hỷ kỳ vọng, đầu tư xong con đường, vùng đất này sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa. Bởi nơi đây có cánh đồng ruộng bậc thang rộng tới 10ha. Mùa không cấy lúa thì trồng tam giác mạch. Bản Tèn có bãi đá nghiêng hùng vĩ, có văn hóa người Mông bản địa đặc sắc…

Chính quyền xã Văn Lăng đã tổ chức được mấy mùa lễ hội ở Bản Tèn, thu hút bao nhiêu trai gái bản làng bên và cả du khách ở dưới thành phố Thái Nguyên, du khách ở Hà Nội cũng chẳng ngại ù tai, mỏi mắt mà vượt những cung đường núi quanh co để lên ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của Bản Tèn.

Từ năm 2012 đến nay, Bản Tèn được Nhà nước đầu tư làm được khoảng 13km đường từ trung tâm xã Văn Lăng lên trung tâm thôn Bản Tèn được bê tông hóa. Nhưng đường đến các xóm nhỏ chưa có, muốn về nhà người dân phải đi bộ men con đường mòn ven núi hoặc bờ ruộng bậc thang.

Đầu năm 2023, Bản Tèn tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 1 tuyến đường bê tông mới, với chiều dài hơn 2km. Công trình có tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian dự kiến hoàn thành công trình là trong năm 2024.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.