| Hotline: 0983.970.780

Nan giải câu chuyện chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Thứ Hai 20/03/2023 , 10:00 (GMT+7)

Công tác cắm mốc, đo đạc, giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp ở Nghệ An quá chậm chạp, khiến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng bị trì hoãn liên hồi.

Empty

Diện tích rừng giao quản lý mông lung trên giấy khiến áp lực giữ rừng càng thêm đè nặng. Ảnh: Việt Khánh.

Rừng nằm trên giấy

Nhiều ý kiến tham luận được đưa ra mổ xẻ tại cuộc họp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Nghệ An.

Chiếm sóng nhất, được quan tâm nhất ắt hẳn là việc xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, chỉnh lý, thành lập bản đồ địa chính để tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng, vốn dĩ lâu nay vẫn luẩn quẩn trong cảnh… hữu danh vô thực.

Xoay quanh vấn đề này Sở TN-MT Nghệ An đã trình bày tham luận về “Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, giải pháp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng là tổ chức”, từ thực tiễn nêu ra thấy rằng còn lắm nút thắt đang bó chặt ngành lâm nghiệp Nghệ An, muốn tháo gỡ không hề giản đơn.

Như đã nói, Nghệ An có diện tích tự nhiên trên 1,6 triệu ha và đất lâm nghiệp gần 1,2 triệu ha, lớn nhất cả nước, phần nhiều do các chủ rừng là tổ chức quản lý, sử dụng (chiếm khoảng 70%).

Empty

Mang tiếng được giao, quản lý diện tích khổng lồ nhưng nhiều đơn vị chủ rừng phải mượn đất để dựng tạm cơ sở hoạt động. Ảnh: Quốc Toản.

Thế nhưng, một số địa phương, nông lâm, trường (trước khi chuyển đổi thành các Ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp), Tổng đội Thanh niên xung phong quán xuyến, sử dụng quỹ đất lâm nghiệp chưa tốt… dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn giữa các chủ rừng và người dân.

Nhiều nơi xảy ra khiếu kiện kéo dài, căng thẳng leo thang, thực trạng này khá phổ biến tại các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu.

Không xác định được rõ ràng mốc giới đồng nghĩa không có cơ sở để chứng thực tài sản, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thế khó tựa… lên trời. Vô cùng quan ngại khi chủ trương lớn dù ban hành đã lâu nhưng đến này công tác xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, chỉnh lý, thành lập bản đồ địa chính, giải quyết tranh chấp vẫn loay hoay như gà mắc tóc.

Ngoại trừ diễn biến tương đối khả quan của Công ty TNHH MTV lâm nông nghiệp Sông Hiếu, tiến độ chung cơ bản chậm như rùa bò. Đặt trong bối cảnh khốn khó, dễ hiểu khi tâm lý hoang mang, lo lắng đang bao trùm rộng khắp. 

Empty

Muôn vàn nút thắt chưa thể tháo gỡ, tựu chung ngành lâm nghiệp Nghệ An còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: Việt Khánh.

Muôn vàn nút thắt

Theo Sở TN-MT Nghệ An, công tác rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, xác định diện tích tiếp tục sử dụng và diện tích chuyển trả về địa phương kéo dài do quỹ đất thực hiện khá lớn.

Thứ nữa là quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường đã qua nhiều lần thay đổi Luật đất đai và các quy định, chính sách liên quan, thế nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành còn chậm, chưa đồng bộ. Tính ổn định của văn bản chưa cao, nhiều nội dung tại các Nghị định, Thông tư thường xuyên có sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện…

Tổng quan là vậy, khi tiến hành mổ xẻ, phân tích chi ly những nguyên do mới thấy rằng ngành lâm nghiệp Nghệ An còn rất nhiều việc phải làm. Nếu không sớm giải quyết được nút thắt, qua đó xác định rõ mốc giới, tài sản cho các đơn vị, tổ chức, e rằng nhiệm vụ “hóa rồng” còn rất xa vời.

Trên thực tế, các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An là các doanh nghiệp đặc thù, đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức (đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, ít vốn, vốn nằm trong vườn cây và rừng, chưa được xác định cụ thể, hoạt động có nhiều rủi ro do chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh; địa bàn hoạt động rộng nhưng chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giao thông, cơ sở hạ tầng thấp kém). Xuất phát từ đây thấy rằng các đơn vị không thể tự xoay xở, ngược lại phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước.

Khó khăn chất chồng một phần do yếu tố lịch sử để lại. Trước đây công tác bàn giao đất cho các nông, lâm trường không cụ thể, công tác đo đạc thiếu chính xác, việc xác định ranh giới trên thực địa chưa rõ ràng. Hồ sơ đất đai của các nông, lâm trường không được lập và lưu trữ đầy đủ, đây là nguyên nhân cơ bản kéo theo tình trạng giao đất chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm đất đai…

Từ thực trạng nêu trên, Sở TN-MT Nghệ An đã hiến kế nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn như sau:

Trước tiên là rà soát, điều chỉnh bổ sung một số cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất để tạo đà thực thi. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Nhà nước bảo đảm lực lượng và kinh phí để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Kế đó, phải đổi mới hoạt động của các Công ty lâm nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118 của Chính phủ. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, Tổng đội TNXP. Tiếp tục thu hồi đất từ các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp bàn giao cho UBND cấp xã, cấp huyện quản lý để giao lại cho hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất và thực hiện các dự án đầu tư khác.

Sau nữa là tập trung giải quyết các tranh chấp và xử lý các vướng mắc tồn tại về đất đai; hoàn thành việc cắm mốc ranh giới đất, đo đạc bản đồ địa chính của tất cả các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp theo thiết kế Kỹ thuật - Dự toán lập hồ sơ ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính đã được UBND tỉnh phê duyệt.

z3968604474655_63e03b83e93f0ddcd346caa53ad82d22

Để các chủ rừng phát huy hiệu quả, trước tiên tỉnh Nghệ An phải đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận quyền sử dụng đất vốn trì trệ suốt nhiều năm qua. Ảnh: Quốc Toản.

Một nội dung mang tính then chốt là nâng cao trách nhiệm là chủ thể quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Các chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả sử dụng toàn bộ quỹ đất được giao, phải tổ chức thực hiện tốt phương án sử dụng đất của đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt. Cũng như kịp thời rà soát việc giao khoán cho các hộ gia đình để khắc phục các tồn tại, vướng mắc, từ đó chấp hành tốt các quy định của nhà nước về công tác giao khoán.

Muốn làm được việc này, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng phải khẩn trương triển khai công tác đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP do 11 Ban quản lý rừng phòng hộ và Ban quản lý rừng đặc dụng đang quản lý, sử dụng.

Để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này ngoài sự cố gắng của các đơn vị liên quan, đòi hỏi phải bố trí đủ kinh phí mới mong cáng đáng nổi. Nút thắt này không dễ tháo gỡ, nhất là khi nguồn phân bổ cho công tác phát triển lâm nghiệp tại Nghệ An những năm qua không mấy dư dả.

Giai đoạn 2018 - 2019, Sở NN-PTNT Nghệ An đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng và tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến của Bộ NN-PTNT và HĐND tại kỳ họp thứ 9, khóa XVII. Tuy nhiên, đến nay kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại Nghệ An vẫn chưa được phê duyệt do vướng quy định của Luật Quy hoạch và Luật Lâm nghiệp.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.