Báo Nông nghiệp Việt Nam từng có loạt bài "Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt", "Đói làm sao giữ được rừng" phản ánh tình trạng người làm công tác bảo vệ rừng đang trong cảnh bi đát, tiến thoái lưỡng nan. Tình trạng hàng trăm cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng viết đơn nghỉ việc và "nguy cơ rừng không có người bảo vệ" đang hiện hữu nhiều nơi trong cả nước mà Nghệ An là điển hình của việc này. Mới vài năm lại nay, Nghệ An đã có 158 người bảo vệ rừng nghỉ việc, trong số đó có 120 người là bảo vệ chuyên trách.
Là tỉnh có diện tích rừng báo cáo rất lớn, gần cả triệu ha. Song chính sách và cách vận hành cả vĩ mô đến vi mô đang đặt ra bài toán khó có lời giải thỏa đáng. Rừng vẫn mất, người vẫn nghỉ việc, trong khi các chính sách cho người giữ rừng vẫn đang trong vòng xoáy những tiếng kêu than.
Báo Nghệ An, cơ quan Đảng bộ tỉnh Nghệ An vừa có bài viết "Nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt" của tác giả Nhật Lân phản ánh thực trạng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương - đơn vị gần đây có 12/33 bảo vệ rừng chuyên trách viết đơn xin nghỉ việc.
Về nguyên nhân dẫn đến người bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc, bỏ việc chuyển nghề khác, theo lãnh đạo BQLRPH Thanh Chương, là vì chế độ tiền lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, công việc hết sức vất vả, nguy hiểm, nhưng lại thiếu sự chia sẻ, động viên khi xảy ra sơ suất trong công tác bảo vệ rừng.
Cụ thể, vì hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách không thuộc biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước nên chế độ tiền lương chỉ dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên do ngân sách Nhà nước phân bổ. Ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, giai đoạn từ năm 2016-2021, đơn giá hỗ trợ chỉ 100.000 đồng/ha/năm, do đó, không đủ kinh phí chi trả theo định mức tiền lương hàng tháng cho người lao động. Thu nhập bình quân của người bảo vệ rừng chuyên trách chỉ ở mức 4,5 - 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Một điều đáng phải nói ra thêm là trong nhiều năm qua, nguồn kinh phí bảo vệ rừng do ngân sách cấp rất chậm, từ khoảng tháng 6 đến tháng 11 thì mới được phân bổ. Vì vậy, người bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên chịu cảnh hơn nửa năm (từ tháng 7 đến tháng 11) không có nguồn thu nhập, nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đời sống người bảo vệ rừng chuyên trách vốn dĩ khó khăn, vì thế mà thêm chồng chất khó khăn.
Sáng 8/12, tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Nghệ An, Đại biểu đưa ra vấn đề này ra kỳ họp, đề nghị tỉnh có phương án quan tâm đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách bởi công việc chuyên môn khó khăn, vất vả, chế độ thấp chưa đủ chi trả, khó thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chưa đảm bảo, cao nhất là 400.000 đồng/ha/năm, thấp nhất là 100.000 đồng/ha/năm.
Cũng theo ông Đệ, do không có chính sách cho lực lượng này, UBND tỉnh đã xin cơ chế đặc thù cho Nghệ An và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho áp dụng mức kinh phí bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, kinh phí này vẫn không đáp ứng được nhu cầu và thường chi trả chậm nên không đảm bảo được cuộc sống cho lực lượng này.
Để sớm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho phép xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Cuối tháng 11/2022, tỉnh Nghệ An mới được Trung ương bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 với số tiền hơn 54 tỷ đồng, mức này rất ít ỏi so với tổng diện tích rừng hiện có.
Lúc này các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong trên địa bàn được giao trách nhiệm quản lý hơn 318.000 ha rừng, trong đó lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách quán xuyến đến 131.000 ha.
Công việc áp lực đè nặng, đồng thu nhập không tương xứng đã dẫn đến tình cảnh “chảy máu” nhân lực trầm trọng. Từ năm 2016 đến nay toàn ngành lâm nghiệp Nghệ An có 158 trường hợp nghỉ việc, bỏ việc, riêng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chiếm phần đa…