| Hotline: 0983.970.780

Chỉ thị 13-CT/TW lan tỏa ở nơi có diện tích rừng lớn nhất nước

Thứ Tư 15/03/2023 , 15:00 (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, an ninh rừng trên địa bàn Nghệ An chuyển biến toàn diện, tình trạng vi phạm lâm luật giảm mạnh, vốn rừng được phát huy.

Empty

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá tổng quan hiệu quả thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn. Ảnh: Việt Khánh.

Số vụ vi phạm lâm luật giảm mạnh

Ngày 15/3, tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36%, trữ lượng gỗ hiện có khoảng 91 triệu m3, trên 1,94 tỷ cây tre. Những yếu tố trên cho thấy, việc áp dụng, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư là phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. 

“Chúng ta đã triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW một cách bài bản, đồng bộ, đúng quy định. Sau 5 năm nhận thức về quản lý bảo vệ rừng trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đã có chuyển biến sâu sắc”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định.

Với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Chỉ thị 13-CT/TW, UBND tỉnh Nghệ An đã ban Kế hoạch số 741 ngày 08/12/2017 xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chính, đồng thời chia ra 32 nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực, qua đó phân công cho các Sở, ngành, các đơn vị liên quan. Nhập cuộc với quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, Nghệ An đã có cho mình thành quả ngọt ngào.

Qua kiểm đếm, diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng và độ che phủ rừng trên địa bàn Nghệ An gia tăng không ngừng. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36%, tăng 1,2% so với trước khi ban hành Chỉ thị 13. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển. Các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp từng bước được quan tâm và hoàn thiện.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Nghệ An tăng mạnh qua từng năm, trong đó, năm 2017 đạt 127 triệu USD, 2018 đạt 158 triệu USD,  2019 đạt 149 triệu USD, 2020 đạt trên 145 triệu USD, 2021 đạt 184 triệu USD và năm 2022 đạt 344 triệu USD.

Empty

Số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2022 giảm mạnh so với trước đó. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, từ chỗ chưa có bất kỳ diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đến nay Nghệ An đã có trên 15.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đồng nghĩa giá trị rừng đã được công nhận.

Thay đổi không đến ngẫu nhiên, ngược lại nhờ vào chiến lược bài bản và dài hơi. Lâm nghiệp Nghệ An không thể “hóa rồng” nếu thiếu các chính sách phù hợp, do đó đòi hỏi phải bám sát, cập nhật thường xuyên, liên tục và triển khai kịp thời các quy định mới như: Luật Lâm nghiệp năm 2017, các Nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo, các chương trình, đề án của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ được ban hành để quy định, hướng dẫn rõ hơn trong quá trình thực hiện…

Nhờ vậy, trong phạm vi của tỉnh, hàng năm các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của ngành sớm được giao để các đơn vị, tổ chức, nhân dân có cơ sở triển khai hiệu quả, đúng trọng tâm, định hướng.

Trung ương, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-CN, công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp, từ chọn, tạo giống cây trồng, thâm canh rừng, khai thác đến vận chuyển, chế biến lâm sản… cơ bản đều được nâng tầm lên một bước.

Điểm nhấn lớn nhất khi Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021, đây là 1 trong 3 khu lâm nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Đổi thay toàn diện chỉ sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW tức thì tạo nên diện mạo tưới tắn cho ngành lâm nghiệp Nghệ An. Cộng đồng làng bản, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp... được hưởng lợi vốn rừng đã góp phần giảm tải áp lực quản lý, bảo vệ rừng cho các chủ rừng và cơ quan chuyên môn, nhờ đó diễn biến an ninh rừng ngày càng ổn định, số vụ vi phạm lâm luật giảm mạnh trông thấy.

Theo số liệu thống kê, 5 năm qua các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng cộng 4.673 vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng. Xử lý vi phạm hành chính 4.594 vụ, xử lý hình sự 79 vụ, truy tố xét xử 90 bị can, tịch thu hơn 6.033 m3 gỗ các loại cùng 1.713 con động vật. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 38 tỷ đồng.

Giai đoạn 2017-2022, bình quân toàn tỉnh chỉ xảy ra 778 vụ/năm, giảm hơn 325 vụ/năm (giảm 30%) so với giai đoạn 2011- 2016, con số thực sự ấn tượng, cho thấy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Nghệ An đang đi đúng hướng.

Empty

Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, Phùng Thành Vinh chia sẻ, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tại Nghệ An quan tâm, chủ rừng và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ảnh: Quốc Toản.

Tập trung khắc phục tồn tại, yếu kém

Kết quả tích cực là điều không thể phủ nhận, dù vậy nếu đánh giá khách quan thấy rằng, ngành lâm nghiệp Nghệ An còn tồn tại không ít những hạn chế, yếu kém mang tính căn cơ.

Nhiều đại biểu, chuyên gia tham gia Hội nghị chỉ rõ: Giá trị, nguồn vốn, chính sách đầu tư cho lâm nghiệp của Nghệ An còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra; tiến độ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, cắm mốc ranh giới giữa các loại rừng, giữa các chủ rừng còn chậm, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, các địa phương miền núi nhiều rừng nhưng thiếu đất sản xuất, đời sống của lực lượng lâm nghiệp còn bèo bọt…

Với diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp rất lớn, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các bên liên quan phải xem việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là một lợi thế, từ đó phải luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng phát huy nhiệm vụ chuyên môn. Phải xác định bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập lại góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

Empty

Bước vào giai đoạn mới, những người giữ rừng cần được đảm bảo chế độ tương xứng để yên tâm gắn bó với công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, để gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Song song với đó, cần triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025

Có phương án rà soát các quy hoạch, đề án có ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp, đề xuất điều chỉnh những nội dung quy hoạch, đề án không hợp lý. Đánh giá chặt chẽ các tác động của các dự án phát triển kinh tế, xã hội đến tài nguyên rừng, qua đó đề xuất những các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Sau nữa là tập trung xây dựng và phát triển Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo, xứng đáng với niềm tin Chính phủ và Trung ương đã giao phó.

Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Phùng Thành Vinh chia sẻ: “Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng, các nội dung của Chỉ thị đã được triển khai, thực hiện xuyên suốt, được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chủ rừng và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tất cả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn”.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn

Tỉnh Lâm Đồng phát động ‘Tết trồng cây’ trồng 2.750 cây xanh dọc tuyến đèo Prenn, nhằm thực hiện đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Để lực lượng kiểm lâm ngày một tinh nhuệ

Kỷ niệm 51 năm thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2024), ông Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã đã có những chia sẻ tâm huyết về nghề.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.