| Hotline: 0983.970.780

Nạn săn bắt chim yến có nguyên nhân lớn từ hoạt động phóng sinh

Thứ Năm 27/07/2023 , 20:01 (GMT+7)

Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nạn săn bắt chim yến có nguyên nhân lớn từ hoạt động phóng sinh.

Lưới tàng hình giăng bẫy chim hoang dã, chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Lưới tàng hình giăng bẫy chim hoang dã, chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh về việc đàn chim yến suy giảm, trong đó có nguyên nhân từ việc săn bắt chim chim yến bằng lưới, bẫy.

Cần thay đổi hoạt động phóng sinh

Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam khẳng định: Hiện việc săn bắt chim không còn là hình thức vui chơi giải trí. Việc bẫy chim bằng lưới tàng hình hiện đa số là những người hành nghề chuyên nghiệp, thậm chí có một làng nghề chuyên bẫy chim. Điển hình như ở thị trấn La Gi (Bình Thuận) từ nhiều năm trước ngoài việc đi biển, người dân nơi đây còn hành nghề bẫy chim để kiếm sống.

Bài liên quan

Vậy mục đích việc săn bắt chim yến để làm gì? Theo ông Phạm Duy Khiêm, họ bẫy để cung cấp cho nhu cầu phóng sinh cần với số lượng lớn từ hàng chục, hàng trăm cho đến hàng ngàn con. Khi cần số lượng chim lớn như vậy, chỉ có những người bẫy chim chuyên nghiệp mới làm được hoặc huy động nhiều người, thậm chí cả xóm, cả làng để săn bắt trong thời gian vài ngày.

“Những con chim bị bắt với số lượng vài ngàn con, bị nhốt 5-7 ngày cho đến khi bán phóng sinh sẽ không còn sức để sống. Khi thả chúng sẽ bay một đoạn rồi rớt xuống đất chết do đó chúng sẽ mất nước, mất sức và suy kiệt cơ thể.

Chim hoang dã vốn quen với tự do nên khi bị nhốt trong lồng chật hẹp sẽ không còn sự trao đổi chất, uống nước từ không khí khi bay lượn. Nhất là loài chim yến không thể đậu như chim bình thường mà phải treo mình mới là tư thế đúng của chúng. Ngoài ra, khi bị bắt và gỡ lưới chim có thể bị tổn thương như gãy cánh, chân", ông Khiêm chia sẻ.

Do đó, những người thực hiện công việc phóng sinh hiện không còn vô tình nữa mà là cố ý tiếp tay cho những người săn bắt chim vi phạm pháp luật. Bởi chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều về việc săn bắt chim yến từ khi Nghị định 13/2020/NĐ-CP ra đời.

Bài liên quan

Bên cạnh chuyện phóng sinh, chim yến bị săn bắt còn để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn với số lượng lớn. Trước đây, chủ yếu là chim sẻ nhưng hiện chim sẻ ngày càng khan hiếm nên chim yến bị bắt rồi trá hình là chim sẻ.

Với thủ đoạn vặt hết lông, cắt chân chim yến trước khi đưa vào các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ. Vì vậy, người mua cũng như người tiêu thụ sẽ không thể biết được đâu là chim gì.

Ngoài ra, vấn nạn săn bẫy chim phát triển mạnh cũng có phần nguyên nhân của sự thờ ơ của đa số người dân và có cả những chủ nhà yến. Thực tế tại Phú Yên từng xảy ra vụ giăng lưới bẫy chim ngay tại gần nhà dẫn dụ chim yến, song chủ nhà yến lại không nói năng gì.

Đến khi ban bảo vệ chim yến phát hiện hỏi chủ nhà yến người này cho rằng: Chưa chắc chim bị dính lưới là chim của mình vì chúng đã đi ăn xa. Với tư duy, lối suy nghĩ như vậy làm sao vấn nạn săn bắt chim hoang dã nói chung, chim yến nói riêng thuyên giảm.

Chim bị bắt vặt lông, cắt chân trá hình chim sẻ trước khi đưa vào nhà hàng, quán ăn tiêu thụ. Ảnh: KS.

Chim bị bắt vặt lông, cắt chân trá hình chim sẻ trước khi đưa vào nhà hàng, quán ăn tiêu thụ. Ảnh: KS.

Ngành yến của nước ta đặt kế hoạch đến năm 2030, sản lượng tổ yến sẽ tăng lên 350 - 400 tấn, giá trị tương đương hơn 1 tỷ USD. Để đạt mục tiêu trên, ông Phạm Duy Khiêm cho rằng, chúng ta phải làm tốt khâu đầu vào để có đầu ra mong muốn, tức là phải bảo tồn, phát triển đàn chim yến rất quan trọng và cấp bách.

Trong đó phải xử lý tận gốc rễ về việc tiếp tay săn bắt chim hoang dã nói chung, chim yến nói riêng vì có cầu ắt sẽ có cung. Nghĩa là, chúng ta cần chấn chỉnh việc phóng sinh tại các chùa theo đúng ý nghĩa phóng sinh, cùng với đó xử lý các nhà hàng, quán nhậu có kinh doanh thịt chim các loại.

Cũng theo ông Phạm Duy Khiêm, thời gian qua, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh trong việc ngừng ngay việc mua chim yến và các loại chim khác làm lễ phóng sinh không đúng ý nghĩa và vi phạm pháp luật.

Cần ngăn chặn tận gốc rễ

Ông cũng mong rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra các nhà hàng, quán nhậu có kinh doanh tất cả các loại chim sai quy định pháp luật để xử lý nghiêm.

Ngay cả những nhà hàng, quán ăn không có trong thực đơn nhưng khi kiểm tra các tủ lạnh cấp đông có thịt chim sẻ và thịt chim khác cũng phải xử lý chứ không để thả nổi. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn triệt để nạn bẫy chim đang gây nhức nhối.

Lưới được giăng bẫy gần nhà yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: DK.

Lưới được giăng bẫy gần nhà yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: DK.

Ngoài những việc cấp bách cần vào cuộc ngay ở trên, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam đề xuất các địa phương cần tập trung 3 vấn đề để bảo tồn, phát triển đàn chim yến.

Một là, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp hạn chế lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV. Từ đó, phần nào tạo nguồn thức ăn (côn trùng) đều ở các địa phương, khi đó chim yến sẽ không còn dịch chuyển vùng khi thiếu thức ăn.

Hai là, khi nhận tin bẫy chim hoang dã, chim yến từ người dân hay tổ, đội bảo vệ chim, lực lượng công an, kiểm lâm cần có sự phối hợp chặt sẽ để xử lý. Bởi các tổ bảo vệ chim yến, hoang dã không có chức năng thu giữ tang vật hay xử lý người vi phạm pháp luật khi săn bẫy chim yến.

Ba là, căn cứ các Nghị định 13, 14, các Chỉ thị 04, 29 và công điện 595 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các tổ, đội bảo vệ chim hoang dã, chim yến chính quy được nhà nước công nhận để họ làm tốt hơn trách nhiệm của mình.

Chứ hiện nay, các tổ, đội bảo vệ chim này hoàn toàn tự thu tự chi, không có nguồn chính sách gì cả. Trong khi đó việc vận động các nhà yến góp quỹ không thấm vào đâu khi việc này phải hoạt động trường kỳ.

Hiện nay việc bẫy chim hoang dã, chim yến là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: KS.

Hiện nay việc bẫy chim hoang dã, chim yến là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: KS.

Bốn là, khi thụ lý vụ việc vi phạm, cơ quan chức năng phải ra quyết định xử phạt đúng theo quy định, nhất là UBND các cấp.

Cùng với đó sắp tới luật nên bổ sung cho cấp xã, phường có chế tài xử phạt dưới 5 triệu khi vi phạm bẫy bắt chim yến. Có như vậy, mới có thể đẩy lùi nhanh vấn nạn săn bẫy chim, góp phần bảo tồn và phát triển đàn chim yến một cách bền vững.

Ngày 30/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép…

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.