| Hotline: 0983.970.780

Báo động suy giảm đàn chim yến

Thứ Tư 12/07/2023 , 09:26 (GMT+7)

Nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng bão hòa nuôi chim yến và suy giảm đàn do nguồn thức ăn hạn hẹp và nạn bẫy chim tràn lan.

Một nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Một nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Đàn chim yến, tổ yến suy giảm

Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, hiện nghề dẫn dụ chim yến của nước ta tập trung trên 42 tỉnh, thành. Trong đó, nhiều tỉnh có nhà yến lớn như Kiên Giang 3.000 nhà, An Giang 2.000 nhà, Đồng Nai gần 1.500 nhà.

Bên cạnh đó, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đăk Lăk, Gia Lai là những địa phương phát triển sớm về dẫn dụ chim yến và hiện nay có sản lượng phát triển đáng kể.

Đặc biệt, thời gian gần đây các địa phương như: Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lận cận giáp biên giới với Campuchia cũng phát triển nuôi chim yến rất mạnh. Nhưng có những địa phương đang rơi vào tình trạng "bão hòa" nguồn chim, cũng như chậm phát triển đàn do nguồn thức ăn hạn hẹp và nạn bẫy chim yến tràn lan.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 24.000 nhà yến, với sản lượng thu hoạch khoảng 120 tấn tổ yến. Qua theo dõi những năm trước, đàn chim yến cũng như sản lượng, chất lượng tổ yến năm nay có phần giảm. Trong đó, số lượng đàn chim yến giảm mạnh hiện ở các tỉnh có đô thị hóa cao, dọc vùng ven biển từ Bình Thuận đến Đà Nẵng.

Nhiều nơi người dân dùng lưới tàng hình để bẫy chim yến và chim hoang dã. Ảnh: KS.

Nhiều nơi người dân dùng lưới tàng hình để bẫy chim yến và chim hoang dã. Ảnh: KS.

“Việc đô thị hóa dẫn tới vùng thức ăn co hẹp lại, chim yến phải bay đi kiếm ăn rất xa. Có một thí nghiệm theo dõi, chim yến ở tỉnh Khánh Hòa phải bay tận vào tỉnh Đồng Nai để kiếm ăn, sáng bay đi tối bay về.

Với quãng đường bay dài như vậy, lượng thức ăn dự trữ mang về cho chim non sẽ không còn, dẫn đến khi chim non biết bay đa số chúng sẽ chọn di cứ tới vùng đất khác có vùng thức ăn trù phú.  Do đó, những vùng đầm lầy, ao hồ, kênh rạch, sông suối hay những vùng trồng cây thu hút côn trùng nhiều là nơi yêu thích của chim yến kiếm thức ăn và sinh sống”, ông Khiêm chia sẻ.

Một nguyên nhân khác cũng là yếu tố lớn gây ra việc giảm đàn chim yến đáng kể tại nhiều tỉnh miền Trung bởi nạn săn bắt chim yến và chim hoang dã. Họ dùng những tấm lưới tàng hình giăng bẫy trên các cánh đồng và những nơi đàn chim yến kiếm ăn.

Cũng theo ông Phạm Duy Khiêm, tại một số tỉnh có nạn bẫy chim yến, chim hoang dã nhiều nhất như: La Gi (Bình thuận), Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk, Phú Yên... Còn với các tỉnh thành còn lại cũng bẫy chim song tình trạng nhẹ hơn.

Rất nhiều chim hoang dã bị bẫy dính từ lưới tàng hình. Ảnh: KS.

Rất nhiều chim hoang dã bị bẫy dính từ lưới tàng hình. Ảnh: KS.

Cần kiên quyết xử phạt nạn săn chim yến

Theo Hội Yến sào Phú Yên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 8 vụ giăng lưới bẫy bắt chim yến và chim hoang dã, nóng nhất tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa.

Trong đó, 2 vụ xảy ra tại xã Hòa An (Phú Hòa) đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, đối tượng vị phạm đã bị lập biên bản, tịch thu tang vật gồm xe máy, hơn 600m lưới tàng hình và nhiều dụng cụ khác nhằm thực hiện hành vi giăng bẫy chim yến và tận diệt tất cả loại chim khác khi mắc lưới.

Liên quan vấn đề săn chim yến, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho rằng, cần phải xử lý triệt để, các địa phương cấp xã, phường phải có chế tài xử phạt nghiêm người vi phạm. Không để tình trạng dân khi đến cơ quan chính quyền báo tin giăng lưới bẫy chim thì mọi việc đã xong từ hồi nào.

Mặt khác, việc giăng bẫy và tận diệt chim yến, chim hoang dã bằng lưới tàng hình cần được các địa phương tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức được việc làm sai trái này. Bởi hiện nay nhiều người dân vẫn quan niệm “chim trời, cá nước" giăng bẫy có sao đâu.

Cơ quan chức năng lập biên bản, tịch thu tang vật vụ bẫy chim yến tại huyện Phú Hòa. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng lập biên bản, tịch thu tang vật vụ bẫy chim yến tại huyện Phú Hòa. Ảnh: KS.

Được biết, ngày 30/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép…

Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, trước những hành động mang tính tận diệt của những người gọi là kế mưu sinh, đã tạo nguy cơ suy giảm đàn chim yến tại một số địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát triển các loài động vật quý hiếm được thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.

Chim yến là loài không phải nơi đâu cũng có, chúng ta không thể nuôi và giam cầm chúng được. Mặc dù chim yến rất trung thành với những nơi chúng sống và ban cho đời những vật phẩm quý giá. Song chúng cũng rất nhạy cảm với môi trường sống xung quanh và nhanh chóng rời xa ở những nơi nguy hiểm.

Vì vậy, chúng ta hãy chung tay chăm sóc và bảo vệ, trân quý chim yến để con cháu mai sau mãi mãi được thưởng thức mùi vị và giá trị dinh dưỡng của tổ yến được ví như thần dược.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.