| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị cá ngừ

Thứ Hai 15/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ được tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên)./ Để cá ngừ vươn xa

Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng lãnh đạo 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và gần 100 đại diện các doanh nghiệp, ngư dân 3 tỉnh trên.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham gia nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ trên thị trường quốc tế, nhất là Nhật Bản.

10-40-16_1
Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị

Ngư dân chưa tuân thủ

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cả nước có khoảng 3.600 tàu khai thác cá ngừ, sản lượng khai thác từ năm 2012 đến nay giữ ổn định ở mức 16.000 tấn/năm.

Mặc dù nghề khai thác cá ngừ đã có bước phát triển trông thấy trong những năm gần đây, tuy nhiên, vẫn bộc lộ một số bất cập. Đó là tàu khai thác của ngư dân đa số còn quá nhỏ, công nghệ khai thác và bảo quản lạc hậu, tổ chức SX lỏng lẻo, công tác thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ yếu…

Để thúc đẩy khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ phát triển ổn định, đồng bộ theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đã ban hành đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Kết quả ban đầu cho thấy, đề án này đã giúp sản phẩm cá ngừ đạt tiêu chuẩn của ngư dân tiếp cận được với thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, hướng đi này thiếu sự đồng bộ và chỉ mới tập trung thí điểm ở một số DN được địa phương đề xuất chứ chưa mở rộng.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc thí điểm đề án đã giúp Bình Định đào tạo nguồn nhân lực phù hợp thông qua việc cử cán bộ sang Nhật học hỏi. Một số tàu cá tại Bình Định đã chuyển mô hình mới, phù hợp với quy trình bảo quản của Nhật.

“Việc thay đổi mô hình này đã giúp Bình Định xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên và tổ chức đấu giá ngay tại Nhật Bản, với mức giá bình quân 1.198 yên/kg. Tuy nhiên, chất lượng cá khai thác vẫn còn khiêm tốn. Theo kết quả kiểm tra của đối tác Nhật Bản ngay tại Bình Định thì chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu chỉ đạt 25%”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, nguyên nhân chính là do kỹ thuật khai thác của ngư dân còn thấp, do ngư dân quen cách làm thủ công và tâm lý sợ mất cá nên không dùng máy thu câu đúng theo kỹ thuật Nhật Bản. Ngoài ra, kỹ thuật xử lý và bảo quản cá như chọc tiết, xả máu, chọc não, đâm tủy… của ngư dân chưa đạt yêu cầu.

Đại diện DN, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Cty CP Thủy sản Bình Định, đơn vị có mẻ cá ngừ đầu tiên đi Nhật, cho biết thêm, chất lượng cá còn kém là do ngư dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thậm chí có tàu không thực hiện, đá lạnh ướp cá quá kém chất lượng.

Theo bà Lan, một số chủ tàu còn tư tưởng ngại khó, không muốn thay đổi phương thức SX, xem nhẹ cam kết của mình khi tham gia vào dự án.

“Cần đánh giá lại mặt ưu, khuyết của công nghệ để hoàn thiện đầy đủ; phải đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật quy trình khai thác, bảo quản một cách thuần thục cho thuyền viên thì mới hy vọng nâng cao hiệu quả việc khai thác, xuất khẩu cá ngừ”, bà Lan bộc bạch.

Hỗ trợ trang thiết bị mới

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp tổ chức khai thác và xuất khẩu cá ngừ để đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, một số đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà nghề khai thác cá ngừ và công tác xuất khẩu gặp khó khăn, nhất là về ngư trường, chất lượng không đảm bảo, giá cả bấp bênh, công nghệ lạc hậu… do đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Đào Tấn Lộc, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được tốt hơn.

Bộ NN-PTNT cũng cần tập huấn kỹ thuật, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến… để ngư dân áp dụng, và chọn những đối tác nước ngoài giới thiệu để các tỉnh liên kết làm ăn.

10-40-16_2
Kiểm định cá ngừ tại Cty CP Thủy sản Bình Định trước khi XK sang Nhật

Bộ NN-PTNT sớm ban hành một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng cá, đá lạnh dùng ướp cá, kỹ thuật khai thác, và điều cần trước mắt là nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi…

“Để đạt được chất lượng mong đợi thì phải hỗ trợ ngư dân áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong khai thác như thiết bị thu câu, phương tiện bảo quản, thiết bị xung điện, chất lượng đá ướp cá…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong thời gian qua, một số chính sách liên quan đến phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đã được ban hành và triển khai thực hiện rất tốt.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh tiếp tục nắm bắt sâu sát hơn về yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường Nhật Bản để xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng về cá ngừ và hướng dẫn, tập huấn cho ngư dân.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân sử dụng một số trang thiết bị mới như máy thu câu, xung điện, đá đạt chất lượng, cách bảo quản, vận chuyển… nhằm đảm bảo chất lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, kinh phí hỗ trợ cho ngư dân mua thiết bị có thể áp dụng theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngư dân có thể vay vốn mua thiết bị với lãi suất 0% trong 2 năm đầu tiên và những năm tiếp theo là 5%.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh sớm tổ chức tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.

Các tỉnh tiếp tục vận động, hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân thực hiện tốt đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các tỉnh tăng cường công tác điều tra, dự báo ngư trường, cơ cấu lại ngành nghề cho phù hợp, hướng dẫn đóng mới, cải hoán tàu cá và chuẩn bị kỹ các phương án để xây dựng một số cảng cá đạt tiêu chuẩn, trước mắt ưu tiên cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa mỗi tỉnh đầu tư xây dựng một cảng cá.

Với đề nghị thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, Bộ NN-PTNT thống nhất và cử Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng đề nghị 3 phó chủ tịch UBND 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa tham gia.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất