Chiều 10/6, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT về tình hình xuất khẩu sau quả 5 tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm ước đạt 1.77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 63,2%, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Các đơn vị tham gia cuộc họp đều đánh giá xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang thuận lợi, đa số các mặt hàng đều có kim ngạch vượt xa cùng kỳ 2020, thậm chí xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái.
Ví dụ như mít, 5 tháng qua xuất được hơn 300.000 tấn, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt khoảng 92% của cả năm ngoái. Với quả dưa hấu, tổng lượng xuất 5 tháng đầu năm 2021 là hơn 290.000 tấn, gấp 1,27 lần so với cả năm 2020.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng thuận lợi đa số rơi vào các mặt hàng truyền thống, đã được cấp phép xuất khẩu chính thức. Đối với các mặt hàng mới như ớt, khoai lang tím… để có được kim ngạch tốt, chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các biện pháp kỹ thuật và thương mại.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, với khoai lang vướng mắc chỉ xảy ra với giống khoai lang tím Nhật, trồng tập trung ở Vĩnh Long với diện tích chiếm khoảng 90% của cả nước.
Theo ông Cường, đây là mặt hàng không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước nên chỉ dành để xuất khẩu nhưng đa số bà con bán hàng tự phát, không có hợp đồng trước mà cứ trồng, thu hoạch rồi chờ thương lái đến mua.
Bên cạnh đó, với bệnh bọ hà đang gây nhức nhối trên giống khoai này, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng vấn đề nằm ở giống chứ không phải canh tác. Ông đề xuất, các cơ quan chức năng của Bộ cần vào cuộc để giải quyết dứt điểm vướng mắc này để xuất khẩu thuận lợi hơn.
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết đã cử cán bộ xuống các điểm sản xuất ở Vĩnh Long, hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh, cách đóng gói sản phẩm sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.
Với mặt hàng ớt, để có căn cứ xây dựng báo cáo kỹ thuật, Cục BVTV đã triển khai thực hiện ngay việc nghiên cứu liều xử lý sau khi nhận được thông báo của phía Trung QUốc, cùng với đó là đánh giá lại các loại sâu bệnh đi theo hàng hóa. Những tài liệu này sẽ sớm được hoàn thiện để gửi cho phía bạn đánh giá nhằm thúc đẩy cho xuất khẩu trở lại mặt hàng này.
Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cũng cho rằng chính quyền địa phương cần khuyến cáo bà con chuyển sang sản xuất có kế hoạch, xuất khẩu cần có hợp đồng trước chứ không được tự phát như hiện nay. Bên cạnh đó, để tránh ùn ứ, dư thừa nông sản các địa phương cần nghiên cứu phương án rải vụ cho các loại quả như xoài, thanh long.
Nhận định về khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam với các nước trong khu vực, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad cho rằng, các sản phẩm của chúng ta đang yếu về mẫu mã, bao bì cần phải cải thiện sớm.
Kết luận buổi làm việc, ngoài nhất trí với các ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các đơn vị chuyên môn cần đưa ra biện pháp cụ thể, cả về kỹ thuật lẫn thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị xuất khẩu cho mặt hàng rau quả đi Trung Quốc, vì đây là thị trường lớn.
"Ngoài chỉ đạo sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, cải thiện mẫu mã, các đơn vị có thể kết nối với Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng như Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các nông sản mới xuất khẩu sang thị trường này", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất các đơn vị xem xét việc tổ chức hội thảo trực tuyến với các địa phương có các nông sản đang gặp khó trong xuất khẩu để phối hợp bàn cách tháo gỡ.