| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn, thương tích trên tàu cá cho ngư dân

Thứ Ba 29/03/2022 , 10:11 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Trong những năm trở lại đây tình hình tai nạn tàu cá có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do sự chủ quan của ngư dân khi sinh hoạt trên tàu.

Tàu cá của ngư dân xã Gio Việt, huyện Gio Linh bị hư hỏng do chập điện. Ảnh: Văn Dũng.

Tàu cá của ngư dân xã Gio Việt, huyện Gio Linh bị hư hỏng do chập điện. Ảnh: Văn Dũng.

Vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại chuyện cũ, ngư dân Đoạn Văn Dũng (xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) thuyền trưởng tàu cá QT 90999TS kể, trong khi đang khai thác bằng nghề lưới vây tại khu vực Hoàng Sa, cách bờ hơn 130 hải lý thì tàu cá của anh bất ngờ bị hỏng máy. Sau gần 1 ngày 1 đêm trôi dạt trên biển, may mắn tàu cá của anh đã được tàu cá QT 92819TS do ông Nguyễn Văn Trọng làm thuyền trưởng ứng cứu, hỗ trợ thu lưới và lai dắt về bờ.

Theo anh Dũng, do vùng biển tàu cá của anh bị hỏng máy có độ sâu quá lớn nên không thả neo được, phao dù cũng bị đứt do trọng lượng của vàng lưới vây và tàu cá quá lớn. Nếu không được cứu hộ kịp thời thì không những buộc phải chặt bỏ vàng lưới vây trị giá nhiều tỉ đồng mà còn có nguy cơ chìm tàu.

Tương tự là tai nạn của tàu cá QT 95979TS do anh Bùi Khánh Duy làm thuyền trưởng khi đang khai thác thủy sản trên biển thì bất ngờ bị gãy trục láp, trôi dạt trong khi thời tiết xấu, tàu có nguy cơ bị chìm đe dọa tính mạng của các ngư dân. Rất may là sau nhiều giờ trôi dạt, tàu cá của anh đã được các tàu cá trong cùng tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển ứng cứu kịp thời và lai dắt về bờ an toàn.

Còn tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, người dân vẫn không khỏi bàng hoàng, xót thương khi nghe tin anh Nguyễn C.T., thuyền trưởng tàu cá QT 913…TS do bất cẩn trong khi đang sinh hoạt trên tàu cá đã bị trượt chân rơi xuống nước. Mặc dù được cứu chữa kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên vẫn không qua khỏi.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm trở lại đây tình hình tai nạn tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2020 toàn tỉnh chỉ xảy ra 8 vụ tai nạn tàu cá, gồm 2 tàu bị hỏng máy, 4 tàu bị gãy trục chân vịt, 1 tàu bị thủng xảm và 1 tàu bị chìm thì chỉ trong năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn tàu cá; trong đó có 14 tàu cá bị hỏng máy, 1 tàu cá gãy trục láp và 5 vụ tai nạn thuyền viên. Những vụ tai nạn trên gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng của ngư dân. Đặc biệt, hầu hết các vụ tai nạn tàu cá thường xảy ra trên biển, nhất là trên các vùng biển xa nên rất khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo ông Nam, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế do sương mù thì phần lớn nguyên nhân là do sự chủ quan của ngư dân. Đó là nhiều chủ tàu chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc; sử dụng tàu cá cũ, có tuổi đời cao; ít bảo dưỡng định kỳ nên dễ hư hỏng.

Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, nguyên nhân là do đa số tàu cá của ngư dân thường sử dụng máy thủy cũ làm máy chính trên tàu, thậm chí một số tàu cá chỉ có 1 máy chính, không có máy phụ dự phòng nên không đảm bảo cho việc hoạt động trên biển. Tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trên biển như không mang áo phao, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, còi báo, đấu nối hệ thống điện trên tàu không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn… thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, đặc thù lao động trên biển khá nặng nhọc, lịch sinh hoạt thay đổi, ban ngày thì nghỉ ngơi còn ban đêm thì phải thức xuyên đêm để đánh bắt,  lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió, trơn trượt nhưng người lao động lại chưa được trang bị và đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đi biển, kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển mà chủ yếu là người đi trước hướng dẫn cho người đi sau; thậm chí còn có tình trạng lao động trên biển nhưng lại không biết bơi. Nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên làm việc trên tàu cá theo quy định. Dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ khi thuyền viên gặp rủi ro.

Lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển vào bờ. Ảnh: Văn Dũng.

Lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển vào bờ. Ảnh: Văn Dũng.

Để giảm bớt tình trạng tai nạn tàu cá, theo ông Nam, bên cạnh việc kiểm tra chặt chẽ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc trên tàu cá của cơ quan chức năng thì các chủ tàu, thuyền trưởng và chính mỗi ngư dân cần phải nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn, thương tích trên tàu cá. Trước mỗi chuyến ra khơi cần phải trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn, bình cứu hỏa, tủ thuốc y tế; kiểm tra, bảo dưỡng kỹ càng máy móc, thiết bị trên tàu; thường xuyên kiểm tra tình trạng trang thiết bị điện trên tàu đảm bảo yêu cầu phòng, chống cháy nổ. Các lao động trước khi xuống tàu đi biển cần được hướng dẫn bài bản kỹ năng đi biển, kỹ năng đánh bắt và an toàn lao động trên biển cùng quyền lợi về bảo hiểm thuyền viên theo quy định.

Cùng với đó, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục kiểm tra chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo quy định; không để tình trạng tàu cá đóng mới, cải hoán lắp đặt các loại máy tàu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, máy ô tô (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa). Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền về đảm bảo an toàn trên biển cho ngư dân; tăng cường nội dung an toàn lao động nghề cá thông các lớp tập huấn, các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Tuyệt đối không cho xuất bến đối với các tàu cá không có hoặc chưa đầy đủ thiết bị an toàn hàng hải như phao cứu sinh, đèn tín hiệu, thiết bị liên lạc…; xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải; cách ứng cứu, phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục củng cố các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt vừa tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.

“Thực tế là không có lực lượng nào có thể cứu hộ, cứu nạn nhanh, kịp thời hơn các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển này do họ đánh bắt trên cùng ngư trường, có tần số liên lạc chung, thống nhất các quy ước, dấu hiệu trong trường hợp không may gặp tai nạn để các thành viên khác và tàu cá trong cùng tổ đội có cách tìm kiếm hiệu quả nhất. Mà các vụ tàu cá bị hỏng máy, gãy trục láp trong tháng 6/2021 vừa qua là một ví dụ điển hình”, ông Nam cho biết.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Trị, trong năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn tàu cá, gây thiệt hại lớn về tài sản và an toàn cho ngư dân. Hầu hết các vụ tai nạn tàu cá thường xảy ra trên biển, nhất là trên các vùng biển xa nên rất khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.