| Hotline: 0983.970.780

Nâng cấp đường, dìm nhà dân dưới rãnh

Thứ Tư 13/04/2016 , 08:05 (GMT+7)

Báo NNVN đã từng phản ánh tuyến đường từ cảng Hương Lý đến ga Văn Phú là “con đường đau khổ”. Khi tỉnh Yên Bái tiến hành nâng cấp tuyến đường thì nhà của cả trăm hộ dân bị dìm xuống dưới rãnh thoát nước. Cơ cực không biết đâu mà kể…

Tuyến đường cảng Hương Lý tới ga Văn Phú được xây dựng từ năm 2001, có chiều dài 12 km. Đây cũng là con đường qua khu công nghiệp phía Nam của tỉnh Yên Bái, nên phải gánh những xe trọng tải lớn.

Vì thế, chỉ qua chục năm khai thác con đường đã bị cày xới nát bươm, mùa khô thì bụi mù trời, mùa mưa thì con đường như ruộng bừa, những ổ trâu, ổ voi thành các ao nước giữa đường. Cuộc sống của người dân sống dọc hai ven đường cực khổ vô cùng.

Ngày 31/10/2013, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 1506/QĐ-UBND cho phép nâng cấp, cải tạo tuyến đường, giao cho Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn Luận - GĐ Cty cho biết: Từ thiết kế đến thi công đều phải đấu thầu, Cty thực hiện theo các văn bản đã được phê duyệt…

Năm 2015 tuyến đường được khởi công xây dựng, đến nay đã cơ bản hoàn thành, thực sự đem đến niềm vui cho nhiều hộ dân sống dọc hai ven đường và các phương tiện vận tải qua đây. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đang khóc dở mếu dở vì mặt đường cao hơn nền nhà 50-70 cm buộc họ phải nâng nền nhà, ống thoát nước…Trong số đó có Cty TNHH Yên Phú thì đang đứng trước nguy cơ bị chìm nghỉm trong nước khi mùa mưa đang sầm sập kéo đến hoặc chấp nhận phá sản.

14-03-20_1
Dãy nhà tổ 14B thị trấn Yên Bình thấp hơn rãnh đường

Ông Nguyễn Duy Vượng, GĐ Cty bức xúc: Cty xây dựng cơ sở nhà xưởng từ năm 2002, cốt nền và thiết kế do Sở Xây dựng phê duyệt và cấp phép, đường vào do Sở Giao thông vận tải cấp phép cho HTX Hoàng Long là tiền thân của Cty tại văn bản số 01/QLGT ngày 14/01/2002.

Quá trình xây dựng, Cty tuân thủ các quy định của pháp luật. Nền nhà xưởng của chúng tôi cao hơn mặt đường 20cm, nên nước mưa, nước thải đều thoát ra ngoài. Khi nâng cấp đường, thì Sở Giao thông vận tải phải đảm bảo mặt đường mới xây dựng bằng mặt đường cũ, để không ảnh hưởng tới kiến trúc nhà cửa của người dân đã xây dựng trước khi nâng cấp.

Nhưng ở đây họ không san gạt mặt đường cũ mà cứ thế tôn đường lên, khiến cho mặt đường sau khi nâng cấp cao hơn nhà dân 50-70cm, nhiều nhà dân bị dìm thấp hơn cả đáy rãnh thoát nước. Đây là việc làm không vì lợi ích của người dân…

14-03-20_3
Nguy cơ nhà xưởng Cty Yên Phú sẽ trở thành ao cá khi mùa mưa tới

Cũng theo ông Vượng, đoạn qua Cty dài khoảng 300m, lại là đoạn dốc, nếu ủi thấp xuống thì con đường bằng phẳng hơn, chỉ mất 7-8 ca ủi chi phí mất khoảng 20 triệu đồng. Nhưng họ lại tôn nền, khiến cho 200 hộ dân sống dọc đoạn đường này trở nên khốn đốn, còn Cty phải ngừng SX từ tháng 1/2016, nếu muốn SX thì phải dỡ nhà xưởng nâng cốt nền tốn chừng 4 tỷ. Còn cứ để nhà xưởng như hiện nay thì thành ao cá, bể nước thải trong mùa mưa. Vì đáy rãnh thoát nước hai bên đường cao hơn nền Cty 20cm…

Đối diện với Cty Yên Phú, nhiều hộ dân đang phải gấp rút nâng nền nhà trước khi mùa mưa đến, nếu không sẽ biến thành ao chứa nước mưa và bể thải.

14-03-20_4
Máy móc của Cty Yên Phú ngừng hoạt động từ tháng tháng 1/2016

Ông Nguyễn Xuân Trường, tổ 14B thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), không giấu nổi sự bức xúc: Gia đình tôi xây dựng từ năm 2008, khi tuyến đường này xây dựng được 7 năm, cao hơn mặt đường đến 70cm, nay mặt đường mới nâng cấp cao hơn từ 40cm-1,1m nên nhà tôi thấp hơn cả rãnh thoát nước, trước Tết đã phải nâng nền nếu không thì nước thải chảy đi đâu? Cực không biết nói thế nào được…

Anh Trần Văn Dũng, hàng xóm của gia đình ông Trường, gồm ngôi nhà xây phía trong cách mặt đường khoảng 15m, nền cao hơn mặt đường cũ 60 cm, còn gian ngoài làm dịch vụ nền cao hơn mặt đường cũ 70cm, nay mặt đường mới cao hơn nền nhà anh tới 60 cm. Gia đình anh đang phải gấp rút nâng mặt nền, anh than thở: Tiền đã chẳng có nay lại phải nâng nền, túng lại càng thêm túng…

14-03-20_5
Anh Trần Văn Dũng đang gấp rút nâng nền nhà

Chị Phạm Thị Hạnh đang phục vụ thợ sửa nhà, mặt mũi tái nhợt vì lo tiền sửa nhà và sợ làm không kịp mùa mưa đến nước ngập vào nhà không biết thoát đi đâu: Nhà tôi không chỉ nâng nền nhà mà còn phải nâng cả mái nhà, tốn kém vô cùng, mà chẳng biết kiếm tiền đâu ra. Nếu không sửa thì chẳng thể ở được. Đường làm như thế này thì khổ dân quá…

14-03-20_6
Chị Phạm Thị Hạnh ngơ ngẩn chưa biết lấy tiền đâu để sửa nhà

Gia đình nào có tiền thì nâng nền nhà, không ít gia đình vì túng quá thì đành vậy. Tôi nhìn sang nhà ông Nguyễn Văn Đạt và mấy nhà bên cạnh nhà anh Trần Văn Dũng, thì các hộ này đều thấp hơn rãnh nước gần 1m, các hộ này chưa có động tĩnh gì để nâng nền. Dường như họ đã quá kiệt sức vì miếng cơm manh áo nên chưa đủ khả năng nâng nền nhà, chấp nhận ngập úng?

Trong văn bản trả lời đơn đề nghị của Cty TNHH Yên Phú số 263/SGTVT-QLGT ngày 17/3/2016, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái thản nhiên: “Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của chủ đầu tư và đơn vị thi công, không có hộ dân nào trên tuyến đường đang đầu tư xây dựng bị ngập úng khi trời mưa”.

Vâng đúng rồi, hiện là cuối mùa khô thì có mưa đâu mà các hộ dân thấp hơn dưới rãnh đường bị ngập úng? Còn khi mùa mưa tới các hộ dân bị chìm nghỉm trong nước, hẳn Sở Giao thông vận tải Yên Bái lại đổ cho trời mưa?

Nhiều quan chức ở tỉnh Yên Bái và những ngành có liên quan gọi ông Nguyễn Duy Vượng là “vua kiện”, nên họ tặc lưỡi khi chúng tôi đặt câu hỏi về đơn đề nghị của ông Vượng: Ông ấy kiện cáo suốt mà… Nghĩa là họ bỏ ngoài tai những điều ông Vượng đề nghị. Những vị quan chức ấy hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của ông Vượng và những hộ dân tổ 14B thị trấn Yên Bình thì các vị có im lặng hay không?

 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm