Tại Ảrập Xêút, gần hai triệu tín đồ Hồi giáo đã tham gia lễ hành hương đến Thánh đường Hồi giáo ở Mecca trong tuần này. Tuy nhiên, khoảng 1.000 người đã thiệt mạng trong cuộc hành hương dưới thời tiết nắng nóng trên 51 độ C.
Các nguồn tin y tế và an ninh Ai Cập hôm 20/6 nói với hãng tin Reuters rằng ít nhất 530 người Ai Cập đã thiệt mạng trong cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca, tăng từ 307 ca tử vong trong báo cáo trước đó một ngày. 40 người khác hiện vẫn đang mất tích.
Các quốc gia xung quanh Địa Trung Hải cũng đã trải qua thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria, theo Đài quan sát Địa cầu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Tại Serbia, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ khoảng 40 C trong tuần này. Các cơ quan y tế đã tuyên bố cảnh báo đỏ về thời tiết và khuyến cáo mọi người không nên ra ngoài khi không cần thiết.
Tại nước láng giềng Montenegro, các cơ quan y tế cũng cảnh báo người dân ở trong bóng râm cho đến cuối buổi chiều, hàng chục nghìn khách du lịch đã đổ về các bãi biển dọc theo bờ biển Adriatic.
Châu Âu năm nay đã ghi nhận một số trường hợp du khách thiệt mạng và mất tích trong bối cảnh nắng nóng nguy hiểm. Một công dân Mỹ, 55 tuổi, được phát hiện đã tử vong trên đảo Mathraki của Hy Lạp hôm 17/6, đây là ca tử vong thứ 3 trong một tuần qua.
Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ, các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.
Thành phố New York đã mở các trung tâm làm mát khẩn cấp trong ở nhiều nơi trong thành phố. Trong khi các trường học của thành phố vẫn hoạt động bình thường, một số khu vực ở vùng ngoại ô đã cho học sinh về nhà sớm để tránh nóng.
Cơ quan khí tượng Mỹ hôm 20/6 cũng đã ban hành cảnh báo nhiệt độ nguy hiểm tại một số khu vực của tiểu bang Arizona của Mỹ, với nhiệt độ dự kiến sẽ đạt 45,5 độ C. Tại bang New Mexico gần đó, cháy rừng lan rộng đã khiến 2 người thiệt mạng, thiêu rụi hơn 9.300ha rừng và phá hủy 500 ngôi nhà.
Tổng cộng, gần 100 triệu người Mỹ đã được thăm khám, theo dõi và cảnh báo nhiệt độ cực cao trong ngày 20/6, theo Hệ thống Thông tin Sức khỏe Nhiệt Tích hợp Quốc gia của chính phủ liên bang.
Mùa hè của Ấn Độ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, khi gió mùa bắt đầu quét qua đất nước và phá vỡ cái nóng. Tuy nhiên, thủ đô New Delhi hôm 19/6 đã ghi nhận đêm nóng nhất trong 55 năm qua, khi Đài quan sát Safdarjung của Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ 35,2 độ C vào lúc 1 giờ sáng.
Nhiệt độ thường giảm vào ban đêm, song các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ ban đêm tăng lên. Ở nhiều nơi trên thế giới, ban đêm nóng lên nhanh hơn ban ngày, theo một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Exeter.
New Delhi đã trải qua 38 ngày liên tiếp với nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40 độ C kể từ ngày 14/5, theo cơ quan thời tiết Ấn Độ.
Một quan chức tại Bộ Y tế Ấn Độ hôm 19/6 cho biết có hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ say nắng và ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận kể từ 1/3 - 18/6. Tuy nhiên, việc xác định số ca tử vong do nắng nóng dường như rất khó khăn. Hầu hết các cơ quan y tế không kết luận tử vong do sốc nhiệt, mà là chủ yếu kết luận tử vong do các bệnh nền, chẳng hạn như các bệnh về tim mạch, huyết áp.
Các đợt nắng nóng đang diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận 12 tháng liên tiếp phá kỷ lục về nhiệt độ, theo cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết có 86% khả năng một trong 5 năm tới sẽ vượt năm 2023 để trở thành năm có nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đã tăng gần 1,3 độ C so với mức tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ ngày càng lập đỉnh mới, các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn.
Trung bình trên toàn cầu, một đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra 1 lần trong 10 năm trong thời kỳ tiền công nghiệp, giờ đây các đợt nắng nóng xảy ra 2,8 lần trong 10 năm và nhiệt độ tăng hơn 1,2 độ C, theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc nhóm World Weather Attribution (WWA).
Các nhà khoa học cho rằng các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức cao hơn 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra trung bình 5,6 lần trong 10 năm và nhiệt độ trung bình sẽ tăng hơn 2,6 độ C, theo WWA.