| Hotline: 0983.970.780

Năng suất lúa biển của Trung Quốc gấp đôi trong 3 năm

Thứ Bảy 29/10/2022 , 10:21 (GMT+7)

Các nhà khoa học Trung Quốc tiếp tục đạt kỷ lục mới trong nghiên cứu, sản xuất lúa biển chịu mặn- một động thái cần thiết trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực.

Năng suất các giống lúa gạo ở Trung Quốc liên tục tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: Xinhua

Năng suất các giống lúa gạo ở Trung Quốc liên tục tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: Xinhua

Theo đó, năng suất lúa biển - một giống lúa mới được trồng trên đồng đất nhiễm mặn và kiềm tại Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đã cho thu hoạch tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 năm.

Đây là thành quả của các nhà nghiên cứu lúa gạo thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa chịu mặn- kiềm địa phương. Cụ thể, các giống lúa biển đã tăng năng suất gần gấp đôi lên 8,8 tấn / ha vào năm ngoái và tiếp tục tăng lên hơn 10 tấn / ha trong vụ thu hoạch mới nhất của năm 2022.

Theo tờ Science and Technology Daily, kết quả này đã chính thức phá vỡ kỷ lục của những năm trước và thiết lập một dấu mốc mới cho dòng lúa biển chịu mặn phát triển trong môi trường có nồng độ muối là 4 gram trên 1 kg.

Báo cáo cho biết, bước đột phá này thực sự là một tin tốt lành cho Trung Quốc- quốc gia trên 1,4 tỷ dân đang hướng tới mục tiêu bảo vệ an ninh lương thực của mình trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, cùng với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị thách thức, gián đoạn.

Wan Jili, một chuyên gia quản lý tại Trung tâm nghiên cứu lúa gạo Thanh Đảo cho biết, năng suất lúa lai nhìn chung cao hơn so với các giống lúa thông thường, với một dòng lai đạt 10 tấn / ha vào năm 2017, trong điều kiện nguồn nước tưới bị nhiễm mặn 6%.

“Hai giống lúa thường được thử nghiệm ngày hôm nay rất tiêu biểu… và chúng có tiềm năng phát triển rất lớn. Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và phát triển thêm nhiều nguồn giống chất lượng cao nữa nhằm giúp đảm bảo an ninh lương thực và chủ động ngành hàng lúa gạo của Trung Quốc”, ông Wan nói.

Trung Quốc chiếm khoảng một phần sáu dân số thế giới, và hàng năm sản xuất ra một phần tư sản lượng lương thực của thế giới chỉ với chưa đầy 10% diện tích đất canh tác (riêng đất trồng lúa hiện là 28 triệu ha).

Các nhà nghiên cứu hậu duệ của 'cha đẻ lúa lai' Viên Long Bình tại Trung tâm nghiên cứu lúa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông trên ruộng lúa thử nghiệm . Ảnh: Chinadaily

Các nhà nghiên cứu hậu duệ của "cha đẻ lúa lai" Viên Long Bình tại Trung tâm nghiên cứu lúa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông trên ruộng lúa thử nghiệm . Ảnh: Chinadaily

Ngoài ra, nước này vẫn còn khoảng 100 triệu ha đất cằn cỗi, hoang hóa chưa được khai thác, trong đó trước mắt ước tính sẽ có thêm từ 6,7 triệu đến 13 triệu ha có thể được cải thiện để trồng lúa.

Nhờ những phát hiện của cố giáo sư, viện sĩ,- “cha đẻ lúa lai” Viên Long Bình, sản lượng lúa hàng năm ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần kể từ những năm 1970.

Ông Viên Long Bình và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu bộ giống lúa chịu mặn (lúa biển) vào năm 2012 và chọn ra sáu địa điểm trên khắp đất nước với các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau để sản xuất thử nghiệm vào năm 2016.

“Nếu diện tích trồng lúa biển có thể được mở rộng lên 100 triệu mu (6,7 triệu ha), đồng nghĩa với việc nó có thể sản xuất thêm 30 tỷ kg gạo mỗi năm, tương đương với tổng sản lượng ngũ cốc hàng năm của tỉnh Hồ Nam. Như vậy là chúng ta có thể nuôi sống thêm khoảng 80 triệu người”, ông Viên Long Bình chia sẻ với các nhà khoa học trong nước vào năm 2018, trước khi ông qua đời ngày 22/5/2021, hưởng thọ 91 tuổi tại thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam.

Tính đến năm ngoái, diện tích trồng lúa biển ở Trung Quốc đã đạt 400.000 ha, bao gồm hơn một chục địa phương, từ Hắc Long Giang ở phía đông bắc và vùng tây bắc Tân Cương, đến tỉnh Chiết Giang, miền nam Trung Quốc.

Hiện các chuyên gia lúa biển của Trung Quốc đang đặt mục tiêu mở rộng diện tích các giống lúa này lên hơn 667.000 ha trong năm nay, và sớm cán mốc 6,7 triệu ha đất chưa được khai thác trong vòng từ 8 đến 10 năm tới.

Trung Quốc cũng đang quảng bá công nghệ sản xuất giống lúa biển của mình ở nước ngoài, sau một số thử nghiệm thành công vào năm 2018 ở sa mạc ngoại vi thành phố Dubai của UAE đạt năng suất 7,5 tấn / ha, cao gấp đôi mức trung bình của thế giới.

Hiện các nhà nghiên cứu lúa gạo ở Thanh Đảo đã và đang hợp tác với một số quốc gia khác, bao gồm Ả Rập Xê Út, Qatar, Pakistan, Indonesia và Ai Cập - để quảng bá bộ giống lúa chịu mặn.

(SCMP; STD)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.