Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc bày tỏ mong muốn hai nước quan tâm hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Cốt lõi quyết định thành công trong hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc thời gian tới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu FDI vào Việt Nam không kết nối được tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc không thể bám rễ vào thị trường Việt Nam. Quan hệ hợp tác bền vững sẽ khó hình thành", ông Lộc nói.
Theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng được định nghĩa là sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người; và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.
Con số tương ứng với doanh nghiệp vừa là không quá 200 người; tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
Với lĩnh vực thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ được quy định là sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động không quá 100 người; tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
Với những quy định này, TS. Vũ Tiến Lộc tin rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước hoàn toàn có đủ khả năng kết nối được với các FDI của Hàn Quốc, để trở thành những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu hàng đầu Hàn Quốc.
"Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống trong phát triển kinh tế mọi nước trên thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ", ông Lộc nhấn mạnh.
Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc). Kim ngạch thương mại song phương đạt 78,1 tỉ USD trong năm 2021. Dự kiến kim ngạch thương mại có thể tăng lên tới 100 tỉ USD vào năm 2023.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán. Thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC), doanh nghiệp hai nước đã có nhiều cơ hội tìm hiểu về nhau.
Thời gian tới, phía Hàn Quốc hứa hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực mỹ phẩm, may mặc. Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, họ có thể cung cấp kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho phía Việt Nam.
"Tại Hàn Quốc, chi phí nhân công rất đắt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư", ông Kwon Jae Heang, Chủ tịch KVECC nói.
Trong nhiều năm, Việt Nam được Hàn Quốc đặc biệt quan tâm nhờ giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, GS. Hà Tôn Vinh, chuyên gia Tư vấn cao cấp vùng Châu Á của Ngân hàng Thế giới lưu ý doanh nghiệp trong nước, rằng đây không thể là thế mạnh mãi.
"Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc sẽ thấy nhân công Việt Nam không còn rẻ, tay nghề của người lao động sẽ khó nâng cao thêm. Không loại trừ khả năng, họ sẽ tìm nơi khác chẳng hạn như Bangladesh, Lào...", ông Vinh bày tỏ.