Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời. Lĩnh vực hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn giữa hai nước luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai quốc gia.
Tại cuộc gặp gỡ song phương giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và ông Yang Saingkoma, Quốc vụ khanh Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia ngày 13/12, ông Yang Saingkoma cho biết rất ấn tượng với sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023. Đặc biệt là chương trình phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Chính phủ Việt Nam. Bởi thông qua dự án này, sẽ giúp việc sản xuất lúa giảm được phát thải, tăng thu nhập cho bà con nông dân và ổn định an ninh lương thực thế giới, nền nông nghiệp trở nên xanh, sạch hơn.
Với một số nét tương đồng, khi hai quốc gia đều có truyền thống trồng lúa nước, hạt gạo của Campuchia từng được vinh danh gạo ngon nhất thế giới và là một trong những quốc gia góp phần vào an ninh lương thực cho mọi đất nước và toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn, sự hợp tác trong ngành hàng lúa gạo nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung giữa Việt Nam – Campuchia sẽ được nâng tầm, làm sâu sắc hơn bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp mà hai bộ đã ký kết với nhau.
Không gian địa giới hành chính của một quốc gia được phân định bằng đường biên giới, không gian kinh tế thì không có một lằn ranh. Tự các thương nhân tìm đến với nhau và kết nối thương mại. Điển hình, các cặp cửa khẩu của Việt Nam và Campuchia luôn nhộn nhịp vận chuyển nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đây chính là động lực để hai nước hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư trên đất nước Campuchia một trong số đó là Tập đoàn cao su, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Campuchia cũng như người Việt.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và người đồng cấp bên phía Campuchia đã thống nhất thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tại vùng Biển Hồ của Campuchia. Với số vốn viện trợ của Việt Nam khoảng 70 tỷ đồng và vốn đối ứng của Campuchia khoảng 12 tỷ đồng, thời gian triển khai 5 năm (2023 – 2027). Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Bộ trưởng cũng mong muốn ngài Quốc vụ khanh quan tâm đến những cơ hội trao đổi hợp tác trực tiếp trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp của Việt Nam; Nâng cao khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa giống.
Tuy nhiên hiện nay, giữa Việt Nam và Campuchia có nhiều đường mòn lối mở, nhiều sản phẩm động vật của Campuchia qua đường biên giới đi vào các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Đặc biệt thời gian qua, tình hình dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng mong muốn cả hai quốc gia cùng thực hiện kiểm soát tốt hơn dịch bệnh tại các cửa khẩu để đảm bảo sức khỏe của người dân, vừa thúc đẩy giao thương nông sản và các sản phẩm từ chăn nuôi.
Việt Nam đã và đang thực hiện các hoạt động kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa mua bán, lưu thông tại khu vực biên giới hai nước theo quy định. Cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật quốc gia của hai nước cũng trao đổi thông tin và tham gia các hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ hợp tác các nước trong khối ASEAN.
Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Campuchia ước đạt 2,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 473 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 1,7 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ yếu là hạt điều và cao su làm nguyên vật liệu chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.