| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt kiểm soát gia cầm, gia súc nhập lậu qua biên giới Tây Nam

Thứ Năm 16/11/2023 , 08:38 (GMT+7)

Hiện các tỉnh biên giới Tây Nam đã siết chặt các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt không cho nhập bất cứ loài gia súc, gia cầm nào từ Campuchia vào Việt Nam.

Hiện tại, các địa phương tại ĐBSCL có khu vực biên giới đã chủ động thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại, các địa phương tại ĐBSCL có khu vực biên giới đã chủ động thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không để xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm bệnh nhập vào nội địa

Từ đầu năm đến nay, các địa phương có đường biên giới Tây Nam giáp với Campuchia (chiều dài khoảng 400km) như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An luôn tăng cường chủ động mọi công tác thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu trái phép qua biên giới.

An Giang có đường biên giới gần 100km giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia. Hồi đầu năm 2023, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam, ngăn chặn virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập.

Đồng Tháp, địa phương cũng có đường biên giới giáp với Campuchia, chủ động kiểm soát dịch tại các cửa khẩu và tiến hành phun thuốc thường xuyên ở khu vực biên giới.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp, địa phương cũng có đường biên giới giáp với Campuchia, chủ động kiểm soát dịch tại các cửa khẩu và tiến hành phun thuốc thường xuyên ở khu vực biên giới.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo UBND tỉnh An Giang, bên cạnh việc kiểm soát dịch tại các cửa khẩu, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân phun khử khuẩn và không mua gia cầm không rõ nguồn gốc. Hiện nay, công tác kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch cửa khẩu đang được siết chặt, đặc biệt, không cho nhập hàng gia cầm từ Campuchia.

Đồng thời, công văn của UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh, thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Lập đường dây nóng kiểm soát gia cầm, gia súc nhập lậu

Bên cạnh việc chủ động thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới, các địa phương cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, đồng thời khuyến cáo người dân báo ngay cho ngành chức năng khi thấy gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Tại Đồng Tháp, địa phương có đường biên giới giáp với Campuchia, cũng đã chủ động kiểm soát dịch tại các cửa khẩu và tiến hành phun thuốc thường xuyên ở khu vực biên giới.

Thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, hiện nay địa phương cũng đã tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của cúm gia cầm và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học. Trước mắt địa phương thắt chặt cửa khẩu, đồng thời cho phun độc, khử trùng khu vực biên giới để ngăn ngừa cúm gia cầm. Về phía nội địa, các giải pháp là cho lực lượng thú y của địa phương tiến hành phun xịt, khử trùng, tiêu độc, tuyên truyền cảnh báo trong nhân dân có phát hiện thì phải báo ngay cho ngành thú y ở cơ sở để có biện pháp ngăn chặn dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai và tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1.

Theo đó, các ngành chức năng đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân biết về cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các bệnh viện công và tư nhân giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Trong đó, chú ý các trường hợp có tiền sử đi, đến, ở từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1.

Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cũng đều chỉ đạo các đơn vị, địa phương ra quân tổng kiểm tra, rà soát hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Những nơi giáp biên giới với nước bạn Campuchia thì bố trí tổ công tác túc trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Các đơn vị thường xuyên tuần tra giám sát đường biên giới với Campuchia kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia và có biện pháp dự phòng phù hợp đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Bắt giữ nhiều vụ nhập lậu heo qua biên giới tỉnh Long An

Bên cạnh gia cầm, thời gian qua, tình hình nhập lậu heo qua biên giới của tỉnh Long An cũng khá phức tạp. Hoạt động chủ yếu nổi lên ở đoạn biên giới thuộc địa bàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng. Tuy nhiên, số lượng heo nhập lậu nhỏ lẻ và không thường xuyên.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động là các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, đoạn sông Cái Cỏ hẹp, có thể qua lại bằng xuồng, ghe bất kỳ khu vực nào và lợi dụng các khu vực vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia. Sau đó, thuê mướn cư dân biên giới, chia nhỏ heo lậu thành từng tốp 3 - 5 con để vận chuyển qua sông, đưa về điểm tập kết. Từ đó, hợp thức hóa giấy tờ thành heo trong nước. Cuối cùng là nhanh chóng sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị phát hiện bắt giữ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ nhập lậu trâu, bò, heo, thu giữ và tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò. Ngành chức năng đã khởi tố 3 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng, với số tiền 27 triệu đồng.

Trước tình trạng buôn lậu heo ngày càng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành và các bộ, ngành triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện heo nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ nhập lậu trâu, bò, heo, thu giữ và tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ nhập lậu trâu, bò, heo, thu giữ và tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới. Ông Phạm Đức Chinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 tỉnh), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, Ban chỉ đạo 389 các địa phương, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tăng cường tuyến biên giới để đấu tranh, phòng chống các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Qua thực tế đi kiểm tra trên tuyến biên giới và báo cáo của các huyện biên giới, lực lượng biên phòng hiện nay tuyến biên giới của tỉnh Long An đang được kiểm soát tốt. Các vụ buôn lậu diễn ra mang tính nhỏ lẻ và nhiều vụ đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định. Chính vì vậy, tình trạng buôn lậu gia súc qua biên giới không còn diễn ra như trước đây nữa.

Theo ông Phạm Đức Chinh, ngay sau đợt kiểm tra, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ có báo cáo UBND tỉnh, để từ đó sẽ có chỉ đạo các ngành chức năng, Sở NN-PTNT, lực lượng thú y, thống kê lại tất cả các đàn gia súc, gia cầm của các hộ dân đang chăn nuôi ở khu vực biên giới. Qua đó, sẽ kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc heo được vận chuyển, nhập lậu, hợp thức hóa. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân, yêu cầu ký cam kết không tham gia buôn lậu, tiếp tay cho bọn buôn lậu hợp thức hóa, tuồn heo lậu vào biên giới Việt Nam.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.