| Hotline: 0983.970.780

Những 'ngư dân không có cá' ở Campuchia

Thứ Tư 22/07/2020 , 08:54 (GMT+7)

Các dòng chảy đổ về Biển Hồ Campuchia năm nay tiếp tục đến muộn, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động ngư nghiệp, đe dọa nguồn cung thực phẩm cho hơn triệu người.

Thuyền mắc cạn trên phụ lưu từ Kampong Khleang ra Biển Hồ. Ảnh: Reuters.

Thuyền mắc cạn trên phụ lưu từ Kampong Khleang ra Biển Hồ. Ảnh: Reuters.

Các dòng chảy đổ về Biển Hồ Campuchia, hồ lớn nhất Đông Nam Á, sẽ không xuất hiện cho đến tháng 8 do tình trạng hạn hán và hơn chục đập thủy điện tại Lào và Trung Quốc – được cho là nguyên nhân làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong, theo nhà chức trách Campuchia.

Nước sông Mekong thường dâng cao trong mùa mưa, hội tụ với sông Tonle Sap của Campuchia, tạo ra dòng chảy ngược vào Biển Hồ, mang theo lượng lớn cá. Tình trạng này hiện vẫn chưa xảy ra và người dân có sinh kế phụ thuộc vào Biển Hồ đang chật vật cầm cự.

“Tôi đánh bắt cá suốt hai đêm nhưng vẫn không đủ”, Khon Kheak, 37 tuổi, vừa vá lưới phía dưới nhà sàn vừa nói. Khon Kheak sinh sống tại làng nổi Kampong Khleang nhưng mực nước nơi này hiện cũng rất thấp.

Khon Kheak kiếm được 12.000 riel (khoảng 3 USD) cho chuyến đánh bắt trên, thấp hơn nhiều so với con số 12 – 25 USD/ngày trong năm 2019 – mức vừa đủ để chăm lo cho gia đình 6 người của anh.

Reth Thary, vợ Khon Kheak, lo ngại chuỗi ngày thu nhập cao như vậy có thể đã kết thúc.

“Nếu tình hình không cải thiện, chúng tôi sẽ xong đời. Chúng tôi còn nợ tiền người khác nữa”, cô nói, nhắc đến khoản nợ 1.000 USD.

Người dân Kampong Khleang đang là 'những ngư dân không có cá'. Ảnh: Reuters.

Người dân Kampong Khleang đang là "những ngư dân không có cá". Ảnh: Reuters.

Dòng nước thường chảy vào Biển Hồ trong 120 ngày, làm mực nước dâng khoảng 6 lần trước khi trở lại sông Mekong khi mùa mưa kết thúc cuối tháng 9.

Dựa trên dự báo thời tiết và số liệu về lượng mưa, dòng chảy từ Mekong vào Biển Hồ có thể xuất hiện vào tháng 8, theo Long Saravuth, phó tổng thư ký Ủy ban Mekong Quốc gia của Campuchia.

Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho rằng một phần nguyên nhân là lượng mưa năm 2019 thấp cùng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, gồm hai đập ở Lào, 11 đập ở Trung Quốc.

“Từ bây giờ, dòng chảy ngược sẽ không xuất hiện cùng thời điểm như trước”, MRC nhận định.

Lào và Trung Quốc cho biết các đập nước mang lại lợi ích kinh tế quan trọng và điều tiết dòng chảy, giúp ngăn lũ lụt và hạn hán.

Tuy nhiên, ngư dân San Savuth, 25 tuổi, muốn chính phủ Campuchia thương lượng để các đập trên xả nước, cứu giúp khoảng 2.000 hộ gia đình ở Kampong Khleang.

Savuth có thể đến Siem Reap, thành phố cách đó 55 km, để làm xây dựng.

“Chúng tôi không đánh bắt được gì. Không có nước, không có cá”, anh nói.

Ngay cả khi đi lại quốc tế không bị hạn chế bởi Covid-19, việc thu hút du khách bản địa đi thuyền từ Kampong Khleang, vốn tiếp đón khoảng 600 người/ngày, cũng đã không có hy vọng.

Văn phòng du lịch địa phương đã bị bỏ hoang, cỏ mọc vây kín. Khoảng 130 thuyền chở du khách bị bỏ không.

“Người dân Kampong Khleang đang là ngư dân không có cá”, Ly Sam Ath, chủ thuyền chở du khách, nói. “Và họ cũng không thể làm ruộng”.

(Theo Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.