| Hotline: 0983.970.780

Nên 'nhờ' doanh nghiệp dự trữ gạo quốc gia

Thứ Năm 23/04/2020 , 10:39 (GMT+7)

Gạo dự trữ quốc gia năm nay đến giờ gần như chưa mua được, đang ảnh hưởng tới các quyết định liên quan tới xuất khẩu gạo. Làm gì để giải bài toán này?

 

Ảnh hưởng tới xuất khẩu

Lượng gạo dự trữ quốc gia hàng năm chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng gạo cả nước. Năm nay, theo Bộ NN-PTNT, dự kiến sản lượng lúa cả nước là 43,5 triệu tấn, tương đương với khoảng hơn 26 triệu tấn gạo. Sau khi trừ đi nhu cầu trong nước và dự trữ, lượng gạo dư ra có thể xuất khẩu từ 6,5-6,7 triệu tấn.

Trong khi đó, lượng gạo dự trữ quốc gia trong năm nay là 190 ngàn tấn, chưa bằng 1 phần trăm tổng sản lượng gạo. So với lượng gạo có thể xuất khẩu, lượng gạo dự trữ cũng rất khiêm tốn, khi chỉ bằng khoảng 3%.

Vậy nhưng, gạo dự trữ lại đang là một trong những nguyên nhân quan trọng ít nhiều tác động tới các quyết định liên quan tới xuất khẩu gạo trong vòng 1 tháng qua. Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, trong tổng số 190 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm nay, đến thời điểm này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới ký hợp đồng được 7.700 tấn, còn lại 182.300 tấn chưa mua được.

Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đã từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng khi giá gạo trong nước tăng lên do tác động từ thị trường thế giới.

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo ngày 21/4, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, tính đến ngày 23/3, lượng gạo dữ trữ quốc gia hầu như chưa mua được.

Do đó, trong tổng lượng gạo có thể xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 5 (gồm 3 triệu tấn gạo vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long và gạo tồn từ năm ngoái chuyển sang), Bộ Công Thương quyết định giữ lại 300 ngàn tấn gạo cho dự trữ, đồng thời giữ thêm 400 ngàn tấn để đảm bảo lương thực cho người dân trong nước.

Như vậy, còn lại 2,3 triệu tấn. Mà tính đến hết tháng 3, đã xuất 1,5 triệu tấn, còn 0,8 triệu tấn. Do đó, Bộ Công Thương mới đưa ra hạn ngạch xuất khẩu cho tháng 4 và tháng 5, mỗi tháng 400 ngàn tấn.

Trước đó, trong văn bản số 3905 gửi Bộ Công Thương để tham gia góp ý cho báo cáo trình Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia như kế hoạch năm nay là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa.

Trong công văn số 2806/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4, Bộ Công Thương cho biết đã không chấp nhận đề xuất trên của Bộ Tài chính, vì cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.

Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Dù đề xuất nói trên của Bộ Tài chính đã không được chấp nhận, nhưng có thể thấy, việc mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, dẫn tới nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu gia tăng ở nhiều nước, đang là một mối bận tâm lớn hiện nay, và ít nhiều có những tác động tới việc điều hành xuất khẩu gạo.

“Nhờ” doanh nghiệp?

Trước tình hình đó, một số chuyên gia ngành gạo cho rằng, có thể tính tới phương án “nhờ” doanh nghiệp dự trữ gạo.

Theo các chuyên gia này, Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã quy định “Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó”.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1 năm nay, lượng gạo đã xuất khẩu là hơn 1,5 triệu tấn; lượng gạo xuất khẩu quý 4 năm ngoái là hơn 1,3 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng qua là hơn 2,8 triệu tấn.

Theo Nghị định 107, các thương nhân đang phải dự trữ lưu thông bằng tối thiểu 5% của hơn 2,8 triệu tấn gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng qua, tương đương với hơn 140 ngàn tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng lượng gạo còn trong kho của các doanh nghiệp đến thời điểm này là hơn 1,9 triệu tấn. Trong khi đó, hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6, đã ký nhưng chưa giao là 1,7 triệu tấn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trong tháng 4, ở ĐBSCL có 150 ngàn ha lúa được thu hoạch, tháng 5 là 118 ngàn ha. Tổng cộng cả 2 tháng, sản lượng lúa thu được khoảng 2 triệu tấn, tương đương khoảng 1,2 triệu tấn gạo. Tháng 6 sẽ thu hoạch rộ lúa hè thu.

Như vậy, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp và lượng gạo đang và chuẩn bị thu hoạch là khá dồi dào.

Chỉ tính riêng lượng gạo dự trữ lưu thông theo Nghị định 107 của các doanh nghiệp, đã gần đủ so với nhu cầu thu mua gạo dự trữ quốc gia.

Cộng với lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp hiện cao hơn hợp đồng xuất khẩu, ĐBSCL lại tiếp tục thu hoạch trong tháng này và những tháng tới, hoàn toàn có thể “nhờ” doanh nghiệp, nhất là 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, tạm thời trữ gạo thay cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Để giúp các doanh nghiệp yên tâm dự trữ hộ, Chính phủ có thể hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Phương án này hoàn toàn khả thi, bởi trước đây, mỗi khi thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn lớn, đã nhiều lần Chính phủ hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ tới cả triệu tấn gạo.

Lần này, chỉ hỗ trợ lãi suất cho gần 200 ngàn tấn, bằng chưa tới 1/5 so với trước đây. Đến khi Tổng cục Dự trữ Nhà nước thu mua đủ 190 ngàn tấn gạo dự trữ, thì chấm dứt chương trình này.

Cách nhờ doanh nghiệp dự trữ như trên, cũng giống như thay vì mang gạo về kho nhà nước để dự trữ, thì gửi nhờ ở kho của doanh nghiệp một thời gian, khi mà kho nhà nước chưa kịp xây xong.

Quan trọng hơn, giải pháp này vừa giúp Bộ Tài chính nhanh chóng có đủ lượng gạo dự trữ, vừa giúp Bộ Công Thương có thể yên tâm, tự tin hơn khi đề xuất với Chính phủ các quyết định liên quan tới xuất khẩu gạo theo hướng có thể thông thoáng hơn, thậm chí là cho xuất bình thường trở lại, bởi không còn phải lo nghĩ tới gạo dự trữ nữa.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm