Từ nửa năm trở lại đây, Ram Bahadur Rayamajhi, 65 tuổi, một nông dân ở làng Darbhan, huyện Pyuthan, tỉnh Lumbini phía tây Nepal, đã không còn phải dậy từ tinh mơ để chăm sóc cho thửa ruộng trồng cải, rộng chừng một hecta.
Buổi sáng của ông bắt đầu bằng việc chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình 8 người. Sau khi lũ trẻ tới trường, ông làm luôn bữa trưa, và tới nửa buổi mới dẫn nước từ bể chứa 75.000 lít được xây trong chương trình "Nông nghiệp thông minh" do Chính phủ Nepal khởi xướng cách đây 2 năm.
"Tất cả giống như một giấc mơ", Rayamajhi nói trong lúc vác những ống nước to bằng bắp tay ra đồng. "Mới chỉ năm ngoái, tôi mất ngủ triền miên vì đồng ruộng phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết. Chỉ qua một trận mưa lớn, cánh đồng của tôi có thể bị tàn phá.
Ngược lại, vào mùa khô, những nông dân như tôi không biết tìm đâu ra nước để duy trì mùa màng. Cộng với sâu bệnh thỉnh thoảng trỗi dậy, nhiều lắm tôi chỉ canh tác được một nửa mảnh đất này".
Rayamajhi từng là một nhân viên bán hàng nội thất tại Ấn Độ trong suốt 15 năm. Cuộc sống mưu sinh nơi đô thị, cộng với điều kiện sống không đảm bảo khiến ông gặp vấn đề về thần kinh. 5 năm trước, Rayamajhi trở về quê nhà để làm lại cuộc đời trên thửa ruộng tổ tiên để lại. Do con trai công việc bấp bênh, bản thân ông cũng hết tuổi lao động, nguồn thu nhập chính của cả nhà trông chờ cả vào cánh đồng trồng cải.
Tại Nepal, nơi nông nghiệp chiếm một phần ba tổng GDP hàng năm, những người như Rayamajhi rất nhiều.
Theo điều tra của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), 76% lực lượng lao động nằm trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản lượng toàn ngành chủ yếu tập trung chính tại khu vực giáp Ấn Độ mà ông Rayamajhi đang sống. Giống nhiều nước trong khu vực Nam Á, nông dân Nepal canh tác thủ công là chính. Những tiến bộ khoa học gần như là điều viển vông với người nông dân.
Bể chứa 75.000 lít nước mà ông Rayamajhi đang sở hữu, vì thế, giống như một món quà từ Ông già Noel. Lấy nước từ mạch ngầm sâu hàng trăm mét, bể chứa luôn đầy nước và được bơm lên trực tiếp nhờ động cơ chạy bằng năng lượng thủy điện.
"Do được tưới đẫm, năng suất cây trồng của tôi tăng đáng kể. Sau nửa năm, sản lượng ước đạt gấp đôi trong vụ này", Rayamajhi hồi hởi nói.
Ngoài cải, người nông dân 65 tuổi này còn trồng súp lơ, cải bắp và khoai tây. Nhờ những tấm nhựa do Chính phủ tài trợ, Rayamajhi rào lại một thửa có mái che để chống chọi những cơn mưa rào, mưa đá, thậm chí dịch bệnh. Theo ông, tỷ lệ bệnh bạc lá ở cà chua khi trồng bên ngoài đường hầm cao hơn so với khi trồng bên trong.
Chương trình "Nông nghiệp thông minh" kéo dài trong 4 năm, được thí điểm ở tỉnh Lumbini, và đang hoạt động tại 116 ngôi làng, tăng gấp đôi so với năm đầu tiên. Mỗi ngôi làng sẽ nhận khoản hỗ trợ bằng tiền và hiện vật trị giá khoảng 42.000 USD một năm. Số tiền còn lại trong chương trình, chiếm khoảng 20% tổng ngân sách, được sử dụng để phát triển công nghệ giúp người dân đối phó với tình trạng khí hậu ấm lên.
Sanjay Dhakal, đại diện Sở Thông tin Lumbini cho biết biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều vấn đề cho các cánh đồng địa phương, từ nhiều côn trùng gây hại, đến khan hiếm nước và giảm năng suất cây trồng.
Mukesh Ramjali, chuyên gia về khí hậu của chương trình "Nông nghiệp thông minh", cũng là cán bộ khuyến nông ở huyện Palpa nói thêm rằng, nhiệt độ trên địa bàn đã tăng hơn 1oC trong vài năm qua.
Phân bổ lượng mưa cũng biến đổi theo, dẫn đến tình trạng, vào mùa mưa, đất quá ẩm ướt, trong khi vào mùa khô, ruộng liên tục bị nứt nẻ. Tất cả làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trên cây trồng, chẳng hạn như bệnh thối nhũn trên lúa. Sản lượng cam, quýt và kê cũng liên tục giảm.
Song song với việc lai tạo và thử nghiệm các giống cây trồng chịu hạn như lúa Raja-14 cần ít nước, hay dê Boer ăn được nhiều loại cỏ cứng, tỉnh Lumbini đã xây dựng cho mỗi làng một trung tâm thông tin có kết nối internet.
Mỗi khi có biến động thời tiết bất thường, Ramjali cùng các cộng sự ở Trung tâm khuyến nông sẽ cung cấp những bản tin cho bà con, đồng thời hướng dẫn cách phòng chống. Ngoài ra, định kỳ một tháng một lần, nông dân sẽ tập trung tại Nhà văn hóa để nghe phổ biến những công nghệ mới chống lại biến đổi khí hậu, ví dụ như cách phủ đất và trữ nước mưa.
"Mục đích của chúng tôi là biến mỗi ngôi làng trở thành một trạm quan trắc thông minh, nơi mọi người đều có thể ứng biến với những bất thường của thời tiết. Bằng các biện pháp thân thiện với môi trường, như phát triển hệ thống tưới tiêu, hy vọng người nông dân sẽ thực sự làm chủ cánh đồng và phát triển kinh tế trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt", Dhakal nhấn mạnh.
Giống Rayamajhi, cháu của ông - Dal Bahadur, một nông dân khác từ làng Darbhan, từng đến Ấn Độ làm bảo vệ - cũng quyết định tìm kế sinh nhai trên đồng ruộng, sau khi được giới thiệu về chương trình "Nông nghiệp thông minh".
Anh tiết lộ: "Trước đây, khi làm nông, tôi phải mua tất cả phân bón, giống, và dụng cụ từ bên ngoài. Nhưng giờ, mọi thứ đã sẵn sàng ngay trên chính cánh đồng".
Được khích lệ từ nguồn thu nhập lên hơn 1.700 USD một năm của chú Rayamajhi, Bahadur từ bỏ cuộc sống ngột ngạt nơi thành thị để cùng 60 hộ nông dân trong làng phục hồi hơn 13 ha đất cằn cỗi nhờ nước từ hai bể tưới.
"Ngày càng có những người lao động xa như tôi trở về làng. Tôi không chắc những công nghệ nông nghiệp này có làm giảm tình trạng di cư không, nhưng từ ngày tôi về, hơn 10 hộ đã chuyển từ việc tự cung tự cấp sang mô hình kinh doanh. Phần lớn số này từng tới sát biên giới Ấn Độ làm đủ mọi nghề", Bahadur nói khi đang tham dự lớp phát triển nông nghiệp, trích từ ngân sách cắt giảm của tỉnh Lumbini năm vừa qua.