Thận trọng tái đàn
Hàng năm, cứ vào thời điểm này thì thời tiết tại khu vực miền Nam thay đổi: ban ngày nắng nóng, ban đêm trời trở lạnh. Chưa kể, mưa cũng xuất hiện bất chợt làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh như cúm A/H5N1, tụ huyết trùng, tả lợn tai xanh và bệnh lở mồm long móng phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi.
Do đó, ngành chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thường xuyên tuyên truyền cho người chăn nuôi để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những hộ chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đây lại là thời điểm rất quan trọng để đảm bảo chất lượng, số lượng sản phẩm chăn nuôi phục vụ thị trường Tết.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa (ngụ tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức) phát triển khỏe mạnh và chuẩn bị được xuất bán. Với giá lợn hơi dao động từ 62.000 - 64.000 đồng/kg, ông Tỏa dự kiến có lãi mỗi con được khoảng 1 triệu đồng. Riêng việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn được ông đặc biệt thực hiện nghiêm ngặt.
“Nói chung tôi cũng cố gắng vệ sinh an toàn cho chuồng trại, xịt sát trùng hàng tuần cho đàn lợn, rồi chích ngừa đầy đủ. Riêng chuồng lợn, tôi sử dụng lưới che để côn trùng mang nguồn bệnh gây hại không xâm nhập được”, ông Tỏa chia sẻ.
Còn anh Lê Tuấn Hoàng (ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) gắn bó với nghề chăn nuôi lợn từ hơn chục năm nay. Đã có lúc, anh Hoàng phải bỏ chuồng vì dịch bệnh và giá lợn hơi xuống thấp khiến gia đình thua lỗ.
Để hạn chế việc thiệt hại, anh Hoàng chú trọng đến việc đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là thời điểm tái đàn phục vụ thị trường Tết. Để đảm bảo đàn lợn có sức đề kháng tốt, anh Hoàng chủ động tiêm phòng vacxin định kỳ, tăng cường phun hóa chất khử trùng, hạn chế tối đa người ra vào chuồng nuôi để tránh nguồn bệnh lây lan. Các dụng cụ chăn nuôi như máng, thức ăn, máng nước… được cọ rửa, sát trùng thường xuyên.
“Nguồn giống lợn của tôi phải có xuất xứ rõ ràng, con giống khỏe mạnh nhằm đảm bảo tỉ lệ sinh trưởng tốt nhất. Còn về dịch bệnh, thực ra mình chỉ cẩn trọng phòng dịch từ xa thôi. Phải chủ động phòng bệnh thì mình mới đi trước dịch bệnh một bước được”, anh Hoàng chia sẻ.
Giai đoạn này, người chăn nuôi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuẩn bị tái đàn, phục vụ Tết Nguyên đán. Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 401.000 con, dự kiến đến cuối năm 2024, tổng đàn dự kiến tăng hơn do các hộ tăng đàn để phục vụ thị trường Tết.
Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, nguồn bệnh luôn thường trực nên ngành chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo bà con chăn nuôi cần phòng, chống dịch bệnh cẩn thận cho đàn lợn. Các trang trại tập trung và hộ chăn nuôi đều được lực lượng thú y khuyến cáo áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Qua đó, người nuôi có thể rút ngắn thời gian chăn nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời, khi phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu bệnh thì chủ nuôi nên báo với lực lượng thú y để kịp thời xử lý, tránh che giấu tự ý xử lý dễ khiến dịch bệnh bùng phát.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, khi người dân tái đàn phải chú trọng đến chất lượng đầu vào của con giống. Cụ thể, cần nhập nuôi con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và khi nhập về phải tổ chức nuôi cách ly ít nhất là 14 ngày trước khi nhập đàn vào sản xuất.
Nhiệm vụ trọng tâm cuối năm
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiêm 1,3 triệu vacxin cho đàn vật nuôi để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, có khoảng 689.000 liều vacxin cúm gia cầm, hơn 89.000 liều vacxin tả lợn Châu Phi cổ điện, lợn tai xanh…
“Ngoài tiêm phòng, ngành Thú y còn tăng cường giám sát bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi nhằm phát hiện và sớm xử lý dịch bệnh”, ông Phan Văn Trai, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.
Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng đàn vật nuôi khoảng 7,3 triệu con các loại. Trong đó, tổng đàn lợn là 401.794 con, đàn gia cầm 6,8 triệu con, trâu bò 55.121 con và tổng đàn dê, cừu 98.261 con. Đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh không những đảm bảo đủ cung cấp nhu cầu cho người tiêu dùng trong tỉnh mà còn có thể cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng cho các tỉnh, thành phố lân cận với tỷ lệ từ 40 - 60%.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận xảy ra 12 ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trong đó có 10 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 1 ổ dịch bệnh cúm gia cầm và 1 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục.
“Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục đã hướng dẫn người chăn nuôi xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh theo đúng quy định, tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đến nay cơ bản các ổ dịch bệnh động vật đã được kiểm soát, không phát sinh và lây lan trên phạm vi rộng”, ông Trung nhận định.
Theo nhận định, thời điểm cuối năm, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn khá phức tạp, khi mà thời tiết thất thường dễ tạo điều kiện xảy ra dịch bệnh. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú tỉnh đang tăng cường thực hiện phun xịt khử trùng tại các hộ chăn nuôi và trang trại tập trung.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa phương chăn nuôi lớn như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ, công tác chăm sóc và phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi đang được chú trọng. Tại các trang trại vừa và nhỏ, ý thức trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều người chăn nuôi cũng đã được nâng cao đáng kể.
“Đây là thời điểm trọng tâm của ngành chăn nuôi tỉnh, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho thời điểm cuối năm mà việc kiểm soát dịch bệnh mang tính then chốt. Do đó, lực lượng thú y tại các địa phương đã có kế hoạch tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tại các trang trại, nông hộ. Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng ý thức được tầm quan trọng trong lứa chăn nuôi quan trọng trong năm”, ông Phan Văn Trai cho hay.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh cũng tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và con giống nhập vào địa bàn tỉnh. Đây là những việc làm cần thiết để chủ động trước dịch bệnh, không để vật nuôi bị ảnh hưởng dịp cuối năm.