| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi mùa nắng nóng

Thứ Bảy 13/07/2024 , 14:39 (GMT+7)

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình triển khai các giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng.

Từ đầu tháng 4 đến nay, những đợt nắng nóng kéo dài xuất hiện làm cho môi trường ao nuôi dễ biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước, tôm dễ bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm là rất cao.

Người nuôi tôm thường xuyên kiểm tra hồ trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: T.P.

Người nuôi tôm thường xuyên kiểm tra hồ trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: T.P.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, các địa phương đang vào chính vụ nuôi tôm. Vụ nuôi tôm năm nay, diện tích thả nuôi toàn tỉnh trên 1.170ha, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thời gian đầu vụ, do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra tại hai hộ nuôi tôm thuộc hai xã Hàm Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh) với tổng diện tích bị bệnh gần 1ha.

Ông Trần Văn Hàn (một chủ nuôi tôm tại xã Võ Ninh) cho biết, gia đình ông có 3 hồ nuôi tôm với diện tích 1ha. Vụ nuôi này, gia đình thả số lượng 20 vạn giống tôm thẻ chân trắng.

Để bảo đảm chất lượng cũng như sản lượng tôm nuôi, ngay từ đầu vụ, gia đình đã đầu tư cải tạo hồ nuôi, chú trọng việc chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, thả đúng mật độ

“Tuy nhiên, khi tôm được 30 ngày tuổi, do thời tiết diễn biến phức tạp nên đã xuất hiện tôm chết với tỷ lệ cao tại 2 hồ. Ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng”, ông Hàn cho hay.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã khẩn trương lấy mẫu tôm xét nghiệm để xác định nguyên nhân chết, kịp thời khoanh vùng, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp cách ly để xử lý.

Đối với các ao nuôi có kết quả xét nghiệm bị các bệnh nguy hiểm, huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ hóa chất Chlorine dập dịch theo đúng quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cũng đã cử cán bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc, nhằm nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay, đã hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng các biện pháp chống nóng, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con nâng cao mực nước trong ao nuôi, sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày và vào ban đêm... Qua đó, tránh phân tầng nhiệt độ trong ao nuôi, tăng hàm lượng oxy hòa tan”, ông Tuấn cho hay.

Cần cho tôm ăn đầy đủ, thức ăn bảo đảm chất lượng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất để phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng. Ảnh: T.P.

Cần cho tôm ăn đầy đủ, thức ăn bảo đảm chất lượng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất để phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng. Ảnh: T.P.

Để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã khuyến cáo người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp hiệu quả nhằm bảo vệ tôm nuôi.

Theo ông Dương Viết Phương Tuấn, trong giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài, người nuôi tôm phải chủ động theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển, sức khỏe của tôm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như pH, độ mặn, oxy hòa tan, amoniac,... để duy trì trong ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển.

Vào mùa nắng nóng, đôi khi xuất hiện cơn mưa trái mùa, môi trường nước biến động nhất là yếu tố pH, nhiệt độ, tôm dễ bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng do đó cần thường xuyên kiểm tra độ pH trong ao để điều chỉnh kịp thời.

Về chế độ chăm sóc mùa nắng nóng, người nuôi cần cho tôm ăn đầy đủ, thức ăn bảo đảm chất lượng, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn sử dụng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm. Thao tác đánh bắt, kiểm tra tôm nhẹ nhàng, các dụng cụ nuôi cần được khử trùng để tránh lây lan mầm bệnh.

Ngoài ra, khi phát hiện tôm chết bất thường, người nuôi phải thực hiện khai báo với thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra tình hình thực tế, thu mẫu xét nghiệm và hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình luôn phối hợp với chính quyền các địa phương để nhắc nhở bà con khi tôm bị dịch bệnh cần thực hiện đúng nguyên tắc “3 không”.

“Đó là không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý, không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường nhằm tránh gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh”, ông Tuấn cho hay.

Xem thêm
Yên tâm chăn nuôi vì được hỗ trợ toàn diện

Các trang trại đang chăn nuôi heo gia công cho Japfa, không chỉ yên tâm về con giống, thức ăn chất lượng tốt, mà còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ công ty.

Hỗ trợ giống ngô, phân NPK cho gần 2.000 gia đình vùng mưa lũ

Khoảng 5,2 tấn ngô giống và 390 tấn phân bón NPK sẽ được gửi tới người dân thuộc tỉnh Yên Bái, Lào Cai trong tuần này để tái thiết sản xuất.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.