| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn hàng lậu nơi vùng cao biên giới

Chủ Nhật 10/12/2023 , 11:00 (GMT+7)

Là tỉnh giáp biên giới Trung Quốc với nhiều cửa khẩu và đường tiểu ngạch giáp ranh, nên sự xâm nhập của hàng lậu luôn tiềm ẩn ở Hà Giang.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng giả, hàng thật. Ảnh: Đào Thanh.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng giả, hàng thật. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng giả, hàng lậu vẫn “lách” vào thị trường Hà Giang

Theo Cục Quản lý Thị trường Hà Giang, hơn 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị này đã xử lý 17 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, thu nộp ngân sách Nhà nước 181,5 triệu đồng. Các hàng hóa tịch thu gồm 18 sản phẩm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy móc công cụ; 554 sản phẩm phụ tùng xe máy, 210 sản phẩm quần áo, 581 sản phẩm đồ điện, đồ gia dụng các loại, 529 sản phẩm mỹ phẩm các loại, 360 gói mỳ khô gà cay… tổng trị giá hàng hóa hơn 236,8 triệu đồng.

Cùng với đó, lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang cũng thực hiện tiêu hủy 160kg thóc giống, 540 cánh vịt muối tẩm ướp, 410 gói bánh các loại… tổng trị giá hàng hóa là hơn 108,1 triệu đồng; xử lý 8 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu nộp ngân sách Nhà nước 54,5 triệu đồng. Về vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp, các lực lượng chức năng đã xử lý 11 hành vi với số tiền nộp ngân sách nhà nước 45,5 triệu đồng. Nguyên nhân do kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, để lẫn thuốc bảo vệ thực vật với các loại hàng hóa khác.

Theo khảo sát thực tế của chúng tôi tại các chợ phiên vùng cao ở những huyện Đồng Văn, Yên Minh, Hoàng Su Phì… vẫn có hiện tượng bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc với quy mô nhỏ lẻ.

Theo một chủ cơ sở kinh doanh giống vật tư nông lâm nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật ở thành phố Hà Giang thì việc người dân sử dụng giống nhập từ Trung Quốc vẫn còn tồn tại, nhất là các giống lúa. Về phân bón thì những năm trước, giá đạm của Trung Quốc rẻ hơn ở thị trường Việt Nam nên có tình trạng nhập lậu nhiều. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay, giá đạm nhập lậu từ Trung Quốc đẩy lên cao hơn nên tình trạng trên đã hạn chế.

Vị chủ cơ sở này cũng cho biết, hiện nay nhập lậu nhiều nhất là thuốc trừ cỏ gói với hoạt chất muối glyphosate nằm trong danh mục bị cấm sử dụng tại Việt Nam vì gây ung thư. Những người nhập về chủ yếu là bà con vùng cao cõng, gùi qua biên giới qua đường tiểu ngạch với số lượng rất nhỏ mang về tiêu dùng cho gia đình là chủ yếu.

Ông Giang Văn Hiệp, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện chống buôn bán giống gia súc, gia cầm, vật tư nông lâm nghiệp trên địa bàn, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan như Quản lý Thị trường, Sở Y tế, Công an tỉnh... chú trọng trong công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... trên địa bàn các huyện, thành phố; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do các huyện, thành phố thành lập. Từ đầu năm đến nay, các đoàn công tác liên ngành đã phối hợp kiểm tra 426 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 7 cơ sở, nộp ngân sách Nhà nước 31,6 triệu đồng.  

Vùng biên thắt chặt, hàng nhập lậu suy giảm

Mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cửa khẩu cũng như vùng giáp ranh biên giới Việt – Trung tại tỉnh Hà Giang được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, tình trạng buôn lậu hàng hóa qua lại giữa 2 quốc gia cũng đã được hạn chế đáng kể.

Tại các huyện vùng cao giáp biên giới của Hà Giang vẫn còn tình trạng người dân nhập giống ngô, lúa về canh tác gieo cấy, tiềm ẩn nguy cơ mất mùa nếu mua phải giống kém chất lượng. Ảnh: Đào Thanh.

Tại các huyện vùng cao giáp biên giới của Hà Giang vẫn còn tình trạng người dân nhập giống ngô, lúa về canh tác gieo cấy, tiềm ẩn nguy cơ mất mùa nếu mua phải giống kém chất lượng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Vũ Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Thị Trường tỉnh Hà Giang cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường của lực lượng chức năng cộng với công việc thắt chặt biên giới Việt – Trung đã khiến tình trang buôn bán hàng lậu trên địa bàn tỉnh trong năm đã giảm đáng kể.

Chỉ tính hơn 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến không phức tạp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn và điểm tập kết hàng lậu. Các vụ việc vi phạm chủ yếu với mức độ nhỏ, lẻ về các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam. Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá… do các cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện. Tất cả những sai phạm đó đã được phát hiện và xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Cục trưởng Cục Quản lý Thị Trường tỉnh Hà Giang Vũ Quốc Khánh cũng cho biết, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán dự báo tình hình thị trường sẽ có diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đây là thời điểm các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tập trung lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán sẽ là cơ hội thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động mạnh. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa quá hạn sử dụng sẽ tăng cao.

Các đối tượng bán hàng trên mạng lợi dụng trà, trộn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử có nhiều diễn biến với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn... đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên tiến hành nắm bắt tình hình thị trường, cài cắm nhân lực, quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Xem thêm
Dự án khai thác than bùn làm phân hữu cơ thu hút khoản đầu tư lớn

Khai thác than bùn chế biến phân bón hữu cơ đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư, khi nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ đang tăng nhanh.

Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất