| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp trên Vịnh Bắc Bộ

Thứ Ba 30/03/2021 , 07:39 (GMT+7)

Năm 2021, lực lượng Kiểm ngư Vùng I tăng thời gian tuần tra, gác biển từ 15 lên 20 ngày, quyết tâm ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp trên Vịnh Bắc Bộ.

Vùng biển phức tạp

Chi cục Kiểm ngư Vùng I được giao thực thi pháp luật về Kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành thủy sản, đồng thời hỗ trợ và bảo vệ ngư dân bám biển sản xuất, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta trên Vịnh Bắc Bộ.

Lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Tùng.

Lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Tùng.

Đây là khu vực tương đối rộng, trải dài từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế, với chiều dài bờ biển khoảng 763km, là ngư trường trọng điểm nên có nhiều tàu cá của các tỉnh và có nhiều tàu cá nước ngoài thường xuyên xâm phạm, khai thác trái phép.

Theo Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, các lỗi vi phạm thường gặp của tàu cá Việt Nam là không viết số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định. Không treo Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc treo không đúng quy định đối với tàu cá Việt Nam.

Đầu năm 2021, Chi cục Kiểm ngư vùng 1 đã triển khai ngay việc tuần tra, kiểm soát trên biển ngay ngày 14/1, là thời điêm trước Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời cũng là chuyến đánh bắt cuối cùng của ngư dân trước Tết Nguyên đán. Kết quả chuyến đầu tiên đã kiểm soát được trên 100 tàu cá, xử phạt hơn 900 triệu đồng.

Một số tàu cá, không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định, thuyền viên không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, còn thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định.

Chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân. Không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn.

Một số tàu bị phát hiện không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định, vứt bỏ ngư cụ trái phép xuống vùng nước tự nhiên và thậm chí không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá và tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Đối với tàu cá Trung Quốc, các vi phạm chủ yếu là tàu nghề câu và nghề lưới kéo, xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản, các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân. Các tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản đã vào khai thác tại vùng Đánh cá chung ở phía Tây đường phân định và tắt thiết bị nhận dạng để tránh bị phát hiện.

Bên cạnh đó có một số trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, cắt lưới bỏ chạy sang phía Đông đường phân định, đoàn công tác đã tiến hành xua đuổi, ghi hình, chụp ảnh làm chứng cứ vi phạm. Đồng thời lập biên bản xác nhận vi phạm đối với các trường hợp tiếp cận được, trục xuất và yêu cầu không được phép quay lại đánh bắt ở phía Tây đường phân định.

Việc chấp hành pháp luật thủy sản của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Đinh Tùng.

Việc chấp hành pháp luật thủy sản của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Đinh Tùng.

Ông Đinh Văn Tráng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm ngư vùng 1 cho biết: Vì điều kiện cuộc sống, nhiều khi họ còn vi phạm, chưa có điều kiện để chuyển đổi nghề kịp thời. Tuy nhiên, về tổng thể, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, qua nhiều năm, qua tuyên truyền giáo dục, ý thức người dân đã thay đổi tích cực, người dân đã từng bước nhận thức được việc tuân thủ Luật Thủy sản.

Tăng thời gian tuần tra, gác biển

Nói về một số khó khăn, ông Tráng tiếp lời cho hay, dù được đánh giá là ngư trường trọng điểm, tập trung nhiều tàu cá nhưng trong những năm qua việc tuần tra, gác biển còn có hạn chế nhất định về thời gian ra quân, nhất là dịp đầu năm.

Nguyên nhân một phần do việc phê duyệt kế hoạch lâu, từ khi duyệt nhiệm vụ đến khi duyệt kế hoạch chi tiết, rồi đến phê duyệt kế hoạch đấu thầu thời gian ngắt quãng, kéo dài.

Đơn cử như năm 2020, thời điểm đầu năm, lực lượng kiểm ngư không ra quân được để thực hiện nhiệm vụ do dịch Covid-19 và giá xăng, dầu biến động, khi tổ chức đấu thầu lại không có nhà thầu, tuy nhiên, năm nay vấn đề này đã được khắc phục, thậm chí thời gian tuần tra, kiểm soát trên biển được tăng thêm 5 ngày.

“Năm trước có thể ngắt quãng nhưng năm nay sẽ đảm bảo, đặc biệt sẽ trực ở những vùng biển có hoạt động của tàu cá nước ngoài và những khu vực đánh bắt của ngư dân có nhiều vi phạm. Tuy nhiên, ngay tháng đầu tiên của năm 2021, chúng tôi đã triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ và khắc phục tình trạng tồn tại của năm cũ, đặc biệt là vấn đề trực biển, mỗi chuyến tuần tra tăng được 5 ngày, đảm bảo thời gian bám biển được kéo dài và sẽ phủ khắp suốt cả thời gian trong năm”, ông Tráng chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Kiểm ngư vùng 1, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát, theo dõi, đốc thúc triển  khai, giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã phê duyệt.

Thời gian tuẩn tra, gác biển sẽ tăng thêm 5 ngày. Ảnh: Đinh Tùng.

Thời gian tuẩn tra, gác biển sẽ tăng thêm 5 ngày. Ảnh: Đinh Tùng.

Chi cục sẽ tăng cường việc tuần tra, kiểm soát trên biển với kế hoạch là 25 chuyến đi biển trong năm 2021, sẽ bám biển thường xuyên và liên tục, không để trống biển. Trong trường hợp cần thiết, có thể sẽ tăng cường thêm nếu được bổ sung để làm sao có thể góp phần ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trên biển.

Song song với đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành thủy sản cho các nhiệm vụ thu thập thông tin, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tìm kiếm, cứu nạn và công tác truyền thông.

Mặt khác, việc kết hợp với các chuyến tuần tra, kiểm soát để thực hiện công tác tuyên truyền, phố biến, phát tờ rơi, hướng dẫn, giải thích các quy định của pháp luật về thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ sẽ được chú trọng hơn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt bất hợp pháp và không báo cáo sẽ được long ghép, phối hợp thường xuyên với các đơn vị và địa phương, góp phần khắc phục thẻ vàng do Liên minh châu Âu cảnh cáo đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

 “Dù còn nhiều khó khăn như bến đỗ tàu, phải thuê, không đảm bảo an toàn, mặt khác, tàu nước ngoài lớn, trong điều kiện sóng gió sẽ khó kiểm tra, vấn đề tiếp cận trên biển rất khó, trong một vài trường hợp người dân còn bất hợp tác. Tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm, lực lượng kiểm ngư trên khu vực Vịnh Bắc Bộ chưa để xảy ra trường hợp chống đối, trong những năm qua đã tăng cường tuần tra, kiểm soát để góp phần thực thi pháp luật Thủy sản trên biển”, ông Đinh Văn Tráng bộc bạch.

Trong năm 2020, đơn vị này đã thực hiện được 12 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với tổng số 21 lượt tàu xuồng Kiểm ngư/181 ngày. Đơn vị đã quan sát được 4.090 lượt/chiếc tàu cá Việt Nam và 85 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc.

Mặt khác, đã tiến hành kiểm tra 778 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Vịnh Bắc bộ, trong đó gồm 751 tàu cá Việt Nam và 27 tàu cá Trung Quốc. Và lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản đối với 202 trường hợp tàu cá Việt Nam, xử phạt  hơn 900 triệu đồng.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.